| Giáo viên Trường tiểu học Trương Quyền (quận 3, TPHCM) dạy học sinh môn STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán) - Ảnh: Minh Linh |
Tạo môi trường hạnh phúc cho học sinh nhưng đừng tăng áp lực cho giáo viên Theo ông Huỳnh Thanh Phú, việc đổi mới chương trình giáo dục hay việc triển khai bộ tiêu chí về trường học hạnh phúc đều yêu cầu giáo viên phải đổi mới, sáng tạo. Giáo viên không được cho điểm xấu, phải tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh, phải ứng dụng có hiệu quả công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi số vào việc quản lý và dạy học. Các tiêu chí này nhằm tạo ra môi trường hạnh phúc cho học sinh nhưng lại tăng áp lực lên giáo viên. Theo đó, giáo viên phải tự thay đổi để thích ứng với sự đổi mới này nhưng lại không dễ thay đổi trong một sớm một chiều. Đặc biệt, giáo viên không được hỗ trợ các thiết bị, phương tiện dạy học mà phải tự bỏ tiền túi mua sắm. Điều này vô tình trở thành gánh nặng kinh tế cho giáo viên với đồng lương ít ỏi như hiện nay. Tạo môi trường hạnh phúc cho học sinh là đúng nhưng nếu mọi chủ trương đều cấp tập thì vô hình trung lại tăng thêm áp lực cho giáo viên. Ng.Loan Tìm tiếng nói chung giữa phụ huynh và giáo viên Đổi mới giáo dục là cần thiết, nhưng sự chuẩn bị cho đội ngũ giáo viên cần phải đến nơi đến chốn. Sự thiếu chuẩn bị đã khiến giáo viên chịu áp lực về mặt chuyên môn. Đó là chưa kể những áp lực về hồ sơ, sổ sách, thi đua. Mặc dù Bộ GD-ĐT đã có quy định cắt giảm những phần không cần thiết nhưng tùy theo yêu cầu của cơ sở, của người quản lý, thầy cô sẽ phải nhận thêm những yêu cầu khác. Về mặt đời sống, thu nhập của giáo viên đã có phần khá hơn trước nhưng nhìn chung vẫn còn rất thấp. Do đó, ngoài giờ lên lớp, thầy cô còn phải làm thêm để có thu nhập đảm bảo cuộc sống và chăm lo cho gia đình mình. Nhưng dù áp lực đến đâu thì thầy cô cũng luôn mong mỏi học sinh của mình tiến bộ. Khi học sinh chậm tiếp thu hay mất tập trung, thầy cô nóng lòng kèm cặp nên dẫn đến những lời nói, hành động chưa đúng mực. Cha mẹ nào cũng thương con nhưng họ cũng phải tất bật kiếm sống mỗi ngày. Việc quan tâm, chăm sóc con cái có phần hạn chế nhưng khi con gặp điều không vừa ý, phụ huynh lại dễ mất bình tĩnh. Thay vì liên hệ với những người có trách nhiệm ở trường để tìm hiểu thêm, phụ huynh thường tin tưởng vào những điều con nói dựa trên nhận thức chủ quan của con. Những hành động sau đó của phụ huynh - như đưa thông tin lên mạng - có thể gây áp lực nặng nề cho giáo viên. Lâu dần, trong quá trình giảng dạy, đối với các em cần uốn nắn, nhắc nhở, một số thầy cô sẽ ngại lên tiếng. Họ đến trường và cố gắng làm tốt nhiệm vụ, học sinh ngoan thì vui, học sinh không ngoan thì cũng kệ. Như vậy, để hạn chế những điều tiêu cực, cần có sự cố gắng từ 2 phía. Thầy cô phải hết lòng vì học sinh, trò ngoan thì biểu dương, trò chưa ngoan thì nhắc nhở nhưng phải nhắc nhở làm sao cho hiệu quả chứ không phải lúc nào cũng phê bình trước lớp. Thầy cô cũng cần dành thời gian để gặp gỡ, tâm sự với học sinh, để các em tự nhận thức điều gì là đúng, là sai. Đối với phụ huynh, khi nhận thấy vấn đề không đúng đắn thì cần trao đổi với nhà trường. Muốn được như thế, trong những cuộc họp đầu hoặc trong năm học, nhà trường cần đưa những nội dung về công tác giáo dục để phụ huynh cùng tìm hướng giải quyết. Khi nắm được trách nhiệm của mình thì thay vì đổ lỗi, cả hai sẽ biết cách thông cảm và hỗ trợ nhau. Cả phụ huynh và thầy cô đều là những người đi trước, có trách nhiệm dạy dỗ, giáo dục học sinh - những người đi sau. Cha mẹ mong con ngoan hiền, thầy cô mong trò giỏi giang, vậy tại sao không hợp tác để mang đến những điều tốt nhất cho các em? Ông Nguyễn Văn Ngai nguyên Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Giáo viên hạnh phúc mới làm cho học trò hạnh phúc Một bộ phận phụ huynh hiện nay đang cảm thấy bức xúc với ngành giáo dục. Họ cho rằng, ban đại diện cha mẹ học sinh là “cánh tay nối dài” của hiệu trưởng khi làm nhiệm vụ thu tiền, làm danh mục chi tiêu không phù hợp. Thậm chí, trong một vài trường hợp, giáo viên cũng trực tiếp thu tiền. Trên các trang mạng xã hội và cả trên mặt báo, dù không phản ánh bản chất của toàn ngành giáo dục nhưng những câu chuyện như trường học thu tiền quá trớn; hiệu trưởng, thầy cô ứng xử không đúng mực với phụ huynh và học sinh; giáo viên lạm dụng tình dục với học trò… càng khiến cộng đồng bức xúc và mất lòng tin vào ngành này. Nỗi bức xúc này dồn lên toàn bộ ngành giáo dục, nên khi xảy ra sự vụ, người ta sẽ đổ cho giáo viên chứ không cần xem xét thấu đáo. Muốn thay đổi cách nhìn của phụ huynh, trước mắt, ngành giáo dục phải giải quyết việc thu tiền không đúng quy định. Ban đại diện cha mẹ học sinh không nên đụng chạm gì tới chuyện tiền bạc. Chương trình giảng dạy cũng chỉ cần đúng theo chương trình giáo dục phổ thông 2018, không xếp giờ học tự nguyện vào chính khóa hay thêm bất cứ điều gì. Khi phụ huynh cảm thấy nhà trường không lợi dụng việc giáo dục để thu tiền thì sẽ thấy thoải mái và tin tưởng hơn. Ngành giáo dục đang nỗ lực xây dựng trường học hạnh phúc, nhưng làm cho giáo viên hạnh phúc là việc không dễ dàng. Hạnh phúc phải là cảm giác hài lòng trong mọi thời điểm, nhưng làm sao họ hạnh phúc cho được khi họ phải đối diện với quá nhiều áp lực từ chương trình, học sinh, phụ huynh, đời sống và cả cái nhìn của xã hội. Muốn giáo viên hạnh phúc, cần phải đổi mới về mặt thể chế, về luật, tức là thay đổi yêu cầu đối với ngành mà cấp địa phương không thể làm được. Ngay như việc giáo viên không được chọn sách giáo khoa mà phải dạy theo một bộ sách do cấp trên áp đặt cũng khiến họ không hạnh phúc. Về lâu dài, giáo viên đến trường sẽ chỉ cố gắng làm xong nhiệm vụ rồi về với gia đình để được bình yên. Do đó, cần một nghiên cứu thật sâu, một sự đổi mới tận gốc rễ của ngành giáo dục. Trong khi chờ đợi điều này, nhà quản lý có thể tạo cho giáo viên một môi trường hạnh phúc hơn bằng cách không yêu cầu thành tích, không đặt ra chỉ tiêu thi đua không thiết thực. Hãy bãi bỏ các yêu cầu như phải có bao nhiêu học sinh đậu tốt nghiệp, bao nhiêu học sinh giỏi… Thầy cô nào cũng muốn học trò mình giỏi, ngoan nên luôn hết lòng vì học sinh mà không cần chỉ tiêu nào. Chỉ khi môi trường làm việc khiến giáo viên có cảm giác thoải mái thì tự nhiên họ sẽ vui, sẽ hạnh phúc. Giáo viên hạnh phúc thì mới làm cho học trò hạnh phúc, nhà trường hạnh phúc. Tiến sĩ Đinh Phương Duy Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý, giáo dục TPHCM |