Giáo viên vừa dạy vừa lo
TPHCM là một trong ít địa phương có thuận lợi là đông đảo giáo viên THCS đã được bồi dưỡng dạy môn tích hợp. Do đó, đa phần các trường đều bố trí một giáo viên dạy liên môn khoa học tự nhiên (lý - hóa - sinh) hoặc sử - địa. Tuy vậy, nhiều ý kiến cho rằng, thời gian bồi dưỡng môn tích hợp chỉ vài tháng không thể cung cấp đủ cho giáo viên kiến thức môn học để tự tin đứng lớp.
|
Học sinh lớp Sáu Trường THCS Phan Văn Trị (Q.Gò Vấp, TPHCM) đang học môn tích hợp sử - địa - Ảnh: P.T |
Ông Phùng Minh Vương - Hiệu trưởng Trường THCS An Lạc (Q.Bình Tân) - cho biết theo kế hoạch, trường đã cử giáo viên tham gia bồi dưỡng môn tích hợp và bố trí một giáo viên dạy liên môn. Nhưng qua thực tế giảng dạy, giáo viên phản ánh có khó khăn vì trước đây được đào tạo để dạy đơn môn nhưng nay phải đảm nhiệm hai hoặc ba môn.
Giáo viên dạy sử hoặc địa thì trước đây đa phần thi khối C (văn - sử - địa) nên nếu cố gắng vẫn có thể đảm nhận cả hai môn. Song, đối với giáo viên dạy tích hợp khoa học tự nhiên thì phải “ôm” cả ba môn lý - hóa - sinh rất nặng.
Trong khi nhiều giáo viên trước đây thi khối A (toán - lý - hóa) thì không giỏi môn sinh hoặc ngược lại thi khối B (toán - hóa - sinh) thì không giỏi môn lý. Nay phải dạy cả môn mình không nắm vững hoặc thậm chí không yêu thích, dẫn đến giáo viên gặp khó cả về khía cạnh tâm lý lẫn nghiệp vụ.
Vị hiệu trưởng lo ngại hiện nay, chương trình mới triển khai ở lớp Sáu và Bảy, giáo viên có thể “gồng gánh” được khối lượng kiến thức liên môn. Nhưng những năm sau triển khai ở lớp Tám và Chín, kiến thức các môn rất nặng thì giáo viên không chuyên sẽ càng gặp khó khăn.
Để khắc phục tình trạng này, trường yêu cầu tổ chuyên môn họp hai tuần một lần để các giáo viên hỗ trợ nhau về kiến thức môn học. Đồng thời, kiến nghị Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM tổ chức tập huấn thêm cho giáo viên. Nên phát hành sớm sách giáo khoa lớp Tám, Chín để giáo viên nghiên cứu trước khi bước vào giảng dạy chính thức.
Bà Trịnh Thị Bích Hằng - Hiệu trưởng Trường THCS Trần Quốc Toản (TP.Thủ Đức) - cho hay năm học này trường thiếu đến 10 giáo viên, trong đó có ba giáo viên dạy môn sử - địa và ba giáo viên dạy môn khoa học tự nhiên. Điều này dẫn đến việc các giáo viên tích hợp không chỉ vất vả vì phải dạy liên môn, mà còn phải gánh thêm nhiều tiết hơn trước. Giáo viên liên môn phải dạy kín tiết, không có ngày nghỉ, trung bình 25 tiết/tuần.
Trong khi đó, để chuẩn bị cho các tiết dạy không đúng chuyên môn, giáo viên cần đầu tư rất nhiều thời gian. Trường cố gắng hỗ trợ bằng cách trang bị thêm tài liệu để giáo viên nghiên cứu, đẩy mạnh hoạt động của tổ chuyên môn để các giáo viên giúp đỡ lẫn nhau.
“Hiện nay, đa phần giáo viên dạy tích hợp với tâm thế “vừa dạy vừa học”, “vừa dạy vừa lo”, rất sợ học sinh đặt những câu hỏi khó, chuyên sâu… Khi giáo viên không tự tin với kiến thức chuyên môn thì cũng khó có thể tạo hứng thú, tích cực đối với học sinh, ảnh hưởng đến chất lượng giảng dạy” - bà Trịnh Thị Bích Hằng nói.
Tích hợp... nửa vời
Đối với nhiều tỉnh, thành khác trên cả nước, giáo viên chỉ mới được tập huấn về sách giáo khoa chứ chưa tham gia bồi dưỡng dạy tích hợp. Do đó, đa phần các trường vẫn phải sắp xếp theo kiểu nhiều giáo viên đơn môn tham gia dạy môn tích hợp.
Chẳng hạn, Trường THCS Quang Trung (TP. Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng) bố trí một giáo viên dạy hóa - sinh và một giáo viên dạy lý đối với môn khoa học tự nhiên. Với môn sử - địa vẫn do hai giáo viên thay nhau giảng dạy hai phân môn.
Do đó, tuy mang tiếng là tích hợp nhưng giáo viên… mạnh ai nấy dạy. Thời khóa biểu cũng phải thay đổi liên tục để phù hợp với số tiết quy định và nội dung trong sách. Học sinh tuy học tích hợp nhưng vẫn do nhiều giáo viên dạy và ghi chép vào những cuốn vở khác nhau như môn riêng biệt.
Một giáo viên THCS ở TP.Thái Bình (tỉnh Thái Bình) cho hay: Trên thực tế, những bất cập trong việc đào tạo chuyên môn cho giáo viên và nội dung môn học đã dẫn đến việc dạy tích hợp theo kiểu nửa vời. Với môn khoa học tự nhiên chỉ là “gò ép” ba môn lý, hóa, sinh vào một cuốn sách. Dù sách có xây dựng theo từng chủ đề nhưng mỗi chủ đề liên quan đến một môn chứ không mang tính tích hợp kiến thức.
Cụ thể, với sách khoa học tự nhiên lớp Bảy của bộ Chân trời sáng tạo có 11 chủ đề. Trong đó, hai chủ đề đầu về hóa, bốn chủ đề tiếp theo về lý, còn năm chủ đề cuối về sinh. Như vậy, thực tế, khoảng 7-8 tuần đầu học sinh học cuốn chiếu phân môn hóa, các tuần tiếp theo sẽ học lý, rồi chuyển sang học môn sinh.
Theo mạch kiến thức như sách thiết kế, học sinh học cuốn chiếu một môn học sau đó khép lại, đến cuối năm ôn để thi và sang năm học sau mới được tiếp cận đến môn học đó. Như vậy, các em không thể nắm vững kiến thức môn học khi không được học và ôn luyện thường xuyên.
Chưa kể, với những trường chưa có giáo viên dạy liên môn mà phải bố trí nhiều giáo viên đơn môn dạy tích hợp, sẽ dẫn đến bất cập: ở những chủ đề môn hóa thì giáo viên hóa “vắt chân lên cổ” chạy, trong khi giáo viên lý, sinh “ngồi chơi”. Tương tự như vậy khi đến các chủ đề môn lý, sinh.
Đối với môn sử - địa thì lại càng là sự gán ghép cơ học khi sách tách hẳn ra hai phần: nửa đầu cuốn sách là sử và nửa sau là địa. Cách biên soạn sách giáo khoa này hoàn toàn không mang tính tích hợp mà chỉ là ghép hai môn vào một cuốn sách. Chưa kể vì ghép thành một môn với thời lượng 3 tiết/tuần, các trường phải xếp lịch dạy mỗi phân môn 1,5 tiết/tuần; hoặc tháng đầu 2 tiết sử và 1 tiết địa/tuần, tháng sau đổi lại 1 tiết sử và 2 tiết địa/tuần…
“Không chỉ vậy, việc kiểm tra, đánh giá môn tích hợp cũng tồn tại nhiều bất cập và sẽ không đánh giá đúng năng lực của học sinh. Chẳng hạn, với môn sử - địa thì học sinh phải ôn và kiểm tra một lúc hai môn nên kiến thức nặng. Khi đánh giá, yêu cầu đề kiểm tra phải có tỷ lệ kiến thức cân bằng giữa các phân môn. Như vậy, nếu học sinh làm trọn vẹn phân môn sử, không làm được phân môn địa, hoặc ngược lại, thì vẫn đạt yêu cầu của môn học.
Đối với môn khoa học tự nhiên, trong nửa học kỳ I chỉ học chủ đề môn hóa, nên bài kiểm tra giữa kỳ chỉ có môn hóa. Thế nhưng, kết quả đánh giá vẫn được tính chung cho cả môn học dù chưa biết năng lực của học sinh với các phân môn còn lại như thế nào” - giáo viên này phân tích.
Năm 2023, TPHCM mới có giáo viên tích hợp được đào tạo chính quy Ông Hồ Sỹ Anh - Viện Nghiên cứu giáo dục (Trường đại học Sư phạm TPHCM) - cho biết hiện các trường trên cả nước thực hiện nhiều cách khác nhau để dạy môn tích hợp và cách nào cũng tồn tại bất cập. Đối với môn khoa học tự nhiên hiện có ba phương thức. Thứ nhất là dạy học song song: môn lý (1 tiết/tuần), hóa (1 tiết/tuần) và sinh (2 tiết/tuần), cách này không đảm bảo được mạch kiến thức. Thứ hai là dạy học theo chủ đề: chủ đề hóa thì giáo viên hóa dạy, chủ đề lý thì giáo viên lý dạy, chủ đề sinh thì giáo viên sinh dạy, với thời lượng 4 tiết/tuần… Phương thức này đảm bảo được mạch kiến thức nhưng thời khóa biểu của trường phải đổi liên tục, gây rối cho học sinh và giáo viên. Thứ ba là phân công cho một giáo viên đã có chứng chỉ tích hợp dạy cả ba phân môn, nhưng bất cập là giáo viên chưa đủ kiến thức và tự tin giảng dạy, ảnh hưởng đến chất lượng. Theo ông Hồ Sỹ Anh, để không ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học, với lớp Tám và Chín sắp tới, nên phân hóa các môn khoa học tự nhiên, sử - địa thành từng phần khác nhau, không theo chủ đề đan xen. Phần phân môn nào thì giáo viên có thế mạnh môn đó giảng dạy. Với lớp Sáu, Bảy có thể giữ như hiện hành, ưu tiên những giáo viên đã bồi dưỡng tích hợp giảng dạy, trong khi chờ lứa sinh viên tích hợp được đào tạo chính quy. Dự kiến đến năm 2023 TPHCM mới có được khoảng 110 giáo viên tích hợp cho hai liên môn khoa học tự nhiên và sử - địa được đào tạo chính quy tại Trường đại học Sư phạm TPHCM và Trường đại học Sài Gòn. |
Phương Thanh