"Dạy học kiểu ghi nhớ số liệu khiến học sinh sợ môn sử"

07/09/2022 - 15:52

PNO - Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Nguyễn Văn Hiếu cho rằng chính cách dạy và kiểm tra ghi nhớ số liệu đã khiến học sinh sợ, ngán học môn lịch sử.

Tại hội nghị tổng kết năm học 2021-2022 ngành GD-ĐT quận 1 sáng 7/9, Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Nguyễn Văn Hiếu cho rằng cách dạy và kiểm tra ghi nhớ số liệu đã khiến học sinh sợ, ngán học môn lịch sử.

Để học sinh yêu thích môn học, ông cho rằng thầy cô phải thay đổi phương pháp dạy học và nội dung kiểm tra, đánh giá. Mỗi tiết dạy phải xác định được học sinh cần nắm được gì, hình thành được phẩm chất nào, chứ không phải dạy học trò biết cái gì, nhớ cái gì. Trong kiểm tra thì càng không được kiểm tra học trò biết gì, nhớ gì mà phải xây dựng được ma trận đánh giá, kiểm tra mức độ vận dụng của học sinh, phải cho học sinh học nhẹ nhàng, không nhàm chán. 

Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Nguyễn Văn Hiếu cho rằng việc dạy học, kiểm tra ghi nhớ khiến học sinh sợ môn lịch sử
Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Nguyễn Văn Hiếu cho rằng việc dạy học, kiểm tra ghi nhớ khiến học sinh sợ môn lịch sử

"Năm học 2022-2023 là năm học tập trung cho các mục tiêu đổi mới, năm thứ 3 bước sang Chương trình GDPT 2018 dạy phẩm chất, năng lực học sinh. Chúng ta có nhiều kinh nghiệm song từng thầy cô, nhà trường cần xây dựng kế hoạch cụ thể hơn để làm sao phát huy được phẩm chất năng lực học sinh. Tạo điều kiện cho học sinh thực hiện khái niệm và thực hành nhiều hơn...", ông nói. 

Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Nguyễn Văn Hiếu đánh giá, năm học vừa qua quận 1 dù có nhiều điều kiện song khó khăn cũng rất lớn. Việc dạy học trên truyền hình, dạy học trên internet cho học sinh lớp 1 ngay đầu năm học là cực kỳ thách thức, đòi hỏi sự sáng tạo của thầy cô giáo và kế hoạch phối hợp với phụ huynh, tạo cầu nối với phụ huynh, học sinh.

Ông cho biết, năm học này thành phố đặt mục tiêu xây dựng 35% nội dung các hoạt động dạy học ở bậc trung học được thực hiện trên internet song không có nghĩa là cắt 35% giờ dạy thực tế đưa lên dạy trên internet. 

"Hiện giờ khi học sinh đến trường học trực tiếp thì thời lượng 35% đó sẽ dành cho quá trình tự học của học sinh, quá trình trao đổi, theo dõi của giáo viên và củng cố hướng dẫn, tăng cường, đảm bảo chất lượng giáo dục... Một cái hay nữa là dạy học trên internet mang tính chia sẻ rất lớn. Nếu trước đây, một thầy giáo giỏi chỉ có một lớp được hưởng thôi thì với nền tảng internet có khi cả thành phố được thụ hưởng tinh hoa, kinh nghiệm đó của giáo viên này qua những chuyên đề, tiết học được tổ chức qua internet", ông Nguyễn Văn Hiếu phân tích. 


Quốc Trung

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI