Dạy-học tiếng Chăm Nam bộ: Tiến thoái lưỡng nan

24/09/2013 - 10:41

PNO - PN - Giáo trình không chính thống, giáo viên không bằng cấp chuyên môn, việc dạy-học không được ghi nhận như một môn học chính quy… Những bất cập này dẫn đến hệ lụy: Nhà nước vẫn chi tiền nhưng học sinh cứ chuẩn bị… tái mù.

edf40wrjww2tblPage:Content

Sau 15 năm thử nghiệm, chương trình dạy tiếng Chăm Nam bộ trong nhà trường ở An Giang vẫn chưa biết đến bao giờ mới triển khai đại trà cho 20.000 người Chăm Islam nơi đây thụ hưởng.

Day-hoc tieng Cham Nam bo: Tien thoai luong nan

Giờ dạy tiếng Chăm ở trường tiểu học D Châu Phong (thị xã Tân Châu)

Mở môn học theo kiểu… “giật mình”

Chúng tôi tìm đến Trường tiểu học D Khánh Hòa (huyện Châu Phú), đơn vị đầu tiên ở tỉnh An Giang dạy thử nghiệm tiếng Chăm cho trên 100 HS từ khối 3-5 thay cho cách dạy tự phát tại các thánh đường thời gian qua. Ông Issa Sen, một trong hai người trực tiếp dạy tiếng Chăm ở đây cho biết, không thể tổ chức lớp học để chúng tôi “mục sở thị” như đã giao hẹn. Thật ra, ông Sen, cựu hiệu trưởng của trường, cũng bất ngờ trước sự thay đổi đột ngột lịch dạy của ban giám hiệu. Sau nhiều lần nài nỉ, lớp tiếng Chăm mới được tổ chức đúng lịch. Đây không phải là lần đầu môn học tiếng Chăm bị đối xử như môn học “chui” trong trường. Ngay khi triển khai dạy thử nghiệm, môn học này đã không được xem là một môn trong chương trình chính khóa.

Ông Sen kể: “Do chỉ dạy vào ngày nghỉ nên có năm mãi đến giữa tháng Bảy mới kết thúc chương trình. Vì lớp học kéo dài trong hè, lại không được ghi điểm vào học bạ, nên thiếu tính kích thích, nguy cơ tái mù chữ rất cao”. Vì sao lại có thực trạng này? Nhiều chuyên gia giáo dục ở đây cho rằng, do bị áp lực từ lãnh đạo và xã hội, ngành GD-ĐT đã mở lớp tiếng Chăm trong lúc chưa chuẩn bị đủ các điều kiện tối thiểu.

Khi mô hình này chưa kịp hoàn chỉnh, thì ngành đã mở rộng sang Trường tiểu học A Phú Hiệp (H.Phú Tân) nay là Trường tiểu học D Châu Phong (thị xã Tân Châu) với năm lớp, trên 100 HS và tiếp tục phát sinh những bất hợp lý lớn hơn: giáo viên đứng lớp không đảm bảo được trình độ. Trong số ba giáo viên hợp đồng dạy tiếng Chăm, trừ ông Sen tốt nghiệp trường sư phạm tại Sài Gòn hệ hai năm (khóa 1970-1972), hai vị còn lại là chức sắc tôn giáo và người lao động tự do, trình độ văn hóa thấp, không có nghiệp vụ sư phạm.

Chính điều đó dẫn đến thực trạng: chế độ chi trả tiền giờ rất thấp, chưa thỏa đáng. Ngoài số tiền 25.000đ/tiết, người dạy tiếng Chăm không được lãnh thêm bất cứ khoản tiền nào. Theo ông Ánh Trăng, chuyên viên Sở GD-ĐT An Giang: “Nhà trường chỉ có thể tổ chức và giám sát thực hiện, không ai biết tiếng Chăm để hỗ trợ chuyên môn dạy-học, càng có nguy cơ sụt giảm chất lượng dạy - học tiếng Chăm…”.

Day-hoc tieng Cham Nam bo: Tien thoai luong nan

Ông Issa Sen, người duy nhất trong số ba người dạy tiếng Chăm thử nghiệm ở An Giang có qua trường đào tạo sư phạm

Thử nghiệm: 15 năm và hơn thế nữa

Người Chăm ở Nam bộ có điều kiện tiếp nhận các từ tiếng Việt, Khmer, Mã Lai và tiếng Ả Rập vào tiếng mẹ đẻ nên dần dà hình thành phương ngữ Chăm Islam. Trong khi chờ Bộ GD-ĐT hỗ trợ xây dựng, công nhận bộ sách giáo khoa tương tự như đã thực hiện với đồng bào Chăm Trung bộ, nhiều địa phương có đông người Chăm sinh sống đã tự “chữa cháy” bằng cách tự xây dựng tài liệu hướng dẫn dạy tiếng Chăm tại chỗ. Đi đầu là Sở GD-ĐT Tây Ninh. Năm 1995, Tây Ninh hợp tác với nhiều cơ quan khoa học và trí thức người Chăm An Giang biên dịch sáu quyển sách Tiếng Việt lớp 1 đến lớp 3 ra tiếng Chăm Nam bộ. Công trình hoàn thành vào năm 1998 và được An Giang, địa phương có số lượng người Chăm sinh sống nhiều và lâu đời nhất khu vực Nam bộ mượn áp dụng vào dạy thử nghiệm.

Tuy nhiên, “Tính từ khởi điểm thử nghiệm (niên học 1998-1999) đến nay đã 15 năm, tức đã quá thời hạn thử nghiệm, nhưng chúng tôi vẫn chưa biết đến khi nào mới có thể triển khai đại trà”, ông Phan Văn Sơn, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ (Sở GD-ĐT An Giang) chia sẻ.

Trong khi chờ đợi sự hỗ trợ từ Bộ GD-ĐT, ngành giáo dục An Giang phải gồng mình sử dụng bộ tài liệu này trong thế “tiến thoái lưỡng nan”. Theo ông Ánh Trăng, do đây là tài liệu biên dịch từ sách giáo khoa tiếng Việt sang tiếng Chăm cách đây đã 18 năm nên chẳng những không chuyển tải được mong muốn hỗ trợ HS Chăm hòa nhập với chương trình sách giáo khoa cải cách hiện nay, mà còn gây ra sự quá tải cho các em trong học tập.

Do thiếu tính toán, cân nhắc, chương trình dạy tiếng Chăm Nam bộ ở An Giang đã và đang trở thành gánh nặng cho cả người dạy lẫn người học. Đây sẽ là bài học lớn cho việc triển khai chương trình dạy tiếng dân tộc ở các địa phương trong thời gian tới.

 TÙNG HƯƠNG

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI