Dạy học không sách giáo khoa, được không? - Bài 2: Chúng tôi không cần sách giáo khoa

29/03/2019 - 05:15

PNO - Hà cớ gì phải phụ thuộc một bộ sách giáo khoa? Nền giáo dục “đồng phục” khó có thể khai phóng tối đa khả năng tư duy và sự sáng tạo của người học.

Ở các nước có nền giáo dục tiên tiến, sách giáo khoa chỉ là một phần trong câu chuyện giáo dục tổng thể. Thầy cô, học sinh không phụ thuộc vào một bộ sách giáo khoa mà đó chỉ là công cụ - một trong nhiều tài liệu tham khảo. Bởi lẽ, không có nguồn kiến thức nào là hay nhất, độc tôn, phù hợp cho mọi chủ thể giáo dục. Nền giáo dục gò bó không thể khai phóng tối đa khả năng tư duy và sự sáng tạo của người học.  

Day hoc khong sach giao khoa, duoc khong? - Bai 2: Chung toi khong can sach giao khoa
Người thầy phải tùy vào từng học trò của mình mà đưa ra cách thức giáo dục phù hợp

Lớp học… không giới hạn

Chị N.Anh, một phụ huynh đã thành công khi đồng hành cùng cô con gái học chương trình thuần Việt đạt học bổng du học Mỹ, hiện đang tiếp tục đồng hành cùng đứa con nhỏ đang học lớp Năm Trường Quốc tế Nam Sài Gòn (Q.7). Chị hào hứng chia sẻ: lớp học của con vừa trải nghiệm cách học… không cần sách vở, phá bỏ những rào cản giới hạn kiến thức để hướng con trẻ đến mục tiêu hiểu và làm được những gì đã học. 

Chị kể: “Con mình vừa học chương trình ngoại khóa do trường thiết kế với một laptop, một nón, một bình nước. Trước khi cho học sinh sử dụng laptop, nhà trường tổ chức buổi họp, hướng dẫn phụ huynh cách cùng con thỏa thuận, kiểm soát và làm chủ việc sử dụng laptop như thế nào. Tuyệt đối không có sách giáo khoa (SGK). SGK duy nhất là những quyển truyện giáo viên yêu cầu học sinh đọc 30 phút mỗi ngày. Truyện được yêu cầu đọc có hình vẽ minh họa, tùy theo cấp lớp mà phần chữ nhiều hay ít.

Đến lớp Bốn, là bắt đầu đọc truyện dài toàn chữ. Nhà trường không khuyến khích trẻ đọc truyện tranh. Những ngày đầu, ông xã bảo phải hỏi thầy cô xem thế nào chứ, không có SGK thì kèm con học thế nào? Dạy con thế nào? Trao đổi với thầy cô ở trường thì được bảo vào powerSchool - mỗi phụ huynh được cung cấp một tài khoản truy cập - sẽ được biết chi tiết những gì đang diễn ra trong lớp học, bài tập về nhà là gì…”.

Toàn bộ chương trình học được thiết kế thành từng chủ đề. Chủ đề của học kỳ mùa xuân là “The essence of life” (tạm dịch là cốt lõi cuộc sống). Học trò được học về tháp nhu cầu của Maslow, sơ đồ 5 Ps (place, past, people, peace, politics). Cả lớp tìm hiểu tại sao trên thế giới có nước giàu, nước nghèo. Mỗi học sinh chọn một đất nước mình thích và viết một bài phân tích sử dụng kiến thức về tháp nhu cầu của Maslow và 5 Ps. Sau đó, cả lớp được đọc một câu chuyện dài A long walk to water kể về hành trình trở về quê hương Sudan để làm việc có ý nghĩa: khoan giếng, tìm nước sạch của một thanh niên Sudan, tị nạn chính trị tại Mỹ do nội chiến. 

Tiếp đó, họ tổ chức cuộc đi bộ minh họa cho “A long walk to water” - cả khối gồm bốn lớp được các thầy cô dẫn đi bộ từ trường đến chân một cây cầu, mang theo thùng nhựa, học cách quăng thùng nhựa xuống và lấy nước lên mang về trường, theo đúng kiểu người nông dân thả gàu múc nước. Nước lấy được sẽ đưa vào phòng thí nghiệm, người học phải học cách làm sao để biến nước dơ thành nước sạch. 

Day hoc khong sach giao khoa, duoc khong? - Bai 2: Chung toi khong can sach giao khoa

Giáo viên bắt buộc phải nói cho học sinh hiểu trên thế giới khan hiếm nước sạch ra sao, những nơi nào trên thế giới đang đi đầu trong việc tái chế nước... Chưa hết, sau khi đọc xong sách, các bạn nhỏ cùng cô giáo phân tích các vấn đề của đất nước Sudan dưới góc nhìn của Maslow, 5 Ps và được hướng dẫn cách viết tin, theo kiểu làm báo, nhưng dưới dạng nghiên cứu nho nhỏ về bất kỳ vấn đề xã hội nào…

Có thể thấy, gần một học kỳ, học trò hầu như không phải đụng vào quyển SGK nào cả. Nhưng những điều các em học được lại rất nhiều: điều kiện tự nhiên, xã hội của nhiều nơi trên thế giới (địa lý, xã hội); đi bộ lấy nước (kỹ năng sống, lao động); tái chế nước (hóa học, môi trường); kỹ năng đọc, hiểu, nhận định vấn đề - bày tỏ quan điểm thông qua bài luận… Một sự tích hợp kiến thức khó có một quyển SGK nào làm nổi, chỉ có người thầy vận dụng nhiều nguồn kiến thức làm nên những chủ đề giáo dục đủ sức tạo hứng thú nơi người học. 

“Qua những câu chuyện như vậy, tôi nghĩ rằng không có quyển SGK nào có thể tích hợp toàn bộ nội dung dạy học. Do đó, muốn có nền giáo dục hiện đại mà cứ mãi loay hoay với việc tổ chức biên soạn SGK là không ổn. Muốn chương trình giáo dục phổ thông thành công, khâu đột phá phải là người thầy, không phải ở bộ sách”, chị N.Anh quả quyết. 

Sách giáo khoa chỉ là công cụ

Các trường quốc tế tại Việt Nam và ở nhiều nước phát triển không có bộ SGK cứng trong suốt năm học. Anh Trần Ngọc Minh, có con đang học tiểu học tại Úc, kể: “Ở trường, giáo viên không dạy theo SGK cố định. Học sinh trong cùng một lớp có thể học theo những trình độ khác nhau, giáo viên tùy theo học sinh mà lựa chọn sách để học sinh tham khảo. Khi con vào lớp Ba, tôi chỉ mua hai cuốn sách Atlat và từ điển”. 

Trường học ở Úc vẫn tuân thủ chương trình quốc gia nhưng mỗi trường, mỗi giáo viên căn cứ vào đó lựa chọn tài liệu giảng dạy sao cho phù hợp. Giáo viên ở Úc được trao quyền chủ động trong soạn bài giảng, SGK chỉ mang tính công cụ. Đầu năm học, giáo viên nhận lớp sẽ công bố những đầu SGK mình sử dụng. Khác với học sinh Việt Nam phải mua SGK để học, trường quốc tế không khuyến khích học sinh làm việc này, các em có nhiều cách để lựa chọn: mượn sách thư viện, mua lại sách cũ hoặc mua sách mới. 

Ông Cao Huy Thảo, nguyên Hiệu trưởng Trường phổ thông quốc tế Việt Úc (công lập), cho biết: “Chúng tôi không bắt buộc giáo viên và học sinh phải bám chặt một bộ SGK duy nhất, mà để họ được tự do tham khảo. Trường sẽ dựa vào chương trình chuẩn, công bố mục tiêu giáo dục như là yêu cầu đối với người thầy, làm sao để đạt được điều này. Còn làm thế nào để đạt được đó là khả năng của thầy cô. Như vậy, giáo viên được sáng tạo bài giảng mang dấu ấn cá nhân, không bị gò bó vào một bộ sách nào bởi không tài liệu nào là tối ưu. Trong một lớp, đối tượng học sinh rất đa dạng, giáo viên khi nhận lớp phải nắm bắt tình hình học trò của mình đang ở đâu, thích gì, từ đó sẽ soạn ra những bài giảng phù hợp”.

Day hoc khong sach giao khoa, duoc khong? - Bai 2: Chung toi khong can sach giao khoa

Giáo dục theo cá thể

Với những nền giáo dục cởi mở, họ xác định người học là trung tâm và chấp nhận sự đa dạng trong một tập thể. Trách nhiệm của tổ chức giáo dục là làm sao để mỗi cá thể được phát triển tối đa theo xu hướng và năng lực của chủ thể đó. Tuyệt đối không bắt tất cả học sinh phải giống nhau, họ không đặt ra một chuẩn chung, và vì thế không sử dụng một phương tiện duy nhất trong giáo dục, cho dù đó là giáo dục phổ thông - bởi đây là giai đoạn hình thành nền tảng tư duy của con người. 

Vì quan niệm giáo dục mở nên hầu hết các nước có nền giáo dục tiên tiến đều có rất nhiều bộ SGK và không áp đặt phải sử dụng bộ nào. Chẳng hạn ở Úc, họ cũng có chương trình chuẩn chấp nhận rất nhiều bộ SGK. Mỗi năm, Bộ Giáo dục nước này sẽ ra văn bản (dĩ nhiên được công bố rất sớm) năm nay sẽ có những tiêu chí nào, bổ sung những kiến thức gì và kiến thức nào cần cắt bỏ. Tất cả giáo viên đều nắm để thực hiện. 

Tương tự, tại Vương quốc Anh, trường công không bắt buộc dùng SGK (textbook), học sinh cấp II ở Anh đôi khi được giáo viên dùng SGK toán, lý, hóa như sách hướng dẫn. SGK từng có mặt trong trường học Anh dưới dạng tài liệu tham khảo. Nhưng điều này đã trở nên “lỗi mốt” và số lượng SGK bán ra ngày càng giảm. 

Nhiều nhà giáo chỉ ra rằng, sự hạn chế của “một bộ sách” nằm ở chỗ cả người học và người thầy sẽ không bao giờ cảm thấy mãn nguyện với chuyện học. Chúng ta luôn dàn hàng ngang mà đi, lấy một chuẩn chung, một bộ sách để dạy cho học sinh tất cả vùng miền. Thực tế, nhu cầu, đam mê, năng lực của học sinh ở từng địa phương, từng trường, thậm chí từng lớp, từng cá thể rất khác nhau. Người thầy phải tùy vào học trò của mình mà đưa ra cách thức giáo dục phù hợp.  

SGK hẳn nhiên cần, nhưng đó cũng chỉ là một phần trong câu chuyện giáo dục tổng thể to lớn. Chúng tôi xin đặt giả thiết với những nhà quản lý giáo dục, nếu một ngày, một học kỳ hay một năm học, học sinh không có SGK thì có học được không? Câu trả lời chắc hẳn là phải được. Vì còn có những phương tiện, cách thức khác để truyền thụ, giáo dục người học. Vậy thì, hà cớ gì phải phụ thuộc một bộ SGK? Nền giáo dục “đồng phục” khó có thể khai phóng tối đa khả năng tư duy và sự sáng tạo của người học. 

Tôi cho rằng quan điểm lo lắng làm nhiều bộ SGK sẽ không đảm bảo chất lượng là không đúng. Sự thẩm định và quản lý của cơ quan quản lý ở đâu? Thực sự, ở các nước, nhà nước không “ôm” và bao cấp SGK. Đó là chuyện của thị trường nhưng nhà nước có chính sách để điều tiết, quản lý. Một chi tiết nhỏ để thấy sự tinh tế của họ, đó là làm sao để SGK không bị bỏ đi sau mỗi năm học.

Mỗi môn học thường được làm thành hai quyển: một cuốn SGK có nội dung kiến thức cơ bản sẽ được in dày, tỉ mỉ, giấy đẹp, giá cao; một cuốn bài tập được in rẻ hơn. Học sinh học xong có thể thay, bỏ quyển sách bài tập nhưng SGK sẽ được tặng lại thư viện hoặc bán lại. Người học mới có thể lựa chọn mượn sách thư viện, mua sách cũ hoặc sách mới. Họ nhiều tiền nhưng không lãng phí. Vì vậy, đừng lo nhiều nhà xuất bản “nhảy vào” thị trường làm SGK sẽ “loạn”, đơn vị quản lý nếu muốn làm sẽ dư khả năng để định hướng, điều tiết và quản được chất lượng của mặt hàng đặc biệt này. 

Nhà giáo Cao Huy Thảo

Tiêu Hà

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI