Học sinh học được nhiều hơn những gì người lớn nghĩ
"Em chúc cô ngày mới nhiều niềm vui. Em chúc cô luôn mạnh khỏe... Cô cho em ôm cô một cái nhé" - những lời yêu thương ngập ngừng này lần đầu tiên được Thành Trí - học sinh lớp 9A2, Trường THCS Thanh Đa (quận Bình Thạnh) gửi đến cô Phương Mai - giáo viên chủ nhiệm lớp 9A2 khi cô đang giảng bài.
Đây là thử thách mỗi học sinh lớp 9A2 phải thực hiện trong tiết học kỹ năng sống với chủ đề "nói lời yêu thương".
"Tôi bất ngờ nhưng cảm thấy hạnh phúc, tình cảm cô trò ấm áp, gắn kết. Khi nói được lời yêu thương, các em đã gạt đi khoảng cách, bước đến gần với mình. Như thế, các em sẽ hiểu được sức mạnh của tình yêu thương để bày tỏ tình yêu thương với những người xung quanh như ông bà, cha mẹ, thầy cô, bạn bè..." - cô Phương Mai xúc động.
|
Một tiết học kỹ năng sống của học sinh Trường THCS Thanh Đa |
Tại Trường THCS Thanh Đa, giáo dục kỹ năng sống cho học sinh được triển khai dưới nhiều hình thức: lồng ghép trong môn học; xây dựng trong tiết sinh hoạt chủ nhiệm, ngoài giờ lên lớp; hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp; đưa vào 1 tiết học riêng... Trong đó, tiết học riêng được tổ chức ở 100% khối, lớp với thời lượng 1 tiết/tuần trong thời khóa biểu chính khóa buổi 2, với chi phí 80.000 đồng/học sinh/tháng - bao gồm chi phí giáo viên giảng dạy, chuyên đề giảng dạy, hỗ trợ trường tổ chức các hoạt động giáo dục, tăng tính trải nghiệm cho học sinh.
Cô Đinh Thị Thiên Ân - Hiệu trưởng Trường THCS Thanh Đa - chia sẻ, ở tất cả các bộ môn trường đều yêu cầu giáo viên tăng cường đưa kiến thức môn học vào thực tế, lồng ghép cho học sinh các bài học về giá trị sống, kỹ năng sống. Đơn cử ở môn Toán, qua hoạt động làm việc nhóm, giáo viên sẽ trang bị cho học sinh về kỹ năng làm việc nhóm, tranh biện, ứng dụng công thức tính chu vi, diện tích...
Dù vậy, cô Thiên Ân thừa nhận, giáo dục kỹ năng sống nếu chỉ dừng ở việc lồng ghép trong môn học thì chưa đủ để trang bị cho học sinh kỹ năng một cách nhuần nhuyễn, bài bản. Để thực sự hiệu quả thì cần đến sự tác động "ba bên, bốn hướng", tức là vừa kết hợp theo kiểu "mưa dầm thấm lâu" từ phía thầy cô, vừa có sự chuyên sâu, bài bản từ các đơn vị có chuyên môn giảng dạy kỹ năng sống.
"Mỗi thầy cô chỉ mạnh nhất ở lĩnh vực chuyên môn mà mình phụ trách, khi lồng ghép tích hợp kỹ năng sống cho học sinh thì thời gian cũng không đủ nhiều để nói sâu cho các em hiểu thêm vấn đề. Có những kỹ năng như kỹ năng phòng chống đuối nước, thoát hiểm, giáo viên không thể rành được. Trong khi đó, trung tâm dạy kỹ năng sống có giáo án khoa học, bài bản, phù hợp với lứa tuổi, được Sở GD-ĐT thẩm định, cấp phép; khi đưa vào nhà trường thì được hiệu trưởng đánh giá", cô Thiên Ân nêu rõ.
Cô nhấn mạnh, khi tham gia vào các tiết kỹ năng sống, học sinh vô cùng thích thú, các em học được nhiều hơn những gì mà người lớn nghĩ. Nhiều khi với giáo viên dạy kỹ năng sống, các em dám cởi mở chia sẻ nhiều vấn đề các em gặp phải, thẳng thắn bày tỏ cảm xúc của mình để xin lời khuyên, động viên... "Tại trường, rất nhiều vấn đề của học sinh được giáo viên kỹ năng sống... kiêm trọng trách gỡ khó, hóa giải. Thậm chí, ở nhiều câu chuyện, giáo viên kỹ năng sống cùng với giáo viên chủ nhiệm đồng hành để nâng đỡ học sinh..." - cô Đinh Thị Thiên Ân nói thêm.
Giáo viên không thể "choàng vai" hết
Dù cần thiết song trên thực tế, nội dung giáo dục kỹ năng sống trong nhà trường vẫn chưa đồng bộ. Tại TPHCM, nhiều phụ huynh, nhà trường vẫn chưa đánh giá được đúng vai trò của dạy kỹ năng sống cho học sinh một cách bài bản, lớp lang...
Cô Nguyễn Thị Kim Hương - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phú Thọ (quận 11) - cho hay, tại trường có trên 90% phụ huynh đồng thuận đưa môn kỹ năng sống vào dạy cho học sinh song gần 10% phụ huynh còn băn khoăn về chi phí phải bỏ ra hàng tháng.
Theo cô Hương, học kỹ năng sống đối với học sinh tiểu học là các em được tương tác trên thực tế, với những hoạt động trò chơi vui nhộn gắn với giải quyết các tình huống. Đôi khi chưa cần thiết phải có chiều sâu nhưng tạo sự hứng khởi, thích thú cho các em khi đến trường. Nhà trường cũng lồng ghép giáo dục kỹ năng sống cho học sinh vào giờ sinh hoạt đầu tuần, chủ đề từng tháng, sinh hoạt chủ nhiệm song tính hiệu quả và tính năng cao không như kỳ vọng...
|
Học sinh thích thú với các bài học kỹ năng sống |
"Giáo viên không thể "choàng vai" hết được. Thầy cô hiện nay đã phải kiêm nhiệm quá nhiều vai trò để đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục. Dạy kỹ năng sống cho học sinh nếu để các em thẩm thấu đủ các kỹ năng thì thầy cô không có chuyên môn..." - cô Hương thừa nhận.
Hiệu trưởng một trường THCS tại quận 1 đánh giá, chương trình giảng dạy kỹ năng sống bên ngoài xây dựng dựa trên các nghiên cứu khoa học, kỹ năng sống được giảng dạy với nhiều lớp lang, nâng dần các kỹ năng từ thấp đến cao phù hợp với lứa tuổi, trang bị kỹ năng tự phục vụ, giải quyết các vấn đề, tình huống đột xuất cho học sinh. Không chỉ thế, khi đưa vào nhà trường sẽ được xây dựng phù hợp với từng khối lớp, ban giám hiệu sẽ thẩm định, đánh giá, góp ý.
Nếu dừng phối hợp giảng dạy kỹ năng sống thì chính học sinh sẽ thiệt thòi bởi thầy cô không thể trang bị cho các em hết được. Quan trọng là khi triển khai có sự thẩm định, giám sát của nhà trường, chứ không phải là "cưỡi ngựa xem hoa".
Thỏa thuận với phụ huynh Tại TPHCM, các trung tâm dạy kỹ năng sống cho học sinh được Sở GD-ĐT TPHCM phê duyệt, cấp phép và thẩm định hàng năm, được công khai trên trang web Dịch vụ giáo dục - Sở GD-ĐT TPHCM. Với danh sách trên 100 trung tâm, các trường lựa chọn, đánh giá về chương trình giảng dạy, mức phí đào tạo, phù hợp nhất với đặc thù nhà trường, đối tượng học sinh để phối hợp. Theo Sở GD-ĐT TPHCM, dạy kỹ năng sống cho học sinh không phải là bắt buộc mà dựa trên thỏa thuận với phụ huynh. Chỉ khi nào phụ huynh đồng thuận nhà trường mới được đưa vào giảng dạy và thu phí. |
Quốc Trung