Dạy con về lòng yêu nước

30/04/2016 - 06:46

PNO - Dạy con yêu quê hương chính là dạy con yêu những gì giản dị nhất, cụ thể nhất quanh mình, không cao xa, không vô hình.

Gần đây trong những ngày lễ hội rình rang, người ta hay làm các kiểu như: tô phở to nhất, bánh chưng to nhất… Rồi thì cướp Ấn đền Trần, cướp Phết, đâm lợn, chọi trâu - những biến tướng xấu nhất của văn hóa. Những thứ tô son trét phấn lòe loẹt đó cho thấy con người ta nghèo nàn về tư duy và cạn kiệt về tình cảm với truyền thống tốt đẹp về văn hóa dân tộc. Dạy con về truyền thống, về tình yêu quê hương đất nước, chúng ta, những người làm cha mẹ cũng cần phân biệt rõ, để không bị cuốn theo đám đông.

Bắt đầu từ tiếng mẹ...

Một chị bạn kể cho tôi nghe câu chuyện làm tôi ứa nước mắt. Chị sống trên đất Mỹ cùng hai con nhỏ, chồng mất sớm. Sau giờ làm việc chị tham gia công tác thiện nguyện trong một bệnh viện. Công việc của chị là giúp đỡ những du học sinh, những người Việt mới nhập cư, vốn tiếng Anh hạn chế và thẻ bảo hiểm y tế chưa được cấp... Một tối, chị mệt mỏi về nhà, không buồn ăn tối, nằm nghỉ mệt trên giường.

Con gái nhỏ tám tuổi của chị bưng cơm cho mẹ, bất chợt hỏi: “Sao mẹ có thể cực khổ như thế vì những người lạ”. Chị ôm con vào lòng, nói nhỏ: “Vì hai chữ Việt Nam”. Con chị bỗng dưng bật khóc nói: “Việt Nam, mẹ ơi, con muốn trở về”. Từ đó, hai con chị bắt đầu học tiếng Việt. Học một cách nghiêm túc. Mẹ không phải thúc ép, không phải dụ dỗ, không phải răn đe. Cũng từ đó, mẹ con chị luôn nói chuyện với nhau bằng tiếng Việt cùng với quy ước không xen tiếng Anh vào câu chuyện.

Tôi có người chị họ kết hôn và sang Đức sinh sống. Khi chị về thăm gia đình, ai cũng ngạc nhiên khi con chị nói tiếng Việt rất rành, dù cháu sinh ra và lớn lên ở Đức. Hỏi chị, chị nói đơn giản: “Tiếng Việt còn là người Việt còn”. Chị kể con trai đã biết nói: “Ngôn ngữ Việt rất khó học, nhưng con là người Việt, con phải chinh phục ngôn ngữ Việt”.

Day con ve long yeu nuoc
Ảnh: Phùng Huy

Ruộng lúa, bờ tre

Khi con còn nhỏ, dạy con tình yêu quê hương, đất nước bắt đầu từ những hình ảnh cụ thể: dạy con yêu ruộng lúa, bờ tre, yêu ngôi nhà mình đang sống, yêu cái giếng làng, cái ao hoa sen hoa súng, yêu xóm giềng xung quanh. Hành động cụ thể hơn cả là hãy trao cho con một tuổi thơ đẹp nhất, không “giam cầm” con giữa bốn bức tường. Ở phố, ráng trồng dăm ba cây hoa, để có thể nhờ con tưới cây, nhặt lá… Ngày Chủ nhật, mấy mẹ con cùng nhau chăm vườn rau nho nhỏ cũng là cách bồi dưỡng cho con tình yêu thiên nhiên cây cỏ.

Ngày lễ, ngày nghỉ, tôi thường dẫn con về quê ngoại, cho con ra ruộng lúa, ruộng dưa, rẫy đậu, rẫy mía, dòng sông… Hai con gái tôi tha hồ bắt cua bắt còng, thả diều, tắm sông… Để rồi khi trở về nhà, cả mẹ và con đều đen nhẻm, khét nắng nhưng đầy năng lượng, tươi vui, hớn hở.

Những ngày tháng con tôi tắm trong dòng nước mưa mát rượi, chạy bắt cá trên đồng, hái hoa súng trong ao nấu mắm… là những ngày tháng tôi dạy con yêu quê hương đất nước. Nếu chỉ ngày ngày bắt con học thêm, học bớt, bắt con chạy theo điểm số thành tích chắc gì con biết bầu trời xanh rộng lớn thế nào, trăng quê trong sáng ra sao, dòng sông ngân chảy ngang bầu trời đêm tuyệt diễm nhường nào.

Dạy con yêu quê hương chính là dạy con yêu những gì giản dị nhất, cụ thể nhất quanh mình, không cao xa, không vô hình. Con thẩm thấu được những điều đó thì con sẽ nuôi dưỡng dần tình yêu quê hương đất nước lớn lên.

Hiểu và yêu lịch sử nước nhà

Hiểu lịch sử dân tộc chính là một hình thức khác của yêu thương quê hương đất nước. Tôi ý thức rất rõ điều đó. Nhưng những giờ lịch sử ngắn ngủi và nhàm chán trên lớp không đủ cho con. Chính vì thế, lúc con còn nhỏ, tôi mua sách lịch sử Việt Nam bằng tranh cho con. Tất nhiên chọn những nhà xuất bản có uy tín và những tác giả có lương tâm. Lớn lên tôi mua hẳn những bộ sách lịch sử Việt Nam của những nhà nghiên cứu, những giáo sư ngành lịch sử. Con tôi rất say mê những cuốn sách này bởi nó thực sự hấp dẫn.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI