edf40wrjww2tblPage:Content
Đó là buổi sáng thứ Sáu ngày 13 oan nghiệt đối với Nguyễn Kim Yến (*) - 34 tuổi, ở Q.9, TP.HCM. Khi Yến đang tất bật ở bếp ăn (P.25, Q.Bình Thạnh) thì bố đến, bảo Yến đi lấy số tiền bố mẹ cho mượn xoay xở việc bán cơm văn phòng mới khai trương. Nhưng khi Yến đi theo đến đầu hẻm, bất ngờ có ba người đàn ông lực lưỡng ập đến cùng bố cô khóa chân tay, nhét Yến vào xe hơi bảy chỗ đưa thẳng đến Bệnh viện tâm thần Trung ương 2 (Biên Hòa, Đồng Nai).
Một tuần sau nhập viện, cánh tay Kim Yến vẫn còn nguyên vết bầm do chích thuốc
Nơi phán: “bệnh” - chỗ bảo: “không”
Lúc đầu, Yến nghĩ do bố mẹ phản đối việc Yến mở bếp ăn nên bắt về nhà ở Q.9. Nhưng khi đến Q.Thủ Đức, xe lại rẽ về hướng Sóng Thần, đi TP. Biên Hòa. Yến điện thoại ngay cho em gái Nguyễn Kim An thông báo vụ “bắt cóc”. Gia đình chẳng quen biết ai ở Biên Hòa, chỉ có ba người thân (chị em của bố mẹ) là bệnh nhân “ruột” của Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2 (BV TTTƯ2). Suy luận từ chút ít thông tin ban đầu, An thảng thốt: “Chẳng lẽ bố đưa chị vào BV này? Chị phải liên tục gọi điện thoại để em biết chị đang ở đâu”. Nhưng không lâu sau đó, chị em mất liên lạc vì Yến bị tịch thu điện thoại cùng với ví tiền, thẻ ATM, giấy tờ, túi xách.
Xe dừng trước cổng BV TTTƯ2, Yến bàng hoàng và sợ hãi. Cả xe phải đợi mẹ Yến đến bằng xe hơi khác và làm thủ tục. Yến hy vọng và cầu mong bố mẹ chỉ hù dọa và sẽ chở về nhà ngay, không ngờ lát sau Yến lại bị đưa đến Khoa C1 (Khoa lâm sàng, điều trị, chăm sóc bệnh nhân tâm thần nữ). Yến biết người bệnh thực sự có xu hướng kháng cự, giãy nảy, la toáng, phủ định “tôi không điên” khi bị đưa vào viện. Vì thế, dù hoang mang, rối bời nhưng cô cố gắng giữ thái độ bình tĩnh, ôn hòa, lịch sự, hợp tác.
Yến thuật lại: “Một bác sĩ nam hỏi tôi tên gì, bao nhiêu tuổi và đã làm việc tại những công ty nào. Bác sĩ bảo gia đình tôi kể rằng tôi bị mất ngủ, trầm cảm, chán nản, thất vọng về cuộc sống, công việc. Tôi trả lời rằng mình vẫn đang ăn ngủ ngon, tinh thần thoải mái. Một y tá đo cân nặng, chiều cao, huyết áp và yêu cầu tôi mặc đồng phục bệnh nhân. Bước vào trại cách ly, tôi chính thức gia nhập thế giới bệnh tâm thần. Buổi trưa, tôi được tiêm hai ống thuốc vào cánh tay và mu bàn tay. Sau đó, y tá cho uống một viên thuốc màu hồng. Đến khoảng 14g30, em rể tôi đến thăm. Nhân cơ hội được phép ra khỏi phòng giam và đi dạo công viên, tôi theo em lên xe thoát khỏi BV. Buổi chiều, mẹ tôi biết tôi trốn viện với sự cứu giúp của em rể, đã gọi điện thoại khủng bố, đe dọa vợ chồng Kim An”.
Theo giấy chứng nhận do BV TTTƯ2 cấp, bệnh nhân này bị “rối loạn loại phân liệt” mã ICD - 10: F21, điều trị nội trú từ ngày 13/9 - 16/9 tại Khoa C1 (?). Ngày 17/9, tức bốn ngày sau khi BV TTTƯ2 định bệnh và điều trị, Yến đã đến khám tại BV Tâm thần TP.HCM. Kết quả: điện não đồ, điện tim trong giới hạn bình thường tại thời điểm đo; đương sự không suy giảm nhận thức (thang đánh giá tâm thần tối thiểu - MMSE); hợp tác tốt, chưa phát hiện bất thường gì về tâm thần (khám lâm sàng). Yến chẳng phải uống thuốc hoặc có bất cứ liệu pháp điều trị nào vì không được cho là bệnh nhân.
Lo sợ lại bị bố mẹ “hốt” đi bất cứ lúc nào, Yến đã đến tá túc nhà người quen.
Kim Yến và bộ quần áo cô không bao giờ muốn mặc (đồng phục bệnh nhân tâm thần nữ của BVTTTƯ2)
Một cách thương con?
Yến và bố mẹ từng xảy ra nhiều xích mích, bất đồng. Bố mẹ không hài lòng khi Yến tự ý rời bỏ doanh nghiệp nhà nước mà bố mẹ đã xin việc. Yến xin ra riêng, ở trọ tại trung tâm TP.HCM và mở một công ty chuyên về tư vấn nhưng gặp khó khăn. Yến không lấy lại được số vốn mấy trăm triệu do bố mẹ cho mượn đầu tư. “Thua keo này bày keo khác”, Yến rút kinh nghiệm làm ăn quy mô nhỏ, thận trọng nhích từng bước một. “Keo khác” của Yến chính là mở một bếp ăn rao bán cơm văn phòng qua mạng.
Đồng vốn hẻo, Yến xin bố mẹ tiếp tục trợ giúp 20 triệu đồng. Bố mẹ không cho, Yến quay sang mượn một người quen của bố mẹ. Chuyện mượn tiền bay đến tai bố mẹ, cộng với việc Yến chào mời cơm những người quen biết khiến bố khó chịu, cho rằng điều đó “hạ thấp giá trị của mình”. Yến trách bố mẹ vì ích kỷ, sĩ diện nên dị ứng công việc bán cơm, không xứng tầm đại gia của ông bà. Qua tìm hiểu, bố mẹ Yến biết con đang rất vất vả, phải thức khuya dậy sớm đi chợ nấu ăn, đầu tắt mặt tối nhưng tiền lãi không được bao nhiêu, thậm chí nhiều lúc bán ế, bà chủ lẫn nhân viên phải ăn luôn phần cơm ế và đem cho người nghèo.
Đỉnh điểm của mâu thuẫn là khi bố con trao đổi qua email. Yến thẳng thắn bày tỏ suy nghĩ của mình, không ngại những cú va đập chan chát vào tư duy “thế hệ cũ” của bố mẹ.
Bố Yến mail cho Yến: “Bố mẹ đã dọn ổ sẵn cho rồi… sao các con không làm mà cứ nhảy nhót lung tung? Nếu con có tài thì mấy năm nay con đã ổn định rồi. Bây giờ xoay qua nấu cơm tháng, một công việc không thấy tương lai. Nấu cơm tháng thì bản lãnh cái quái gì mà lấy đó để móc méo, chửi bới bố mẹ?”.
Kim Yến và kết quả “không bị bệnh tâm thần” do BV Tâm thần TP.HCM khám ngày 17/9
Cũng bằng email, Yến gửi đi những lời phạm thượng: bố mẹ dở ẹc, sống thiếu chữ tâm, có vấn đề nặng rồi, yếu bóng vía thì đừng ra gió và liên tục so sánh với những phụ huynh lý tưởng, hết lòng, “hết bóp” vì con. Qua suy luận, chỉ có bất ổn tâm thần, con mới hỗn hào với cha như thế nên bố mẹ Yến đồng lòng đưa con đi kiểm tra. Ông bà cho hay đã dự định thay nhau ở cùng con tại BV để con không sốc và sẽ mau bình phục.
Bố Yến chia sẻ: “Không chỉ tôi mà nhiều người ngoài cũng nhận xét tác phong, cách ăn mặc của cháu Yến không như người bình thường. Cháu làm việc không chỗ nào được lâu, cháu hay cãi với sếp, cho sếp là dở, dốt. Cháu tự cao nên sự nghiệp càng ngày càng đi xuống. Khi phải dùng đến giải pháp đưa con vào BV TT, chúng tôi cũng rất khổ tâm. Thật ra chúng tôi chỉ muốn nhờ BV kiểm tra đầu óc của cháu xem thế nào. Nhà tôi có nhiều người bệnh tâm thần nên tôi biết không ai tự nguyện đi khám, trị bệnh, trừ phi người thân “kè” đi… Giờ đây chắc cháu sợ, không dám về nhà. Vợ chồng tôi mong con gái quay lại gia đình, mong được hàng ngày thấy mặt cháu. Chúng tôi muốn cháu ổn định tinh thần, sẽ tạo điều kiện cho cháu làm công việc khác, không cần phải lăn lộn, bôn ba nữa”.
Yến cũng bày tỏ: Có lẽ việc đẩy con vào BV TT cũng xuất phát từ “quán tính” của bố mẹ. Hễ mỗi lần em của bố mẹ nổi cơn “quậy”, bố mẹ liền đưa vào BV TT, sau đó một thời gian, rước về thì người bệnh trở nên ngoan ngoãn, hiền lành, dễ bảo. “Có thể bố mẹ cho rằng liệu pháp này cũng phát huy tác dụng đối với con gái của mình”, Yến nói.
Theo Kim An, chị Yến không hề có dấu hiệu khác thường về tâm thần, chỉ bất đồng quan điểm với bố mẹ. Bố mẹ đã không lắng nghe con mà lại đi quá xa, làm những việc trái pháp luật đối với con cái.
Cẩm Nguyên, bạn của Yến nói: “Khi nghe Yến bị bố mẹ đưa vào BV TT, tôi không quá ngạc nhiên, chẳng phải vì Yến có triệu chứng khác thường mà chính vì bố mẹ Yến trước nay hay làm những việc lạ lùng không phù hợp cách nghĩ và mong muốn của con cái. Yến tự lập, chịu khó, cực kỳ đam mê công việc. Đáng lẽ bố mẹ Yến phải tự hào về con và quan tâm, hỗ trợ, động viên Yến trên bước đường lập thân, lập nghiệp”.
TÔ DIỆU HIỀN
(*) Tên nhân vật đã được thay đổi.
“BẮT CÓC” CON LÀ HÀNH VI TRÁI PHÁP LUẬT Xét về quan hệ pháp luật, không cần biết nguyên nhân bất đồng quan điểm sống hay những lý do nào khác, bố mẹ Yến đã thể hiện hành vi vi phạm pháp luật, có yếu tố cấu thành “tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật” theo điều 123 Bộ luật Hình sự tại khoản 1: “Người nào bắt, giữ hoặc giam người không đúng căn cứ, thẩm quyền và thủ tục do pháp luật quy định, không kể thời gian bao lâu, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc bị phạt tù từ ba tháng đến hai năm...”; tại khoản 2, điểm a: “có tổ chức” bị phạt tù từ một năm đến năm năm… Trên bình diện đạo đức, liệu Yến có dám tố cáo hành vi của bố mẹ và đòi bồi thường thiệt hại? Qua sự việc này, các bậc cha mẹ cần rút bài học về phương pháp răn dạy con cái, không nên dùng bạo lực, không xâm phạm quyền tự do cá nhân của con, dù con đã lập gia đình hay chưa, cha mẹ cũng không được quản lý cuộc sống của con. Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 nêu rõ: “Cha mẹ có nghĩa vụ và quyền thương yêu, trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của con; tôn trọng ý kiến của con…” (điều 34); “Cha mẹ hướng dẫn con chọn nghề; tôn trọng quyền chọn nghề, quyền tham gia hoạt động xã hội của con…” (điều 37). Mặt khác, con cũng phải lễ phép, nhún nhường, tránh xung đột. Trên thực tế, quả thật đa số người mắc bệnh tâm thần cần phải có sự giúp đỡ, hỗ trợ của người thân trong việc đưa đi khám và điều trị, nhưng có không ít trường hợp người hoàn toàn “tỉnh” gửi đơn kêu cứu vì đã từng bị bắt đưa vào bệnh viện tâm thần. Nạn nhân bức xúc, thiệt hại, nhưng chưa có hành lang pháp lý để bảo vệ họ (VN chưa có Luật Sức khỏe tâm thần). Tâm thần là bệnh đặc thù cần có thời gian theo dõi, quy trình thăm khám dựa trên nhiều yếu tố mới xác định đương sự có bệnh hay không. Do đó, rất dễ dẫn đến việc lợi dụng để đẩy người thân vào bệnh viện tâm thần, là kẽ hở để kẻ xấu thực hiện ý đồ, mục đích của mình, xâm hại đến quyền tự do thân thể của người khác. Luật sư LÂM THỊ MAI (Công ty Luật Thiện Việt - đoàn Luật sư TP.HCM) |