Dạy con trên xe buýt

10/06/2017 - 13:51

PNO - Nếu ngần ngại khi kiến thức của mình hạn hẹp, cha mẹ có thể nhờ đến “giáo sư” Google để tra cứu và nói cho con hiểu.

Một lần đi xe buýt, tôi ngồi gần cậu bé hiếu động và cha cậu. Cậu bé nói huyên thuyên, líu lo như sáo. Có lẽ cậu học ngoại ngữ ở một trường quốc tế. Trông màu áo đồng phục là biết. Suốt hành trình, cậu trò chuyện tiếng Anh với bố.

Day con tren xe buyt
Có thể dạy con mọi lúc, mọi nơi

Ông bố cũng tâm lý đáo để, lại có chút am hiểu sinh ngữ nên “tương tác” với con trai rất rành rọt. Anh chỉ ra ngoài cửa kính xe, ở những nơi có bảng hiệu, tên cửa hàng, công ty ghi tiếng Anh để con dịch nghĩa (và ngược lại). Những màu sắc, vật dụng, công trình... được ông bố khai thác triệt để.

Tất nhiên, có nhiều từ cậu bé không hiểu, nhưng chẳng hề gì khi bố cậu làm tốt vai trò người giải nghĩa cho cậu nghe. Chốc chốc, khi thấy những từ lạ, cậu bé hỏi bố ngay để được giải đáp thỏa đáng. Không phải là quyển từ điển sống nên người bố phải nhờ đến Google Translate, thông qua chiếc điện thoại đang cầm trên tay.

Một hình ảnh giản dị nhưng chẳng biết tại sao tôi lại cảm động. Có lẽ do người bố đó biết cách dạy con học rất khéo léo, sinh động. Các bậc phụ huynh có thể tận dụng khoảng thời gian khi con ngồi trên xe buýt (hoặc xe khách, ô tô riêng) để dạy trẻ học như thế này. Không riêng gì tiếng Anh mà còn nhiều môn xã hội khác như lịch sử, ngữ văn, địa lý... 

Khuyến khích trẻ đặt câu hỏi hoặc dẫn dắt vấn đề để cuốn trẻ vào nhiều thắc mắc dây chuyền khác. Có thể hỏi trẻ: “Con có biết tượng danh nhân X. ngay vòng xoay là ai không?; Bảo tàng Y. bên kia đường ra đời từ khi nào?...”, rồi sau đó làm “một cuộc cách mạng lịch sử” bằng việc kể về các danh nhân, di tích cho con hiểu rõ.

Ở những đường có tên nhà thơ, nhà văn thì hỏi con còn nhớ hoặc có biết (từng học và chưa học) nhà thơ này là tác giả bài thơ gì trong sách giáo khoa hay không? Nếu trẻ biết thì quá tuyệt, nói con đọc thuộc lòng bài thơ đó ngay. Còn nếu trẻ không nhớ hoặc chưa học thì nên đọc cho trẻ nghe. 

Riêng địa lý, có thể kích thích sự tò mò của trẻ bằng những câu hỏi về huyện này, quận kia, phố nọ… chuyên buôn bán gì, dân số bao nhiêu, từng tách - nhập ra sao… Tất nhiên với nhiều kiến thức quá sâu, rộng, trẻ sẽ khó nhớ hết. Nhưng mỗi ngày một ít, nhắc đi nhắc lại nhiều lần, trong một không gian dễ chịu và sinh động, đúng với hoàn cảnh sẽ giúp trẻ ấn tượng, nhớ lâu.

Nếu ngần ngại khi kiến thức của mình hạn hẹp, cha mẹ có thể nhờ đến “giáo sư” Google để tra cứu và nói cho con hiểu. Nhưng lưu ý, cần vào những trang báo mạng, trang web uy tín, so sánh nhiều trang mạng với nhau, để có một thông tin chính xác, tránh trẻ nạp kiến thức sai, gây ảnh hưởng không đối với con về lâu dài. 

Nguyễn Thanh Vũ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI