Đẩy mạnh tiêm ngừa, dập các ổ dịch sởi trong trường học

18/09/2024 - 06:12

PNO - Sau hơn 1 tuần nhập học, TPHCM ghi nhận 5 trường tiểu học đã xuất hiện ổ dịch sởi (từ 2 ca trở lên). Ngành giáo dục, y tế đang nỗ lực cao nhất để tiêm ngừa cho học sinh, dập và ngăn dịch lây lan.

Trong tuần qua, TPHCM ghi nhận 104 ca sốt phát ban nghi sởi, tăng 12,7% so với trung bình 4 tuần trước. Tổng số ca sốt phát ban nghi sởi tính từ đầu năm đến tuần qua là 748 ca, trong đó có 581 ca bệnh sởi.

Phụ huynh lo lắng

Trước thông tin Sở Y tế TPHCM liên tiếp ghi nhận các ổ dịch sởi trong trường học, các phụ huynh học sinh khá lo lắng khi cho con đến trường. Nhiều phụ huynh đã chủ động đưa con đi tiêm ngừa vắc xin sởi.

Học sinh được tiêm vắc xin ngừa sởi tại Trường tiểu học Nguyễn Trực (quận 8) ngày 17/9
Học sinh được tiêm vắc xin ngừa sởi tại Trường tiểu học Nguyễn Trực (quận 8) ngày 17/9

Sáng sớm 16/9, chị Nguyễn Thị Trinh - 36 tuổi, ở quận 8 - đã đưa con trai đến Trường tiểu học Phạm Hùng (huyện Bình Chánh) tiêm ngừa sởi. Đợt này, con trai của chị sẽ tiêm sởi mũi 2. Chị cho biết: “2 tuần trước, con tôi có tên trong danh sách tiêm ngừa nhưng vì bé đang bị bệnh cảm cúm nên chưa thể tiêm. Mấy ngày qua, liên tục nghe các trường học có ổ dịch sởi, dù không phải trường con trai tôi đang học nhưng tôi cũng khá lo lắng. Bởi nếu con tôi bị lây sởi sẽ như bệnh chồng bệnh nên tôi đã xin phép cho con nghỉ vài ngày. Hôm nay, khi con hết bệnh, tôi đã báo với cô giáo chủ nhiệm cho con đi tiêm và cho bé vào học trở lại”.

Đang đợi con ở khu vực theo dõi sau tiêm tại Trường tiểu học Nguyễn Trực (phường 1, quận 8) sáng 17/9, chị Trần Hồng Hạnh cho biết con của chị đang học lớp Một, chị không nhớ lịch tiêm ngừa sởi của con nên có thể bé chưa tiêm mũi 2. Thế nên, ngay khi trường thông báo lịch tiêm ngừa, chị đã đăng ký ngay cho bé. Theo chị Hạnh, ban đầu cha của bé không cho con tiêm ngừa bởi lo lắng tác dụng phụ của vắc xin. Tuy nhiên, khi gần nhà có 1 bé trai mắc sởi nặng, phải nhập viện điều trị thì anh đã đồng ý để con mình tiêm ngừa.

“Tôi yên tâm hơn khi con được tiêm đầy đủ vắc xin ngừa sởi, vì khi đi học các con ngồi gần, chơi đùa cùng nhau sẽ rất dễ lây bệnh. Mắc bệnh sởi không chỉ khiến con mệt mỏi, khó chịu mà còn có thể làm gián đoạn việc học. Nhà tôi còn bé trai 9 tuổi, nên tôi vẫn đang theo dõi chiến dịch tiêm ngừa để kịp đưa bé đi tiêm nếu thành phố nâng độ tuổi tiêm vắc xin” - chị Hạnh chia sẻ.

Bà Nguyễn Thị Thúy Uyên - Hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Trực - cho biết, trường hiện có 773 học sinh, tỉ lệ được tiêm ngừa sởi mũi 1 là 100%, hơn 90% em đã được tiêm mũi 2. Hiện còn 65 học sinh đang được tiêm ngừa mũi 2, nếu buổi tiêm sáng nay thuận lợi, trường sẽ hoàn tất tiêm ngừa sởi cho các em. Bà cho biết thêm, trước diễn tiến phức tạp của dịch sởi, ngay từ khi chuẩn bị khai giảng năm học mới, trường đã phối hợp với Trung tâm Y tế quận 8 khử khuẩn trường; tuyên truyền dịch sởi; nhắc nhở phụ huynh học sinh tiêm ngừa cho con đúng mũi, đủ liều thông qua các nhóm quản lý trên ứng dụng điện thoại. Trường cũng phối hợp với y tế địa phương diệt lăng quăng phòng, chống sốt xuất huyết, không để dịch chồng dịch.

“Khi học sinh quay trở lại trường, bộ phận y tế của nhà trường đã hướng dẫn các em các biện pháp phòng ngừa sởi như đeo khẩu trang, vệ sinh tay… Ngoài ra, giáo viên chủ nhiệm tiếp tục tuyên truyền, ghi nhận sổ khám sức khỏe, phiếu tiêm ngừa của học sinh trong sàng lọc và vận động phụ huynh cho con em đi tiêm ngừa” - bà Nguyễn Thị Thúy Uyên nói.

Đẩy mạnh phòng, chống dịch trong nhà trường

Giám sát tiêm ngừa vắc xin sởi tại Trường tiểu học Nguyễn Trực, Giám đốc Sở Y tế TPHCM Tăng Chí Thượng cho hay, buổi tiêm đã diễn ra tốt đẹp. Nhà trường đã phối hợp tốt với đơn vị tiêm ngừa trong khâu chuẩn bị, giúp buổi tiêm ngừa thuận lợi, nhanh chóng.

Đánh giá về tình hình dịch sởi, ông Tăng Chí Thượng cho rằng trên địa bàn TPHCM hiện còn 75% số trẻ mắc bệnh chưa tiêm đủ mũi vắc xin ngừa sởi. Đi học, trẻ thường xuyên tiếp xúc gần với nhau trong hoạt động vui chơi, ăn uống… Đây là điều kiện thuận lợi làm dịch sởi lây lan, nguy cơ bùng phát cao. Mặc dù 5 ổ dịch sởi tại các trường học đã được kiểm soát nhưng nếu trẻ không được tiêm ngừa đầy đủ, khả năng ổ dịch sởi sẽ tiếp tục gia tăng trong trường học.

Ông Tăng Chí Thượng nói: “Một vấn đề quan trọng là ngành y tế thành phố đã tham mưu cho UBND TPHCM công bố dịch sởi trước khi nhập học. Qua đó, chiến dịch tiêm ngừa vắc xin sởi xuyên suốt đã giúp chủ động hơn trong phòng, chống sởi trong trường học nói riêng và cộng đồng nói chung. Bên cạnh đó, các trường học rà soát và tiêm ngừa cho học sinh ngay khi đi học trực tiếp. Với cách làm này, khả năng cao các trường học sẽ kịp thời ngăn chặn, không để lây lan sởi. Tính đến nay, ngành y tế thành phố đã tiêm ngừa cho khoảng 2/3 số lượng trẻ trong danh sách tiêm chủng. Hiện các quận, huyện đều có lực lượng cộng tác viên sức khỏe cộng đồng đi vận động từng hộ gia đình cho trẻ đủ điều kiện được tiêm ngừa. Tôi tin từ đây đến cuối tháng thành phố sẽ hoàn thành chương trình tiêm ngừa sởi trong phòng, chống dịch”.

Ông Tăng Chí Thượng cũng cho biết Sở Y tế đã thành lập 12 tổ phản ứng nhanh, khoanh vùng nguy cơ theo khu vực trường học phát sinh dịch bệnh để kịp thời phát hiện và ngăn chặn ổ dịch lây lan.

Sởi là bệnh truyền nhiễm lây rất nhanh qua đường hô hấp, vì vậy Giám đốc Sở Y tế đề nghị Sở GD-ĐT, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cần tiếp tục rà soát, lập danh sách trẻ 1-10 tuổi chưa tiêm đủ mũi sởi phối hợp với các trung tâm y tế, trạm y tế để tổ chức tiêm chủng cho trẻ càng sớm càng tốt. Tiến hành theo chiến lược “tiêm không kể tiền sử tiêm chủng trước đó” hay chiến lược “tiêm bù cho những người chưa tiêm đủ” sớm nhất, nhanh nhất trong điều kiện có thể, nhất là với các học sinh có bệnh nền, bệnh mạn tính.

Trường học cần có hệ thống giám sát trẻ bị sốt

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM cho biết, tính đến hết ngày 14/9, toàn thành phố có 84 điểm tiêm, với tổng cộng 6.882 mũi tiêm được thực hiện. Trong đó, nhóm trẻ từ 1-5 tuổi đã được tiêm 560 mũi và nhóm 6-10 tuổi là 6.111 mũi.

Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM Lê Hồng Nga cho biết, 5 ổ dịch sởi ở các trường học từ khai giảng đến nay gồm: Trường tiểu học Phạm Hữu Lầu (quận 7) 4 ca, Trường tiểu học Huỳnh Văn Bánh (huyện Bình Chánh) 3 ca, Trường tiểu học Lại Hùng Cường (huyện Bình Chánh) 2 ca, Trường tiểu học Võ Thị Sáu (quận Tân Phú) 2 ca, Trường tiểu học Nguyễn Văn Tây (TP Thủ Đức) 3 ca. Hầu hết học sinh mắc bệnh đều chưa tiêm ngừa đủ mũi vắc xin sởi. Hiện tại, số ca mắc sởi đang tăng theo chiều thẳng đứng, ngành y tế cần quyết liệt tiêm ngừa sớm, đẩy nhanh tiến độ thì mới có thể kiểm soát dịch.

Theo tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Vũ Thượng - Viện phó Viện Pasteur TPHCM - thời gian tới sẽ tiếp tục phát sinh nhiều ổ dịch sởi tại trường học. Do đó, các trường cần triển khai hệ thống giám sát trẻ bị sốt, báo cáo để cảnh báo, theo dõi sát nhằm tiến hành xử lý ổ dịch sởi ngay.

Cách bảo vệ trẻ trước dịch sởi

Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Đình Qui - Phó khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TPHCM) - cho biết, khi trẻ được tiêm 1 mũi vắc xin ngừa sởi có thể ngừa được khoảng từ 82 - 83% nhưng trẻ vẫn có thể mắc bệnh. Vậy nên, cha mẹ cần cho trẻ tiêm nhắc lại mũi 2 để khả năng miễn dịch của trẻ tăng lên 95%. Lưu ý, trẻ đã bị mắc sởi rồi vẫn có thể tái nhiễm, do đó cha mẹ cần cho con tiêm đủ mũi để bảo vệ trẻ trước dịch bệnh.

Bên cạnh tiêm ngừa vắc xin, phụ huynh và thầy cô cần hướng dẫn trẻ rửa tay bằng xà phòng sau khi vui chơi, trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh và thay quần áo sạch hằng ngày… Cần lau dọn các bề mặt tiếp xúc như sàn nhà, bàn ghế, tay nắm cửa… cũng như luôn để phòng học, phòng ngủ thoáng khí, có ánh sáng tự nhiên.

“Khi nghi ngờ hoặc phát hiện trẻ mắc bệnh sởi, phụ huynh cần báo ngay cho cô giáo chủ nhiệm, cho trẻ nghỉ ở nhà để tránh lây nhiễm các bạn cùng lớp; cũng như nhà trường chủ động phòng ngừa bệnh lây cho các bé khác, hạn chế ổ dịch trong trường học” - bác sĩ Nguyễn Đình Qui khuyến cáo.

Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI