Dạy học online, gặp khó thì gỡ

10/09/2021 - 06:22

PNO - Sau những ngày đầu mệt nhoài vì mất nguồn, sập mạng, chờ mòn mỏi không đăng nhập được vào lớp… thì cả thầy và trò đang từng bước gỡ khó để thích ứng với học trực tuyến (online), bởi có học ở thời điểm này vẫn hơn là ngồi chờ và bỏ lỡ thời gian.

Phải tự thay đổi mình

Sau một tuần cùng con học online, chị Nguyễn Thị Phượng (TP.Thủ Đức) cho biết gần như đuối sức, bởi cả gia đình phải chạy hết tốc lực. Một buổi sáng con học năm tiết, mỗi tiết 45 phút và giữa các tiết không có giải lao, vừa kết thúc môn này liền vào môn khác. Cái máy tính cũ muốn vào lớp được phải chờ ít nhất 5 phút, con vào lớp là giáo viên điểm danh. Mỗi giáo viên một link Google Meet chứ không phải mỗi lớp một link rồi giáo viên này dạy xong sẽ thoát ra cho giáo viên khác vào.

Để hỗ trợ con học, bắt buộc hai vợ chồng phải tăng tốc làm việc cơ quan và cả việc nhà gói gọn trong buổi chiều, còn buổi tối tranh thủ hướng dẫn con những kiến thức cần thiết cho buổi học sáng mai, giúp con giải quyết bài tập thầy cô giao…

Còn chị Nguyễn Thị Ngọc Diệp (Q.7, TP.HCM) chia sẻ cách giúp con thích nghi với hoàn cảnh. Để con có thể học lớp Một theo cách đặc biệt, chị phải sắp xếp lịch sinh hoạt gia đình và luyện cho con dùng các phần mềm Google Meet, Zoom, tự mở email, nhắn tin cho cô bằng giọng nói nếu cần giúp đỡ, tập thế ngồi, cách cầm bút và tự sắp xếp dụng cụ học tập…

Sáng, con phải rời giường lúc 6g. Còn mẹ, chiều Chủ nhật phải dành thời gian nấu đủ 14 món cho cả tuần rồi cấp đông đến mỗi bữa chỉ cần rã đông, chuẩn bị sẵn để đúng 11g30 con được ăn trưa, có đủ thời gian ngủ nghỉ để vào học buổi chiều không uể oải. Giờ con học thì mẹ ngồi dưới đất làm việc để khi con cần liền có mặt hỗ trợ. Mặc dù con tự học rất tốt nhưng suốt tuần đầu con cứ chút chút lại gọi mẹ đăng nhập và thao tác giúp. Học sinh cố gắng, thầy cô nỗ lực và tất nhiên cha mẹ cũng không thể đứng ngoài cuộc… 

Nguyễn Đức Trí, học sinh lớp Một Trường quốc tế Hoàng Gia (Q.7, TP.HCM), trong giờ học online - ẢNH: DƯƠNG BÌNH
Nguyễn Đức Trí, học sinh lớp Một Trường quốc tế Hoàng Gia (Q.7, TP.HCM), trong giờ học online - ẢNH: DƯƠNG BÌNH

Cô giáo Phan Thị M.T., dạy môn sử tại một trường THPT ở Q.6, thú thật có vô vàn khó khăn khi dạy online, nhất là với những giáo viên lớn tuổi, ít tiếp cận công nghệ. Đó là một hành trình gian nan mà người thầy phải vượt lên chính mình.

Cô T. tâm sự: “Tôi lớn tuổi, kỹ năng tin học chỉ ở mức gõ văn bản nên việc dạy trực tuyến thực sự là trở ngại. Lúc hè, tôi nhờ các đồng nghiệp trẻ hướng dẫn sử dụng các phần mềm dạy học trực tuyến. Loay hoay làm, ban đầu là không cài được phần mềm, cài được rồi thì đăng nhập không được, đăng nhập rồi thì không biết cách bật mic, trình chiếu tài liệu… Tôi cứ phải liên tục điện thoại hỏi, làm sai, lại sửa. Để chuẩn bị cho tiết dạy trực tuyến 45 phút, tôi mất mấy ngày chuẩn bị. Tôi phải tập dượt nhiều lần, tập giảng bài trước camera điện thoại. Thế mà trong buổi dạy đầu tiên, giọng còn nói vấp, mặt căng thẳng. Phải mấy ngày sau, tôi mới có thể dạy tự nhiên nhưng muốn sinh động hơn thì phải học thêm một số “chiêu” công nghệ”. 

Khó đến đâu gỡ đến đó

Khi mà hàng triệu học sinh TP.HCM và các tỉnh phía Nam bắt đầu năm học bằng hình thức học online kèm theo đó là vô vàn nỗi lo, khó khăn phải giải quyết. Đó là hơn 8.000 học sinh và 2.400 giáo viên của TP.HCM mắc COVID-19, khoảng 75.000 học sinh không thể học trực tuyến chỉ vì không có thiết bị, internet…

Theo nhiều nhà giáo, việc học trực tuyến thông qua màn hình điện thoại chỉ có thể đáp ứng được nhu cầu giao tiếp, nghe được lời giảng của thầy cô nhưng sẽ có rất nhiều hạn chế trong việc tương tác giữa giáo viên và học sinh. Giải pháp giáo viên in bài kèm theo hướng dẫn cụ thể để gửi bài đến cho học sinh cũng khó thực hiện, khi không phải giáo viên nào cũng có máy in ở nhà và chi phí in bài học cũng không nhỏ… Trong nhiều khó khăn cần giải quyết lúc này, thầy cô phải tìm ra lời giải cho bài toán làm sao để học sinh học trực tuyến hứng thú và hiệu quả. 

Ông Đỗ Minh Hoàng, Giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên Chu Văn An, cho biết: hiện trung tâm mới dạy vào chương trình cho học sinh khối 11, 12 và có những khó khăn nhất định. Thầy cô nhận diện và chia vấn đề khó khăn thành hai nhánh để giải quyết. Với nhánh những học sinh bị F0 đang điều trị ở bệnh viện không thể học hoặc điều trị tại nhà thì không có tâm trạng lẫn sức khỏe để học, tận dụng chương trình Microsoft Teams có thể ghi âm, ghi hình bài giảng, thầy cô sẽ ghi và chuyển về cho các em. Sau một tháng hoặc hết một chương nội dung, giáo viên bộ môn sẽ gom các em lại để củng cố kiến thức.

Diện thứ hai là học sinh không có thiết bị để học, nhà trường vận động phụ huynh ở trong khu vực lân cận dễ dàng di chuyển hỗ trợ hoặc cho mượn máy để các em sử dụng. Với học sinh lớp 10, thầy cô đang tập cho các em làm quen với việc học online, sinh hoạt định hướng phát triển bản thân trước khi vào chương trình. 

Theo ông Đỗ Minh Hoàng, cái khó là bắt giáo viên thích ứng dạy online thì phải dạy bằng phương pháp mới. Nếu bê nguyên xi bài giảng trực tiếp lên dạy online sẽ khiến học sinh nghe không nổi. Vì thế, ban giám đốc và tổ trưởng chuyên môn phải đăng nhập vào các lớp để dự giờ, góp ý điều chỉnh khi cần.

Ngoài ra, tiết học được kéo dài 50 phút thay vì 45 phút, mỗi buổi chỉ dạy ba tiết, sau mỗi tiết sẽ giải lao 10 phút. Với những học sinh lười không muốn học online, ngủ quên… giáo viên chủ nhiệm liên tục nhắc nhở, điện thoại nhờ phụ huynh hỗ trợ. Nhờ vậy, trong tuần đầu đã có hơn 90% học sinh tham gia. 

Còn các giáo viên tiểu học của Trường quốc tế Á Châu cho biết, với học sinh từ lớp Ba trở lên hầu như đều quen với việc học online vì đã được nhập cuộc từ năm trước. Cái khó là những học sinh lớp Một, Hai, giáo viên phải làm cho giờ học dễ thở và sinh động theo kiểu vừa chơi vừa học như: giờ nghỉ giữa các tiết nhiều hơn, có thể mang đồ chơi ra khoe với bạn bằng tiếng Anh, giữa các giờ học giáo viên có thể cho học sinh nhảy aerobic để vận động, bài giảng sẽ đan xen hình ảnh, clip, trình diễn thí nghiệm…

Dạy và học trực tuyến, khó khăn là chắn chắn, nhưng ở thời điểm này việc có dạy và học vẫn hơn. Khi trường học được mở cửa trở lại, chúng ta có nhiều cách để bù đắp kiến thức. Trong những tháng hè dài đằng đẵng vừa qua, trẻ cũng đã cần đến điện thoại, máy tính để giải trí. Vậy thì so với việc ôm máy để chơi thì ôm máy để học vẫn tốt hơn, vấn đề còn lại là thầy và trò cùng nhau vượt lên chính mình.

Thanh Thanh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI