1. Dạo gần đây tự nhiên tôi có cảm hứng "khoe" về chuyện con mình đang làm quen tốt với việc đọc sách mỗi ngày, khoe những cuốn sách phù hợp với lứa tuổi của con. Đôi lúc, tôi chần chừ trước khi nhấn nút "đăng" hoặc “chia sẻ” vì nghĩ rằng, liệu có ai đó sẽ như mình trước đây, sẽ dấy lên cảm xúc tiêu cực khi thấy người khác thường xuyên lan tỏa những điều tích cực. Vô lý đúng không, nhưng điều đó lại tồn tại.
|
Độ tuổi mầm non và tiểu học là độ tuổi vàng để trẻ tiếp thu những bài học về nhân cách và kỹ năng sống (Ảnh minh họa) |
Thanh - bạn tôi hay đăng những bí kíp, những phương pháp dạy con văn minh, tiến bộ lên mạng. Còn tôi vào mỗi lần như thế sẽ luôn sân si, đặt dấu chấm hỏi, bùng nổ những hoài nghi. Tôi tự hỏi rằng, đâu phải ai cũng rảnh, cũng có nhiều thời gian để làm tốt việc làm mẹ như Thanh? Liệu bé Thỏ con cô sẽ phát triển như thế nào khi mà em luôn được tiếp thu những điều tích cực và tinh tế? Sau này lớn lên em bé có bị sốc, bị lạc quẻ, bị bạn bè giữ khoảng cách, khi mà trong quá trình giao tiếp, mâu thuẫn, va chạm, cháu luôn cư xử với thái độ hòa nhã, chừng mực?
Tuy nhiên, tôi sai rồi! Một gia đình dù giàu có, tiền muôn bạc vạn, tiếng tăm, thành công đến mấy nhưng chỉ cần một đứa con đua đòi, nghiện ngập, phá gia chi tử thì cũng coi như tay trắng, khổ sở muôn phần. Một môi trường, cộng đồng dù có an ổn, nhiều yêu thương và luôn tạo điều kiện đến bao nhiêu nhưng nếu đứa con mình từ bên trong luôn tồn tại những ỷ lại, sân si, tham lam và yếu đuối, thì cuộc đời nó sẽ luôn chìm ngập trong bất mãn, đòi hỏi và lười biếng. Nên chi, dạy con kỹ năng sống, dạy nhân cách, có tri thức và tâm hồn đẹp sẽ luôn là việc làm cần thiết ngay và luôn. Không nên chậm trễ bất kỳ một giây phút nào.
Nói là làm, mỗi ngày tôi mua sách về đọc, chia sẻ những bài học, câu chuyện cùng con. Tôi nhận ra, vấn đề không phải bản thân mình rảnh hay bận mà là mình dành sự quan tâm đến con được bao nhiêu, cách quan tâm, uốn nắn có thực sự nghiêm túc, chu đáo và phù hợp với từng lứa tuổi của con hay không.
Vấn đề không phải hoàn toàn nằm ở chuyện xã hội, môi trường sống bên ngoài "đen” hay “trắng", gập ghềnh ổ voi ổ gà mà giải pháp cần được lựa chọn là: Hãy kiên trì đổ nước sạch vào ly, cặn bẩn chắc chắn sẽ trôi bớt ra ngoài. Hãy khiến con mình mạnh mẽ, cân bằng, độc lập, trưởng thành từ sâu bên trong. Mọi cây lớn đều bắt đầu từ hạt mầm bé nhỏ. Hạt mầm đó nhất định phải luôn khỏe mạnh để nhẫn nại, biết ơn và tự yêu mình.
2. Áp lực học tập, sức ép cuộc sống tất nhiên là có thật, những mâu thuẫn, xung đột, sự quá tải là có thật. Nhưng có một vấn đề ở đây, giả sử nếu chương trình học được giản lược, cha mẹ đã bắt đầu lắng nghe, làm bạn với con mình, thế nhưng, những cô bé cậu bé khi ấy vẫn chưa hài lòng, vẫn không chịu hợp tác, các em vẫn còn muốn chương trình học được giảm nữa, giảm mãi, các em cũng muốn được tùy tiện sống theo nhu cầu và khả năng của mình. Khi cần hỏi gì thì hỏi, xin gì thì xin nhưng khi trái tính trái nết, muốn dập cửa phòng ngay trước mắt cha mẹ thì cha mẹ cũng phải miễn cưỡng mỉm cười? Lúc đó sẽ ra sao? Bạn và tôi, thầy cô, nhà trường phải làm thế nào?
Cuộc sống tiện nghi, bận rộn, bó hẹp trong những ngôi nhà kín khiến con trẻ dần mất đi năng lực cảm nhận về tình yêu thương, mất đi bản năng phải nỗ lực và kiên trì.
Cả người lớn và thanh thiếu niên bây giờ, năng lực chịu tải về tinh thần thật sự rất kém sút. Chúng ta dễ nạt nộ, cáu bẳn, dễ chen lấn, tấn công nhau. Hạt mầm bên trong chúng ta thực sự sẽ bị nhiễm bệnh, kém sức chống chọi nếu không được quan tâm, thương yêu, rèn giũa ngay từ bé do đó khi gió đến, mưa xiên, cuộc sống này lụy phiền, xáo trộn liền lập tức ngã quỵ, hoặc chọn cách đáp trả đầy tiêu cực.
|
Chúng ta cần chững lại, tự học hỏi, trau dồi để tìm cách đồng hành với con tốt hơn, sớm hơn. Trên đây là một bản sách tôi yêu thích. |
3. Bây giờ là thời đại của trí tuệ nhân tạo, của "bác sĩ gu gồ", của máy móc rô bốt, vậy thì cớ làm sao chúng ta phải bắt con em mình chịu quá nhiều áp lực bởi nguồn kiến thức, thông tin luôn có sẵn, phải học thuộc, thi đua, hơn thua nhau bởi những cuộc thi, những vinh danh về vị trí học tập ít giá trị? Chúng ta nên chuyển qua đầu tư nhiều hơn cho kỹ năng, rèn luyện sức khỏe, vẻ đẹp tâm hồn. Hãy học sống tử tế, học cách phản ứng thông minh, bản lĩnh với những tình huống trái mong cầu. Hãy học cách lắng nghe, trân trọng, kết nối với thiên nhiên, bảo vệ môi trường. Hãy học thật chắc một nghề để sau này có thể chủ động cuộc sống. Hãy học cách trao, nhận và yêu thương...
Tôi tự hỏi, nếu tình yêu thương của cuộc đời này vẫn luôn tràn ngập nhưng nếu bạn và tôi cứ mãi bận rộn, nuôi dưỡng bên trong mình một trái tim lạnh giá thì làm sao chúng ta có thể nhìn ra, đón nhận để rồi sống đúng, nuôi dưỡng lòng biết ơn. Những đứa trẻ trầm cảm, mâu thuẫn, tự kỷ và luôn phủ nhận là những đứa trẻ không đủ khả năng cảm nhận rằng yêu thương thật sự vẫn đang vây quanh mình.
4. Ngay từ nhỏ, hãy dạy con cách biết yêu, cảm nhận được tình yêu, trao cho con năng lực "gạn đục khơi trong" để mà bản lĩnh, sống vui, không ngừng vươn lên trong cuộc sống bằng tình yêu thương, và đừng quên đồng hành cùng con mỗi ngày.
Hải Thi