Dạy môn giáo dục địa phương sao cho tốt?

28/12/2023 - 06:47

PNO - Dù được đánh giá là môn học quan trọng trong chương trình giáo dục phổ thông 2018, nhưng môn giáo dục địa phương vẫn chưa hấp dẫn được nhiều học sinh, do cách dạy chưa đổi mới.

Học sinh chưa có “cảm tình” 

Nội dung giáo dục địa phương đã xuất hiện trong hoạt động giáo dục từ năm học 2008-2009. Với chương trình mới, đây là môn học bắt buộc ở cả 3 cấp học, nội dung do sở GD-ĐT tỉnh, thành phố biên soạn, gồm những vấn đề cơ bản hoặc thời sự về văn hóa, lịch sử, địa lý, kinh tế, xã hội, môi trường, hướng nghiệp… của địa phương.

Học sinh Trường THPT Lương Thế Vinh (quận 1) bán các loại bánh dân gian Nam Bộ, tìm hiểu văn hóa địa phương trong chương trình “Vui trẩy hội làng” - ẢNH: T.T.
Học sinh Trường THPT Lương Thế Vinh (quận 1) bán các loại bánh dân gian Nam Bộ, tìm hiểu văn hóa địa phương trong chương trình “Vui trẩy hội làng” - ẢNH: T.T.

Môn học được kỳ vọng giúp học sinh hiểu thêm về nơi mình sinh sống, bồi dưỡng tình yêu quê hương, đồng thời vận dụng điều đã học để giải quyết những vấn đề thực tế… Tuy vậy, môn học này vẫn chưa chiếm được “cảm tình” của nhiều học sinh.

Gần đây, trên một số nhóm Facebook dành cho học sinh, một học sinh THPT than thở “giáo dục địa phương là môn học không mang tính áp dụng”. Ngay dưới bài viết, hàng trăm học sinh đã vào tranh biện. M.A. - học sinh lớp Mười một tại quận 11, TPHCM - bày tỏ: “Em cảm thấy nó không cần thiết, vì những cái này đã có trong môn lịch sử, địa lý. Tăng thêm môn như vậy rất nặng và tốn thời gian”. N.H. - học sinh lớp Mười của Trường THPT Nguyễn Hiền (quận 11) - cho rằng, nội dung bài học khá nhàm chán, chủ yếu dẫn lại từ sách giáo khoa… 

Ngược lại, Quỳnh Giang - học sinh lớp Mười một ở quận 3 - cho rằng, cô giáo môn giáo dục địa phương dạy em nhiều điều mới lạ, từ văn hóa dân ca, hò, vè… đến lịch sử của những danh lam, thắng cảnh địa phương. Cô cũng để học sinh tự soạn bài thuyết trình về các chủ đề lịch sử, danh nhân, văn hóa… sau đó nghe trình bày và chỉ ra chỗ chưa đúng, cần cải thiện. “Nhờ môn này mà em phân biệt được sự khác nhau giữa đền, miếu và đình, biết thêm các kiến thức liên quan đến đạo lý, truyền thống của dân tộc” - em chia sẻ.

Thạc sĩ Nguyễn Tuấn Anh - Tổ trưởng bộ môn giáo dục địa phương của Trường THPT Lương Thế Vinh (quận 1), thành viên Hội Khoa học lịch sử TPHCM - nhận định: môn học này tập hợp những vấn đề mang tính thời sự về lịch sử, văn hóa, địa lý, xã hội, môi trường, hướng nghiệp theo sát nhu cầu của địa phương. Học sinh chưa thấy được vai trò của môn học này có thể do chưa tìm thấy cảm hứng, hoặc cách truyền đạt của thầy cô chưa linh hoạt. 

Tăng cường hoạt động thực tế

Tán đồng với quan điểm trên, ông Dương Hữu Đức - Hiệu trưởng Trường THCS Lý Tự Trọng (quận Gò Vấp) - cho rằng, dạy môn giáo dục địa phương, giáo viên rất cần những trải nghiệm thực tế để truyền đạt những kiến thức về văn hóa, chính trị, tư tưởng. Thậm chí là những phân tích như nguyên nhân TPHCM có những bước tiến nhanh so với các tỉnh, thành khác… Tuy nhiên, nội dung của tài liệu giáo dục địa phương khá đơn giản, nhẹ nhàng nên nếu thầy cô nói như sách sẽ tạo cảm giác nói cái ai cũng biết, gây nhàm chán cho học sinh. Ngược lại, nếu kết hợp được giữa kiến thức và thực tiễn sẽ làm cho học sinh rất hứng thú.

Học sinh Trường THPT Lương Thế Vinh (quận 1) tìm hiểu về lịch sử địa phương tại Bảo tàng Lịch sử TPHCM - ẢNH: T.T.
Học sinh Trường THPT Lương Thế Vinh (quận 1) tìm hiểu về lịch sử địa phương tại Bảo tàng Lịch sử TPHCM - ẢNH: T.T.

Là người trực tiếp giảng dạy môn học này, ông Dương Hữu Đức nhận định, đây là môn học không khó dạy với những người có nhiều gắn bó với địa phương, có lòng yêu nghề. Các trường nên phân bộ môn này cho những thầy cô thích du lịch, dạy môn lịch sử, địa lý… Trong quá trình dạy, giáo viên vẫn cần căn cứ theo tài liệu để đảm bảo kiến thức, đồng thời mở rộng những trải nghiệm về lễ hội, hoạt động văn hóa, phong tục… từng được tham gia để các em nắm rõ hơn. Những giáo viên trẻ cũng không cần lo ngại vì các quận, huyện đều sẽ có nhóm thầy cô giàu kinh nghiệm là cán bộ chỉ đạo, cán bộ mạng lưới để giải quyết thắc mắc, phân phối chương trình thông qua nhóm bộ môn và các buổi họp bộ môn. Nhà trường cũng có ban giám hiệu, thầy cô lớn tuổi để tham khảo ý kiến khi cần. 

Thạc sĩ Nguyễn Tuấn Anh cũng lưu ý rằng, thầy cô dạy giáo dục địa phương cần đặc biệt chú trọng đến việc tương tác và trải nghiệm của học sinh. Ví dụ, Trường THPT Lương Thế Vinh thường tổ chức dự án liên tổ như: chương trình “Khi tôi là đại sứ di sản quốc gia” để học sinh làm video quảng bá, tổ chức trưng bày, thuyết trình về di sản bằng cả tiếng Anh và tiếng Việt; chuyên đề “Vui trẩy hội làng” để tái hiện trò chơi, âm nhạc, món ăn dân gian của các vùng miền.

“Học sinh được nhảy sạp, ăn bánh đậu xanh, hát bài chòi, mặc trang phục truyền thống… nên rất hứng khởi. Qua đây, các em sẽ hình thành được ý thức, tình yêu với quê hương, cộng với những phẩm chất đạt được từ chương trình mới sẽ trở thành công dân hài hòa giữa truyền thống và hiện đại” - thầy Nguyễn Tuấn Anh cho hay. Tất nhiên, để làm được điều này, thầy cô cần phải viết chương trình, lên kế hoạch từ trước đó 2-3 tháng, rồi mới phát động về các lớp. 

Ông Nguyễn Bảo Ngọc - Hiệu trưởng Trường THCS - THPT Thạnh An (huyện Cần Giờ) - thông tin, do chưa có trường đại học nào đào tạo giáo viên môn giáo dục địa phương nên môn này phần lớn do các giáo viên kiêm nhiệm hoặc tự đào tạo. Hiện nay, nhà trường phải bố trí giáo viên thiếu tiết, chưa đủ tiết nghĩa vụ giảng dạy môn học này. Để đảm bảo nghiệp vụ sư phạm và kỹ năng chuyên môn, thầy cô phải tham gia chương trình tập huấn giảng dạy của Sở GD-ĐT TPHCM, thực hiện trao đổi trong nhóm chuyên môn của nhà trường.

Trang Thư

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI