Dạy nghề miễn phí để kết nối chị em

04/03/2024 - 13:15

PNO - Đến với tiệm may của chị Quỳ, người già, người khuyết tật, học sinh có hoàn cảnh khó khăn… đều được sửa và tặng quần áo miễn phí; chị em phụ nữ yếu thế còn được dạy nghề để kiếm thêm thu nhập.

Giúp người nghèo có quần áo đẹp

Tiệm may của chị Lại Thị Quỳ - 42 tuổi, ngụ tại ấp 1, xã Phạm Văn Hai, huyện Bình Chánh, TPHCM - ngày nào cũng có nhiều người già, phụ nữ, học sinh ra vào. Khi ra về, ai nấy đều vui vì không chỉ được sửa đồ miễn phí mà còn có quần áo đẹp mang về.

Hơn 6 năm trước, khi gia đình gặp nhiều khó khăn, chị Quỳ nghĩ rằng phải có cái nghề gì đó để kiếm sống, nuôi con và phát triển cuộc sống. Vì thế, chị quyết định vay vốn mua một chiếc máy may và tự học nghề may.

Sau vài tháng tìm tòi, học hỏi trên mạng, chị đã may được tất cả các sản phẩm từ áo dài, đầm váy đến đồ em bé.

Chị Lại Thị Quỳ tặng quần áo mới cho một phụ nữ nghèo, khuyết tật ở địa phương
Chị Lại Thị Quỳ tặng quần áo mới cho một phụ nữ nghèo, khuyết tật ở địa phương

Chị Quỳ cho biết, khu vực chị ở, công nhân, người già và học sinh rất nhiều. Sau dịch COVID-19 dường như đời sống của mọi người đều rất khó khăn, trẻ em thì mồ côi cha mẹ, người già thì mất con, công nhân thất nghiệp. Tiền ăn còn không có, nói chi đến việc sửa hay may bộ đồ mới.

Thương họ, nhưng không giúp họ được về vật chất nên chị giúp họ bằng cái nghề của mình. “Sửa 1 cái áo hay 1 cái quần chẳng là bao, chỉ với vài cái đạp máy thì tiếc gì mà lấy tiền của họ” - chị Quỳ bộc bạch.

Tiệm may của chị Quỳ rất được lòng người dân trên địa bàn. Thấy công nhân khó khăn, thu nhập bấp bênh, chị lấy tiền công sửa đồng giá 5.000 đồng và bán những sản phẩm tự thiết kế với giá vài chục ngàn đồng.

Chị kể, nhiều người vào tiệm rất thích những bộ quần áo mới, nhưng cứ chần chừ tính toán. Thấy thế, chị tặng ngay cho họ bộ đồ mới mà chẳng do dự. “Người ta thích gì tôi cho, riết đã thành thói quen, đôi khi cho còn nhiều hơn bán” - chị Quỳ vui vẻ nói.

Chỉ vào cái áo khoác đang mặc trên người, bà Nguyễn Thi Anh nói: “Đây là chiếc áo chị Quỳ tặng tôi cách đây vài tháng mà tôi rất quý. Nhiều năm nay, đến tiệm lúc nào chị Quỳ cũng niềm nở sửa đồ và tặng tôi những bộ đồ đẹp. Nó là những món quà an ủi, động viên chúng tôi những lúc khó khăn”.

Ngoài công việc ở tiệm, thời gian rảnh chị Quỳ tranh thủ đến tận nhà thăm các bà, các cô bị khuyết tật rồi lấy số đo về may áo dài tặng họ. Những việc làm ấy, chị đã duy trì gần 6 năm nay và đã giúp đỡ được bao mảnh đời khó khăn có được bộ quần áo tươm tất, ấm áp.

Cho nhiều hơn bán, nhưng chị em ai cũng vui

Khi cuộc sống đã ổn định, chị Quỳ bắt đầu tham gia công tác hội phụ nữ nhiều hơn. Hiện tại, chị đang là Chi hội phó Chi hội Phụ nữ ấp 1, xã Phạm Văn Hai. Ân cần và gần gũi nên chị hiểu rõ hoàn cảnh của các chị em, nhất là những phụ nữ yếu thế, phụ nữ ở nhà nội trợ, công nhân thất nghiệp.

Để giúp chị em, chị mua thêm 3 chiếc máy may để dạy nghề miễn phí. Chị hào hứng nói: “Khi biết tôi dạy nghề miễn phí, chị em tìm đến học ngày càng đông, thấy vậy Hội LHPN xã hỗ trợ thêm 4 máy nữa. Học nghề xong, chị em có thể linh động thời gian làm việc tại nhà hoặc ở lại tiệm. Từ tháng 6/2023 đến nay, tôi đã dạy nghề thành thạo cho 18 chị em, bình quân thu nhập hằng tháng khoảng 3 triệu đồng”.

Chị Mai Thị Hương - một học viên đã may thành thạo mọi công đoạn - kể, dịch COVID-19 khiến chồng chị mất việc, chị buôn bán cũng ế ẩm, thiếu thốn đủ bề. Nhưng nhờ công việc may vá mà chị có thu nhập, lại có thời gian chăm sóc gia đình, đưa rước con đi học, và hơn hết là kết nối được với nhiều chị em hội phụ nữ trong các hoạt động xã hội.

Chị Lại Thị Quỳ (bìa trái) đang dạy nghề may cho chị em phụ nữ ở xã Phạm Văn Hai
Chị Lại Thị Quỳ (bìa trái) đang dạy nghề may cho chị em phụ nữ ở xã Phạm Văn Hai

Chị Quỳ cho biết, tiệm may của chị nhận sửa và bán quần áo giá bình dân. Trừ nguyên vật liệu, mỗi sản phẩm chị em chỉ lời vài ngàn đồng. Nhưng nhờ làm số lượng nhiều nên chị em có thu nhập tương đối ổn định. “Ở đây cho nhiều hơn bán, nhưng chị em ai cũng vui” - chị Quỳ chia sẻ.

Tiệm may của chị Quỳ còn là địa điểm tập kết áo dài 0 đồng của Hội LHPN xã Phạm Văn Hai, mở cửa từ thứ Hai đến Chủ nhật, ai dư thì đến cho, ai cần thì đến lấy. Những ngày không có hàng may, chị Quỳ rủ chị em tham gia hoạt động hội, tham gia bếp ăn 0 đồng, thu gom sách vở, quần áo cho trẻ em khó khăn; may khẩu trang, đồ cột tóc, quai nón lá miễn phí; may áo dài cho các câu lạc bộ múa của Hội LHPN xã.

Bà Lê Thị Ngọc Bình - Chủ tịch Hội LHPN xã Phạm Văn Hai - chia sẻ: “Chị Quỳ là một tấm gương sáng, luôn tích cực trong các hoạt động chăm lo, góp phần giảm bớt khó khăn cho người nghèo và tạo ra mối liên kết mạnh mẽ giữa các chị em trong hội. Việc làm của chị không chỉ thiết thực mà còn là nguồn động viên, kêu gọi sự chung tay, đoàn kết, tăng cường ý thức cộng đồng và giúp phát triển mạnh các hoạt động của Hội LHPN xã”.

Ngọc Trăm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI