Dạy con tử tế với... rác

15/10/2019 - 14:00

PNO - Không phải đợi đến khi con trai học lớp Tám, vợ chồng tôi mới dạy con cách “ứng xử” với rác. Điều này đã được giáo huấn từ ngày con mới lớp Mầm. Chồng tôi quan niệm rằng, muốn dạy con thì cha mẹ phải làm gương.

Cả nhà đi chơi xa, rác thải ra trong suốt chuyến đi nếu không tìm được chỗ vứt, anh sẽ bảo tôi gom hết vào một túi và đem về bỏ thùng rác ở nhà. Nói bạn đừng cười, mỗi khi ra đường, tôi đều cần mẫn tha về từng vỏ lon, vỏ chai người ta vứt đi, bỏ vào một cái bao to “chuyên dụng”.

Day con tu te voi... rac
Ảnh minh họa

Ban đầu tôi cũng hơi e ngại, nhưng nghĩ lại mình có làm gì xấu đâu mà mắc cỡ. Con trai tôi nói: “Chi cực vậy mẹ?”. Tôi bảo nhặt cho sạch đường làng ngõ xóm, tiền bán ve chai mình cho “heo” ăn. Từ đó hai mẹ con cùng nhặt. Khi có được số tiền ít ỏi từ việc bán vỏ lon, chai nhựa, cu cậu bắt đầu hí hửng làm công việc này một cách nghiêm túc hơn.

Một lần, gia đình tôi xuống phố. Trước ghé biển cho con ăn hải sản, sau lên Nhạn Tháp - khu di tích lịch sử cấp quốc gia. Hôm ấy rất đông khách du lịch. Trời lại nắng nên cái quán nước dã chiến có nhiều khách ghé vào. Những vị khách bản địa váy áo bảnh bao uống xong nước thì quẳng chai xuống đất, có người “siêng” hơn thì ném vô bụi. Điều làm tôi ấn tượng là có một vị khách Tây, sau khi uống hết chai nước thì ra dấu hỏi cô chủ quán thùng rác ở đâu. Cô bối rối vì thùng rác nằm tận cổng vào, cách khá xa hàng nước.

Khi cô còn chưa biết trả lời sao thì vị khách đã vặn chặt nắp chai, bỏ lại trên bàn rồi ra hiệu nhờ cô vứt giùm vào sọt rác. Chứng kiến cảnh ấy, tôi kéo con trai lại, xin được chụp chung với vị khách ngoại quốc kia một tấm ảnh. Tôi dặn con học cách vứt rác của người đàn ông này, rồi con sẽ trở thành một người lịch sự, tử tế. Vậy đấy, từ lời nói đến hành động, vợ chồng tôi đều muốn nói với con rằng, thái độ của một người với “rác” thể hiện văn hóa của chính họ. 

Day con tu te voi... rac
Ảnh minh họa

Vậy mà mới hôm qua, con mua cơm tấm để ăn sáng. Ăn xong, cu cậu đem vứt hộp nhựa qua bên rào hàng xóm rồi lẳng lặng vô nhà đọc sách như không có chuyện gì. Chồng tôi đi tập thể dục về, nhìn thấy cái hộp nhựa bị gió thổi bay lơ lửng trên hàng rào, hỏi ra thì cậu thật thà nhận là mình vứt. Chồng tôi nổi giận, buộc cậu phải sang bên đó nhặt phần rác mình đã vứt mang về bỏ vào thùng đàng hoàng.

Cu cậu lò dò đi qua rồi về thưa bác trai đã khóa cổng. Chồng tôi dặn chừng nào bác về phải lập tức qua đó một lần nữa. Anh nhắc lại trách nhiệm của con đối với rác rồi hỏi: “Khi tiện tay vứt rác qua vườn người khác như vậy, trong lòng con có thấy thoải mái không? Trả lời câu đó rồi thì lấy giấy ghi thật đẹp 100 lần câu “Từ nay tôi sẽ không vứt rác bừa bãi nữa”, được không?”.

Con chép phạt xong, anh ra “tối hậu thư”: “Nếu còn tái diễn nữa, thì con sẽ nhận hình phạt nặng hơn. Không chỉ ở nhà, mà là bất cứ nơi đâu. Thậm chí nếu ở trường con đã bị phạt về tội vứt rác bừa bãi rồi, về nhà bố cũng tiếp tục phạt cho con nhớ”. 

Con “dạ” rất dứt khoát. Hy vọng cậu sẽ không quên những bài học hôm nay. 

Nguyễn Thị Bích Nhàn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI