Diễn đàn “Phát triển TPHCM thông minh, sáng tạo”

Đẩy mạnh xuất khẩu để cải thiện chất lượng thực phẩm trong nước

15/01/2020 - 08:31

PNO - Đến với diễn đàn “Phát triển TPHCM thông minh, sáng tạo” của Báo Phụ nữ TPHCM lần này là bốn chuyên gia với các ý kiến thiết thực, tâm huyết để phát triển kinh tế, xã hội và môi trường ở Việt Nam nói chung, Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng.

Tiến sĩ Phạm Hữu Tài - chuyên gia thương mại quốc tế, giảng viên Đại học Canberra (Úc), điều phối viên chương trình Aus4Innovation từ nguồn vốn ODA của chính phủ Úc - không giấu nỗi trăn trở về vấn đề an toàn thực phẩm của Việt Nam. Ông nói:

- Việt Nam đang chứng kiến sự gia tăng nhanh chóng của các hiệp định thương mại tự do, như hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chẳng hạn. Các hiệp định này đã mở ra tiềm năng to lớn cho các thị trường, trong đó có cơm công nghệ hay thực phẩm sẵn sàng để ăn RTE (Ready to eat). Các quốc gia thành viên các hiệp định này tiêu thụ lượng thực phẩm RTE tăng lên nhanh chóng.

Đặc biệt, nó còn kéo theo tiềm năng to lớn cho thị trường cơm lò vi sóng (microwave rice), nước gấc, dừa, dưa hấu đóng chai. Trong bối cảnh đó, nhóm các nhà khoa học kiều bào (Mỹ, Úc) chúng tôi phối hợp nhau để làm sao kết nối được giữa hai chính phủ Úc và Việt Nam, kết nối các nhà nghiên cứu và cả doanh nghiệp hai quốc gia. Đến nay, lộ trình của nhóm đã gần đến đích.

Tiến sĩ Phạm Hữu Tài
Tiến sĩ Phạm Hữu Tài

Xuất khẩu tạo niềm tin 

*Phóng viên: Nghĩa là các cơ hội đang mở ra dù chỉ thông qua sự tiếp cận trong phạm vi hẹp của hoạt động thương mại?

-Tiến sĩ Phạm Hữu Tài: Tiềm năng nguồn cung ứng nguyên liệu cho thực phẩm RTE ở Việt Nam rất phong phú và dồi dào, đặc biệt là ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Chẳng hạn, vùng lúa - tôm khoảng hơn 170.000ha ở Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Kiên Giang, Bến Tre, Trà Vinh và nguồn nước khoáng với nhiều dinh dưỡng chạy dài khoảng 100km ở Tiền Giang. Chưa kể, “nhà kính tự nhiên” khổng lồ ở các tỉnh Tây Nguyên là nguồn nguyên liệu bảo đảm đủ tiêu chuẩn về chất lượng và hiệu quả kinh tế cho việc sản xuất, chế biến thực phẩm RTE.

Quyết định 176/QĐ-TTG của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt đề án phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến năm 2020 và Nghị quyết 120/NQ-CP về Phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu, cũng như các quyết định, quy định liên quan đến sự hỗ trợ của chính quyền địa phương về miễn, giảm tiền thuê đất và thuế là lợi thế to lớn cho việc sản xuất và chế biến RTE. Chẳng hạn, khu nông nghiệp công nghệ cao ở H.Tân Phước, tỉnh Tiền Giang có sự hỗ trợ rất cao của chính quyền địa phương trong việc miễn, giảm tiền thuê đất và mức thuế.

Nhóm chuyên gia chúng tôi có thể khai thác nguồn tài trợ từ các tổ chức quốc tế để phát triển kinh tế, xã hội và môi trường ở Việt Nam. Đặc biệt, chương trình Aus4Innovation đang triển khai là một nguồn vốn ODA mà chính phủ Úc viện trợ không hoàn lại cho riêng Việt Nam nhằm cung cấp các quỹ để mở rộng các hoạt động đã được thử nghiệm và giải quyết các thách thức mới nổi lên hoặc cơ hội trong bất kỳ lĩnh vực nào ở Việt Nam.

* Những điều này hứa hẹn sẽ mang đến điều gì cho đối tượng thụ hưởng cuối cùng là người dân, thưa ông?

- Ở góc độ vĩ mô, đó chính là an toàn thực phẩm (ATTP). Rồi nó còn giải quyết công ăn việc làm. Chúng tôi sẽ tư vấn, chuyển giao những bí quyết công nghệ mà nhóm dự án đã hấp thụ được từ nước ngoài. Chúng tôi tự tin về điều đó bởi chúng tôi là những nhà khoa học chứ không phải người làm thương mại.

Bảo đảm an toàn thực phẩm đối với thức ăn đường phố, bếp ăn tập thể, bếp ăn công nghiệp… luôn là vấn đề thu hút sự quan tâm của người dân - Ảnh: Quốc Ngọc
Bảo đảm an toàn thực phẩm đối với thức ăn đường phố, bếp ăn tập thể, bếp ăn công nghiệp… luôn là vấn đề thu hút sự quan tâm của người dân - Ảnh: Quốc Ngọc

* Công trình các ông sẽ tác động thế nào đến các nhóm nguy cơ cao như thức ăn đường phố, bếp ăn tập thể ở trường học, nhà máy, xí nghiệp, thưa tiến sĩ?

- Khi làm bất cứ cái gì, cần phải nói đến sức mua, còn gọi là cầu. Cầu ở đây không phải là nhu cầu thường thấy ở góc độ kinh tế, mà là “cầu có khả năng thanh toán”. Hoặc như cách nói của Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân, làm sao bán cho toàn cầu nhưng cũng bán được cho nội địa.

Tôi nghĩ rằng, việc xuất khẩu các sản phẩm đó sẽ giúp lan tỏa sản phẩm của quê hương rất lớn. Tôi gọi đó là cách giải quyết bài toán ATTP dưới lăng kính của các hiệp định thương mại quốc tế. Tức là, chính nhờ hoạt động xuất khẩu đó, bắt buộc nhà sản xuất phải tuân thủ, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế kèm theo hiệp định, chẳng hạn như CPTPP quy định chặt chẽ về hàng rào kỹ thuật đối với hàng hóa. Khi chúng tôi về đây làm một dự án xuất khẩu sản phẩm RTE, người Việt mình sẽ có rất nhiều mô hình đáp ứng cho thức ăn đường phố, xí nghiệp, trường học cùng nhiều nơi khác. Qua đánh giá của các chuyên gia, hiện thực phẩm của Việt Nam nhiễm khuẩn khá cao, nhưng nhiễm hóa chất không nhiều.

RTE còn giúp giải quyết luôn tình trạng bữa cơm truyền thống cho các gia đình ở Việt Nam trong bối cảnh các thành viên có quá ít thời giờ để lo cho ba bữa cơm hằng ngày. Điều này sẽ thúc đẩy thị trường to lớn trong nước cho thực phẩm RTE, đặc biệt là ở các đô thị lớn như TPHCM, Hà Nội. Nếu chúng ta không tận dụng lợi thế của các hiệp định thương mại tự do vào lúc này, người nước ngoài cũng sẽ đem những mô hình đó vào Việt Nam thôi.

* Ông có thể giải thích đôi chút về thực phẩm RTE?

- Ready to eat, tôi đã nấu sẵn cho anh, anh chỉ hâm lên ăn thôi. Anh không hâm cũng được, cũng chả cần bỏ tủ lạnh. RTE an toàn, không chứa chất phụ gia hóa học và chất bảo quản. Giá trị dinh dưỡng cao gồm bảo đảm protein, chất béo, carbohydrate, vitamin, khoáng chất; hương vị tốt và giá cả hợp lý. Ở Úc, có đến 40% hộ dùng gạo chọn mua gạo RTE; ở Anh, tỷ lệ này là 50%. Ngay cả các nhà hàng ở xứ sở tân tiến cũng sử dụng RTE, khi có khách gọi món thì cứ thế làm nóng lên. Loại thức ăn này ngày càng phổ biến. Đô thị công nghiệp như TPHCM hoàn toàn có thể giải quyết bữa ăn cho hàng trăm ngàn công nhân, sinh viên, học sinh bằng RTE.

* Nhóm của ông có kinh nghiệm gì có ích cho người dân và cơ quan quản lý trong vấn đề bảo đảm ATTP tại TP.HCM? Có quá duy ý chí không khi cho rằng hoạt động xuất khẩu bảo đảm tiêu chuẩn nước ngoài sẽ cải thiện chất lượng sản phẩm cho thị trường trong nước?

- Đầu tiên, ATTP là một hoạt động thuộc trách nhiệm của Chính phủ. Nhưng cơ quan nhà nước thì sử dụng yếu tố hành chính quá lớn khi thực thi trách nhiệm. Mô hình của chúng tôi giúp lan tỏa tiêu chuẩn, nhận thức. Tôi xin nói vài kinh nghiệm. Trước đây, có ai nghĩ cây xăng có thể tích hợp cửa hàng bán đồ ăn không? Có bao giờ mình nghĩ hệ thống siêu thị có thể tồn tại và phát triển ở Việt Nam như hiện nay không?

Tôi vẫn cho rằng, bên cạnh giải quyết bài toán về hiệu quả kinh tế, xuất khẩu sẽ tạo ra niềm tin rất lớn. Thậm chí, trong dự án của chúng tôi, chiến lược marketing là chỉ cần xuất khẩu thôi, không cần lời, mà lấy lời từ thị trường nội địa. Cái lan tỏa trong cộng đồng chính là niềm tin. Người ta thường đề cập vốn xã hội (social capital) và vốn này của Việt Nam chứa yếu tố niềm tin cực kỳ quan trọng.

Dĩ nhiên, mô hình mà chúng tôi đang tiến hành không phải là duy nhất để giải quyết được vấn nạn ATTP của thành phố. Tôi nghĩ, chính quyền phải có một giải pháp tổng thể, trong đó tập trung nâng cao nhận thức. Cụ thể là phải nâng cao nhận thức từ trẻ em ngay khi ở trường học. Khi các em ý thức sẽ truyền lại ý thức đó cho cha mẹ, gia đình. Đồng thời, những chương trình xuất khẩu cũng giúp làm thay đổi bộ mặt và niềm tin. Đó cũng là một cách gây ý thức. 

Bảo đảm an toàn thực phẩm đối với thức ăn đường phố, bếp ăn tập thể, bếp ăn công nghiệp… luôn là vấn đề thu hút sự quan tâm của người dân ẢNH: QUỐC NGỌC
Bảo đảm an toàn thực phẩm đối với thức ăn đường phố, bếp ăn tập thể, bếp ăn công nghiệp… luôn là vấn đề thu hút sự quan tâm của người dân ẢNH: QUỐC NGỌC

Mọi thứ phải tan ra trước xu thế hội nhập

* Ông có tin những điều ông làm sẽ gây cộng hưởng cho người dân nâng cao nhận thức, giúp nâng cao ý thức trách nhiệm cho cơ quan quản lý nhà nước không và lấy gì bảo đảm?

- Chắc chắn. Nghiên cứu của các khoa học gia thế giới đã kết luận, quá trình hội nhập như Việt Nam hiện nay phải trả một cái giá mà họ dùng từ “xã hội sẽ tan ra”. Những yếu tố đó hoàn toàn làm thay đổi nhận thức rất lớn, cộng với những tác động từ các giải pháp tổng thể. Những cách làm, cách quản lý lôm côm, tiêu cực sẽ phải tan ra chứ không thể nào tồn tại mãi được trong xu thế hội nhập.

Chúng tôi rất cảm thông với những người có trách nhiệm hiện nay của TPHCM phải giải quyết quá nhiều sự vụ, hoàn toàn không thể có chiến lược. Theo góc nhìn nhỏ bé của chúng tôi, phải chuyển các đề án khoa học ở nước ngoài về Việt Nam càng nhiều càng tốt, nhưng với cơ chế hiện nay, cũng không thoải mái để làm.

Với tôi, cái đáng sợ không phải cái ác mà là sự im lặng trước cái ác. Im lặng ở đây đồng nghĩa với không hành động hoặc không dám nói những điều tích cực.

Một minh họa thú vị từ Canada với hiệp định thương mại CPTPP là, tiêu chuẩn ATTP cho hàng hóa xuất nhập khẩu của họ cao hơn so với tiêu chuẩn của hiệp định. Người Canada giải quyết việc đó thế nào? Đơn giản là các nhà khoa học của họ cứ lên tiếng thôi. Giống như chúng tôi cứ hiến kế, còn chính phủ có khi nghe, có khi không, chứ đâu phải cái gì cũng nghe hết. Nhiệm vụ của nhà khoa học là phải lên tiếng.

Bên cạnh xây dựng nhà máy sản xuất, mục tiêu cốt lõi của dự án chúng tôi là hình thành Trung tâm Sáng tạo Việt - Úc, dự kiến tại TPHCM. Hợp tác quốc tế và đổi mới sáng tạo là một trong những hoạt động quan trọng của trung tâm này. Nó còn hướng đến mở rộng các hoạt động đã được thử nghiệm hoặc đang thực thi ở các quốc gia tài trợ, từ đó giải quyết các thách thức mới nổi hoặc các cơ hội cho bất kỳ lĩnh vực nào của hệ thống đổi mới Việt Nam. Trung tâm cũng sẽ tạo sự khớp nối từ vùng nguyên liệu đến sản xuất và tiêu thụ. 

Trung tâm Sáng tạo Việt - Úc có thể giúp nông dân, nhà chế biến thực phẩm và thương mại cải thiện khả năng cạnh tranh thông qua phát triển kỹ năng, nâng cao năng lực xuất khẩu.
* Xin cảm ơn ông. 

Giáo sư - tiến sĩ Trần Hải Linh - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân và Đầu tư Việt Nam - Hàn Quốc (VKBIA):

Thành phố thông minh cần nhiều cách tiếp cận khác

“Thành phố thông minh” ngoài là nơi áp dụng những ứng dụng công nghệ cao, còn là nơi có các hoạt động sáng tạo và khởi nghiệp diễn ra với cường độ và mật độ cao. Với nhiệm vụ và sứ mệnh đó, chúng tôi cho rằng, việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đóng vai trò quan trọng. Các thành viên chủ chốt người Hàn Quốc của VKBIA đều là lãnh đạo và các chuyên gia đầu ngành, dày dạn kinh nghiệm về công nghệ cao và trí tuệ nhân tạo (AI), sẵn sàng là cầu nối hỗ trợ đào tạo, phát triển nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển của TPHCM.

Tình trạng khan hiếm nguồn lực phát triển vốn khiến tốc độ tăng trưởng kinh tế giảm sút, cơ sở hạ tầng quá tải và xuống cấp, môi trường sống trở nên ô nhiễm và thiếu an toàn… đã làm giảm sức hấp dẫn của TPHCM. Nó tác động tiêu cực đến triển vọng để TPHCM trở thành trung tâm tài chính. Do vậy, có lẽ TPHCM cần một cách tiếp cận khác.

Ngoài ra, trong 5 yếu tố cốt lõi của trung tâm tài chính được đề ra trong đề cương gồm môi trường kinh doanh, nguồn vốn con người, cơ sở hạ tầng, mức độ phát triển của ngành tài chính và danh tiếng của địa phương, theo tôi, rất cần có sự tham gia và đồng hành của các tập đoàn, tổ chức tài chính trên thế giới có kinh nghiệm. 

TPHCM cần xây dựng ngay các chiến lược khởi nghiệp trên nền tảng công nghệ cao cho đô thị thông minh và sáng tạo với những lĩnh vực đã được xác định trọng tâm, không tràn sang các lĩnh vực không cần thiết khác. Đây mới chính là môi trường cho các ý tưởng sáng tạo, cho các nhà đầu tư.

 

Ông Nguyễn Thành Chung - Phó chủ tịch Hội Doanh nghiệp Việt Nam - Thụy Sỹ (SVC):
TPHCM có thể làm gì để hàng Việt hết yếu thế tại trời Âu?

 Do chưa có hệ thống phân phối tại Thụy Sỹ nên hàng Việt Nam chịu áp lực cạnh tranh rất lớn. Các chuỗi phân phối lớn nhập hàng Việt Nam theo các kênh của doanh nghiệp châu Âu, dưới nhãn mác đồng thương hiệu và họ sẽ được hưởng lợi nhuận lớn hơn nhiều so với các nhà cung cấp của Việt Nam, tức doanh nghiệp xuất khấu của Việt Nam. Trong khi đó, nhóm doanh nghiệp Thái Lan, Trung Quốc, Ấn Độ và Sri Lanka... đẩy mạnh việc liên kết sản xuất và chế biến với các công ty vốn FDI của Thụy Sỹ đặt tại nước họ. Do vậy, các doanh nghiệp Việt Nam cần thay đổi phương thức, quy mô kinh doanh, tạo sự liên kết, xây dựng sản phẩm xuất khẩu đồng thương hiệu... để có nhiều lợi thế hơn. Để làm được những nội dung trên, tôi kiến nghị lãnh đạo TPHCM tạo điều kiện để kiều bào chúng tôi hướng đến thành lập Ủy ban Hợp tác hỗn hợp giữa TPHCM và TP.Genèva, từ đó thực hiện các vấn đề mang tầm chiến lược, bền vững vì lợi ích của hai thành phố nói chung và cộng đồng doanh nghiệp của hai thành phố nói riêng.

 

Kiến trúc sư Phan Tấn Lộc (Pháp):
Mô hình đô thị đa trung tâm phù hợp với văn hóa Việt Nam

Dù có đề cập đến mô hình thành phố đa trung tâm, nhưng thực tế, TPHCM vẫn đang theo hướng thành phố với trung tâm độc nhất. Chính vì vậy nên hệ thống giao thông mới có đường xuyên tâm, hướng tâm, đường vành đai, trong khi xu hướng tương lai là giảm nhu cầu đi lại của người dân. Vậy, khu vực người dân sinh sống phải đáp ứng tối đa những nhu cầu của người dân như công việc, mua sắm, giải trí, tín ngưỡng, tâm linh.

Lý tưởng nhất là người dân chỉ mất 20 phút đi bộ từ nhà đến chỗ làm. Nếu tốc độ di chuyển của người đi bộ là 5km/h (thong thả) đến 10km/h (nhanh) thì khoảng cách từ nhà đến nơi làm việc là 1,6-3,3km. Vậy, mô hình này có khác gì với cách sống “bước ra khỏi nhà vài bước" là có những gì mình muốn của người Việt? Nói cách khác, mô hình đô thị tương lai mà các nước tiên tiến mong muốn đạt được thì văn hóa Việt Nam chúng ta đã có sẵn.

Thành phố với một trung tâm độc nhất có hàng loạt khuyết điểm. Từ năm 1992, các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OCDE) đã khuyến cáo phát triển theo hướng đa trung tâm. Đương nhiên, họ không buộc người dân rải ra tuyệt đối theo mô hình, nhưng ít nhất, người dân có sự lựa chọn ở xa hay gần chỗ làm việc. Cũng trong thời gian từ năm 1980-1990, còn có thêm những ý tưởng mới trong cấu trúc không gian đô thị như làng đô thị, đô thị “nén”, thành phố đa trung tâm.

Như đã nói, sau nhiều nghiên cứu về văn hóa Việt Nam, tôi khẳng định, những khái niệm “mới” này rất phù hợp với văn hóa, nhận thức về không gian, lãnh thổ của người Việt. Đa trung tâm rất phù hợp vì văn hóa Việt Nam có nền tảng triết lý đa trung tâm. Nhận thức về không gian này đã được truyền tải qua cách tổ chức xã hội truyền thống với mô hình làng xã tồn tại qua nhiều thế kỷ và dọc suốt lịch sử dân tộc. Cũng thế, làng đô thị là mô hình đã tồn tại ở Việt Nam. Giải pháp dài hạn là phải tổ chức lại lãnh thổ của TPHCM theo hướng đa trung tâm bằng cách xác định hoặc quy hoạch thêm những trung tâm khác phù hợp hơn với địa giới hành chính của thành phố.

Quốc Ngọc thực hiện

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI