Dạy con ứng xử với tiền và cay mắt nhận về 20.000 đồng

26/08/2019 - 14:30

PNO - Chắc chắn chẳng bao giờ con gặp những điều tương tự mẹ ngày nhỏ, vì con được dạy những kỹ năng cơ bản, trong đó, tập cách tiêu tiền, mua đồ… bằng chính đồng tiền của mình...

Bống - con gái tôi được tiêu tiền vào năm lớp Một. Khi mẹ nhìn thấy hầu hết cô cậu lớp Một đã biết xuống căn tin trường học mua ly nước ngọt, bịch snack, mẹ không muốn con ngồi thu lu một góc riêng vì không có tiền mua quà cùng các bạn hoặc phải tươi cười chờ các bạn chia sẻ bớt phần quà của mình cho con.

Day con ung xu voi tien va cay mat nhan ve 20.000 dongHình minh họa 

Hôm lên Đà Lạt, mẹ nhớ mãi đối thoại của anh Vĩnh Đăng và Bống. Khi em Bống chìa ra tờ 2000 khoe anh rằng: “Em có tiền nè”, thì anh Đăng nói:

- Đấy là tiền của ai?

- Tiền của em.

- Tiền do em làm ra à?

- Không, em đang nhỏ, em không làm việc được.

- À, thế là tiền mẹ cho em à? Hay em lượm được? Tóm lại là nếu đó không phải tiền em làm ra thì em đừng khoe với người khác rằng đấy là tiền của em. Đồng tiền chỉ giá trị khi mình làm ra nó thôi, em hiểu không?

Các bạn nhỏ như bạn Bống vẫn có sở thích khoe tiền của, dù việc khoe ấy chỉ cho vui. Hôm kia bạn Bống đi học, cầm theo tờ 5000 đồng, bạn của bạn là một cậu nhóc múp míp đang… đứng đếm tiền lẻ ở của phụ trường học. Bạn Bống hí hửng huơ huơ tờ 5000 đồng:

- Ê ê, tui có nè. Bữa nay ông có bao nhiêu đó?

Bạn kia, không trả lời, chìa ra vài tờ 1000, 2000 đồng trên tay mình. Và các bạn ấy tít mắt nhìn nhau cười như là rất vui.

Mẹ không muốn làm bạn mất vui đầu ngày nên dĩ nhiên cất lại chuyện “khoe tiền” ấy vào buổi tối, khi bạn đã về:

- Sáng nay mẹ không vui khi con khoe tiền với bạn con ở trên trường nha. Con có nhớ lần anh Vĩnh Đăng nói không? Tiền đâu phải do mình làm ra mà khoe. Hơn nữa, khi các con khoe nhau, nhỡ kẻ xấu dòm ngó, sẽ làm gì hại mình, ăn trộm tiền của mình thì sao? Rồi những bạn không được bố mẹ cho tiền sẽ buồn thì sao? Mẹ thích các bạn khoe nhau được bao nhiêu bông hoa mặt cười hơn, ai làm toán đúng, viết đẹp hơn. Bởi vì chẳng kẻ xấu nào dòm ngó và ăn trộm được những điều ấy cả…

- Dạ mẹ, con hiểu rồi…

* * * * *

Ở tuổi của Bống, tôi cũng như hầu hết bè bạn không được bố mẹ cho tiêu tiền vì điều kiện khó khăn. Có lần, một cô tự nhận là bạn mẹ ghé nhà chơi. Sau vài câu hỏi han thân tình, cô cho 200 đồng nói ra quán mua giúp cô mấy quả ổi, và mua bỏng ngô hay thứ gì đó tôi thích về ăn. Nhưng khi về đến nhà, “cô bạn mẹ” đã đi mất, cùng với hầu hết đồ đạc trong nhà.

Mẹ không trách tôi tiếng nào nhưng tôi nhớ mãi khuôn mặt thất thần của bà. Tuổi thơ Bống, chắc chắn chẳng bao giờ gặp những điều tương tự khi con được dạy những kỹ năng cơ bản từ sớm, trong đó, tập cách tiêu tiền, mua đồ… bằng chính đồng tiền của mình. Bạn Bống 6 tuổi đã có thể giúp mẹ vào siêu thị tiện lợi mua đồ, biết đứng xếp hàng chờ đến lượt, biết cảm ơn khi mua hàng xong, biết chắt chiu để dành ống heo để có tiền tiêu khi đi du lịch cùng mẹ… Hết thảy những kỹ năng nho nhỏ ấy con cũng như nhiều bè bạn bằng tuổi khác đã được bố, mẹ dạy cho trong trường. 

Nếu không có cơ hội cầm những đồng tiền lẻ trong tay, bé con của mẹ sẽ không có cơ hội học được những bài học nhỏ thú vị, mẹ không có cơ hội để trò chuyện với con khi con có những hành vi chưa đúng mực về tiêu tiền. Và mẹ cũng không có cả giác cay mắt vì hạnh phúc khi được một cô nhỏ chia sẻ cho 20.000 đồng – là số tiền lớn nhất mà cô ấy có khi mẹ nói rằng mình đang khó khăn để từ chối mua món đồ chơi đắt tiền Bống thích.

Và vì thế, trong một chừng mực nào đó, cho con một ít tiền lẻ để tập cho con cách chi tiêu vẫn là điều nên làm.

Võ Thu Hương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI