Dạy con thời AI

05/04/2025 - 06:00

PNO - Trong bối cảnh giáo viên bị cấm dạy thêm, các ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) đang được nhiều phụ huynh xem như giải pháp thay thế phần nào vai trò của gia sư truyền thống. Liệu đây có phải là một giải pháp hữu hiệu lâu dài hay chỉ mang tính nhất thời?

Những gia sư AI

Chị Nguyễn Lan Phương (quận Cầu Giấy, Hà Nội) - mẹ một học sinh lớp Chín - chia sẻ trên diễn đàn hội phụ huynh: “Con tôi sắp vào lớp Mười nhưng từ khi thầy cô không dạy thêm nữa, tôi không biết làm thế nào giúp con học tốt bởi tôi không đủ kiến thức để giảng bài cho con”. Dưới bài viết này, rất nhiều phụ huynh vào bình luận, cho biết họ cũng không đủ kiến thức, không đủ thời gian, thậm chí không đủ kiên nhẫn dạy con học.

Nhiều học sinh tìm đến AI để giải bài tập, luyện kỹ năng ngôn ngữ, thậm chí nhờ AI viết bài luận, tóm tắt nội dung trong sách giáo khoa. AI có khả năng cung cấp câu trả lời ngay lập tức, không mất chi phí, khiến nhiều gia đình coi đây là gia sư lý tưởng.

Phụ huynh cần dành thời gian hướng dẫn trẻ cách dùng AI hỗ trợ học tập - ẢNH: NHÃ CHÂN
Phụ huynh cần dành thời gian hướng dẫn trẻ cách dùng AI hỗ trợ học tập - Ảnh: Nhã Chân

Theo một kết quả khảo sát của Viện Giáo dục Việt Nam, hơn 58% phụ huynh ở Hà Nội và TPHCM đã cho con sử dụng các công cụ AI như ChatGPT, Photomath hay Duolingo để học tập, đặc biệt là sau khi Thông tư 29 của Bộ GD-ĐT về chấn chỉnh việc dạy thêm, học thêm có hiệu lực.

Theo báo cáo của Statista (một nền tảng trực tuyến chuyên thu thập và trực quan hóa dữ liệu) năm 2024, lượng người dùng AI trong giáo dục tại Việt Nam tăng gần 60% so với năm 2023. Trong đó, khoảng 42% phụ huynh ở các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng từng cho con tiếp cận với các công cụ AI phục vụ việc học.

Anh Phạm Văn Hùng - phụ huynh có con học lớp Mười một - cho biết: “Trước đây tôi phải thuê gia sư 2 triệu đồng/tháng để dạy toán cho con. Bây giờ, tôi chỉ cần hướng dẫn con cách dùng ChatGPT, vừa tiết kiệm tiền, vừa nhanh chóng”.

Là đơn vị cung cấp các giải pháp phần mềm cho ngành giáo dục, anh Nguyễn Thành Quang - Giám đốc Công ty Kim Vibe Communication - nhận xét, các ứng dụng AI có những ưu điểm nhất định nếu phụ huynh và học sinh biết áp dụng đúng cách: “AI có thể điều chỉnh phương pháp giảng dạy tùy theo khả năng của từng học sinh. Với học sinh giỏi, AI cung cấp kiến thức nâng cao, giúp mở rộng tư duy. Với học sinh yếu, AI có thể giảng lại bài theo nhiều cách, giúp các em tiếp thu tốt hơn. Học sinh bận rộn có thể học với AI bất cứ lúc nào, không phụ thuộc vào lịch học thêm”.

Phát huy hiệu quả, hạn chế tác hại

Anh Nguyễn Ngọc Long (quận 3, TPHCM) cũng có những lúc dở khóc dở cười khi cho con học với AI: “Có lần con tôi dùng ChatGPT để làm bài tập làm văn “Viết thư cho bà nội”. Kết quả là AI đưa ra một bài văn rối loạn về các danh xưng, thứ bậc trong gia đình”.

Chị Minh Tú (quận 7, TPHCM) kể, từ ngày biết tới công cụ AI, con gái chị gần như bỏ lơ quyển từ điển tiếng Anh, cũng không siêng học từ vựng như trước bởi từ nào không hiểu là lại hỏi AI. Tới khi đi thi, cháu không làm được bài vì không có máy tính bên cạnh.

Ngày nay, nhiều học sinh đã biết dùng AI như một gia sư - ẢNH: MỸ CHÂU
Ngày nay, nhiều học sinh đã biết dùng AI như một gia sư - Ảnh: Mỹ Châu

Dù AI có nhiều lợi ích nhưng việc để trẻ phụ thuộc vào AI quá sớm tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Nếu chỉ dựa vào AI để giải bài tập mà không tự suy nghĩ, học sinh sẽ mất khả năng tư duy, phản biện. Mặt khác, không phải lúc nào AI cũng cung cấp thông tin chính xác. Nếu không có kỹ năng kiểm chứng, trẻ có thể tiếp thu những kiến thức sai lệch.

Thạc sĩ Trần Duy Phong - Giám đốc FPT Polytechnic Đồng Nai - cho rằng muốn tận dụng sức mạnh của AI, thầy cô và phụ huynh cần hướng dẫn học sinh mục đích của học tập. Đó là quá trình chuyển đổi kiến thức tiếp thu từ thầy cô, sách vở, internet, đời sống... thành kiến thức của bản thân. Ý thức được điều đó, học sinh sẽ biết cách dùng AI phục vụ cho việc học. Nhưng nếu quá lạm dụng AI, học sinh sẽ có tâm lý chạy theo thành tích, trong khi học tập quan trọng ở chỗ tích lũy tri thức, rèn luyện và thực hành.

“Không phải lúc nào AI cũng cung cấp câu trả lời chính xác. Học sinh vẫn luôn cần kiểm tra lại đáp án. Do vậy, tốt nhất, các bậc phụ huynh dù rành công nghệ hay không cũng nên cố gắng rèn cho con tinh thần tự học. Chỉ nên coi AI là công cụ hỗ trợ, không phải “đũa thần” có thể học tập thay con em mình” - thạc sĩ Trần Duy Phong nhấn mạnh.

Còn ông Hà Anh Tuấn - Chủ tịch Vinalink - bày tỏ quan điểm: “Tôi khẳng định AI không thể thay thế gia sư. Muốn tận dụng AI hiệu quả, phải biết cách đặt câu hỏi cho AI để nhận về câu trả lời tối ưu nhất. Hơn nữa, AI hạn chế sự sáng tạo của con người, gây tâm lý ỷ lại cho học sinh”.

Theo ông Hà Anh Tuấn, học với gia sư hay giáo viên, học sinh chỉ được hướng dẫn hoặc gợi mở phương pháp để tự giải quyết vấn đề, còn AI gần như làm giúp bài cho học sinh tới 80 - 90%. Do đó, muốn con sử dụng AI, trước tiên, thầy cô hay cha mẹ phải dạy con biết cách đặt câu hỏi, cách kiểm tra chéo. Điều này cũng giống như việc dù kiến thức có đầy trên internet nhưng học sinh vẫn phải học sách giáo khoa.

Mỹ Châu

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI