Dạy con trai đi chợ, chọn cá, chọn rau... tại sao không?

27/03/2017 - 16:00

PNO - Cũng như, nhiều người vẫn mặc định trong đầu suy nghĩ: con trai thì không nên bận tâm đến việc chợ búa, cơm nước, để chuyên tâm học hành, phát triển sự nghiệp.

Hình ảnh những ông bố, bà mẹ dắt con đi mua sắm trong những siêu thị hiện đại, sạch sẽ hoặc những cửa hiệu sang trọng, trưng bày bắt mắt có lẽ chẳng có gì đặc biệt nên tôi không khỏi ấn tượng khi bắt gặp hình ảnh một người mẹ dắt con đi chợ, một cái chợ truyền thống đúng nghĩa, cũ kỹ và thậm chí hơi bẩn thỉu, không chỉ một lần mà là nhiều lần. Càng ấn tượng hơn khi đứa bé ấy lại là con trai, và cái cách người mẹ ấy đưa con đi chợ không chỉ đơn thuần là để mua sắm.

Day con trai di cho, chon ca, chon rau... tai sao khong?
 

Cứ mỗi cuối tuần, tôi lại bắt gặp hai mẹ con ấy cùng nhau đi chợ. Người mẹ trạc 35 tuổi, ăn bận chỉn chu, dắt theo đứa con trai khoảng 10 tuổi. Đi đến hàng rau củ, vừa mua hàng, chị vừa chỉ cho con từng loại rau củ kèm theo lời giải thích về tên từng loại và hướng dẫn cách chọn rau củ tươi tốt.

Lần đầu tôi không để ý lắm, nhưng đến lần thứ hai thì tôi không thể rời mắt khỏi hai mẹ con họ. Có khi, vô tình tôi cứ lẽo đẽo theo sau hai mẹ con, quên bẵng mình đang định mua gì. Đi ngang người phụ nữ bán các loại bánh tét, bánh ếch, bánh ú để trên cái mẹt trước mặt, người mẹ dừng lại một chút để mua vài cái, chị chỉ cho con từng loại bánh quê và nhắc con nhớ tên từng loại một. Thỉnh thoảng, tôi lại nghe cậu bé thắc mắc “vậy hả mẹ” hay “trái này là trái gì vậy mẹ”, giọng cậu bé nghe mới đáng yêu làm sao!

Trong những quán ăn, nơi công cộng hay trong nhiều gia đình, không khó để bắt gặp hình ảnh những đứa bé được bố mẹ “khoán trắng” cho chiếc “điện thoại thông minh” hay chiếc máy tính bảng để chúng mặc sức chơi một mình mà không làm phiền đến họ, thay vì dạy bọn trẻ về những sự vật trong cuộc sống xung quanh mình.

Cũng như, nhiều người vẫn mặc định trong đầu suy nghĩ: con trai thì không nên bận tâm đến việc chợ búa, cơm nước, để chuyên tâm học hành, phát triển sự nghiệp. Vì vậy nên mới có nhiều bà mẹ đến khi con lớn tướng, đi học xa nhà mới quáng quàng dạy con những việc tối thiểu cho cuộc sống một mình khi không có mẹ bên cạnh chăm sóc tận răng. Hoặc có những cô gái mãi đến khi về nhà chồng mới cuống cuồng gọi điện hỏi mẹ ruột cách đi chợ, nấu ăn, chăm sóc nhà cửa.

Hình ảnh hai mẹ con ở chợ khiến tôi ngưỡng mộ người mẹ trẻ kia ở ý tưởng dạy con trai chuyện chợ búa, và tin rằng việc bếp núc ở nhà cũng được chị hướng dẫn con cặn kẽ như thế. Bất giác, tôi mỉm cười khi nghĩ “cô gái nào đó may mắn làm con dâu của chị sau này, hẳn sẽ hạnh phúc và biết ơn chị nhiều lắm, khi đã dạy con biết chia sẻ việc nhà với vợ”.

Là mẹ của hai cậu con trai, tôi không có ý định dạy con chuyện chợ búa, bếp núc để sau này có cô gái nào đó cảm ơn mình. Nhưng tôi cũng đã, đang và vẫn sẽ làm như người mẹ trẻ kia, để từ bây giờ, con có thể phân biệt tại sao cá diêu hồng và cá hường giống màu nhưng lại khác nhau, cải thìa và cải ngọt khác nhau thế nào, để những bài học khô khan ở trường khắc sâu hơn trong tâm trí của con khi các cháu được chứng kiến thực tế sinh động, để những bài tập làm văn của con không chỉ là bản sao của những bài văn mẫu, miêu tả đến rồng, phượng nhưng lại không phân biệt được chim sẻ khác với chim chích choè ra sao.

 Lê Thị Ngọc Vi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI