Dạy học sinh những kỹ năng ngoài trang sách

06/01/2016 - 16:39

PNO - “Em thích những giờ học thoải mái như vầy. Tụi em được học vẽ, sáng tạo ra nhiều thứ. Mỗi khi thiết kế ra chiếc áo dài, làm ra một tờ báo..."

Một nhóm bốn-năm học sinh (HS) túm tụm hí hoáy vẽ, cắt dán tạo hình tờ báo tường mô phỏng theo bản đồ chữ S để nói về văn hóa ẩm thực Việt Nam. Số bạn khác lãnh nhiệm vụ lên mạng tra cứu tư liệu về ẩm thực vùng miền. Nhóm “siêu” ngoại ngữ phụ trách tìm tư liệu về văn hóa ẩm thực của nước Anh và nhanh chóng trang trí tờ báo tường thật bắt mắt…

Mỗi bạn một việc, ai nấy đều hào hứng chờ đón sản phẩm của nhóm ra đời, thuyết trình, cùng nhau tranh luận, bảo vệ ý tưởng của nhóm. Đó là giờ học dự án về Quy cách ăn uống ở Anh và Việt Nam của HS Trường THCS Nguyễn Văn Tố (Q.10, TP.HCM).

Day hoc sinh nhung ky nang ngoai trang sach
Học sinh trường THCS Nguyễn Văn Tố, Q.10 hào hứng với giờ học dự án

Từ giữa năm học 2014-2015, thầy và trò Trường THCS Nguyễn Văn Tố bắt đầu kiểu học theo dự án. Mỗi dự án đòi hỏi người dạy lẫn người học phải tích hợp kiến thức không chỉ của một môn học mà phải học liên môn.

Thanh An, học sinh lớp 9 của trường hào hứng chia sẻ: “Em thích những giờ học thoải mái như vầy. Tụi em được học vẽ và sáng tạo ra nhiều thứ. Mỗi khi thiết kế ra chiếc áo dài, hay làm ra một tờ báo, chúng em được tự do thể hiện những thứ mình thích, nhưng cũng “khổ” lắm vì tìm hiểu nhiều thứ ngoài sách vở. Tụi em phải tìm nhiều nguồn tư liệu trên mạng để làm dự án và đặc biệt là có thể tranh luận... căng thẳng với thầy cô”.

“Thay vì các em lên mạng để chat, chơi game thì bây giờ các em phải lên mạng tìm tài liệu, làm việc. Thêm nữa, việc học liên môn là bước chuẩn bị cần thiết cho lộ trình thay sách giáo khoa sang hướng tích hợp. Khi làm dự án buộc HS phải làm việc nhóm, phải sáng tạo, phải vận dụng khả năng tiếng Anh để tìm tài liệu các nước từ gợi ý của giáo viên. Giáo viên có nhiệm vụ theo dõi quá trình làm việc của các em, thấy ý tưởng nào tốt, giáo viên có thể cho điểm kiểm tra miệng để khuyến khích HS, chứ không nhất thiết phải gọi lên trả bài”, thầy Nguyễn Thành Phát, hiệu trưởng nhà trường cho biết.

Không chỉ làm các dự án về văn hóa như lễ hội đón chào năm mới của các nước, lễ hội áo dài VN, các em còn được tham gia các dự án mang tính cộng đồng như: kêu gọi các quốc gia Đông Nam Á bảo vệ rùa biển, ngày quốc tế đi bộ đến trường…

Không chỉ dừng lại ở việc học, HS của Trường Nguyễn Văn Tố còn được “đẩy” vào cuộc sống. Mỗi tuần, các lớp thay phiên nhau đi… bán cơm. Các em làm phục vụ ở quán cơm 2.000 ở gần trường. Những cô cậu con cưng cũng xắn tay áo lặt rau, rửa chén, giữ xe, xếp hàng, bưng bê phục vụ… những việc chưa từng làm ở nhà.

“Trẻ em bây giờ dễ có tính ích kỷ, ỷ lại nên cần được uốn nắn để sống đúng, tập cho các em làm việc và phải suy nghĩ về người khác. Ở ngôi trường này, HS phải xếp hàng ngay ngắn để nhận cơm, ăn xong phải tự dọn dẹp. Mỗi khi thi học kỳ xong, HS được xả hơi bằng việc… làm vườn”, thầy Phát vui vẻ chia sẻ.

Giáo viên ở đây quan niệm rằng, trường là của HS nên mỗi cây cột, bức tường ở ngôi trường này đều mang đậm dấu ấn của học trò, tất cả đều treo tranh do HS tự vẽ. Những tiết chào cờ cũng không phải là diễn đàn để giáo viên nhắc nhở HS vi phạm, thay vào đó là giới thiệu sản phẩm giải trí của các em.

Các lớp thay nhau tự lên ý tưởng và điều khiển tiết chào cờ. Mỗi em trong lớp đều phải có vai trò, đảm nhận một phần công việc để thể hiện tiết chào cờ của lớp mình, rèn luyện tinh thần tập thể.

Gia Tuệ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI