Dạy con quỳ để thoát hiểm hay bằng giá nào cũng phải giữ danh dự?

06/03/2018 - 15:58

PNO - Như con chịu quỳ thì con đậu một cuộc thi thay đổi số phận, con chịu nhục thì công danh con rạng rỡ. Con chịu quỳ xin tha thì con thoát một cuộc tấn công có thể mang thương tật?

Nhân chuyện cô giáo ở Long An phải quỳ trước vị phụ huynh hung hãn, chị em  cơ quan tôi ngồi nói với nhau, nếu mình là cô giáo bị phụ huynh đe dọa tính mạng, tinh thần; bị nhà trường dọa đuổi việc, rồi còn bị dọa đi tù tội, thương tật này nọ... mình có quỳ không?

Câu trả lời đương nhiên là không. Vì chúng ta là thuộc nhóm những phụ nữ coi lòng tự trọng, niềm kiêu hãnh là trên hết. Cao hơn những thứ như việc làm, tiền bạc, sự an toàn thân thể...

Nhưng, chúng ta sẽ dạy con như thế nào, trong cuộc sống mà mọi thứ bị đảo lộn tùng phèo, con người ta sẵn sàng mất nhân phẩm để có được lợi ích hay giữ lợi ích? Dạy con như thế nào, khi một cái quỳ có thể xoay chuyển cả tương lai của con. Như con chịu quỳ thì con đậu một cuộc thi thay đổi số phận, con chịu nhục thì công danh con rạng rỡ. Con chịu quỳ xin tha thì con thoát một cuộc tấn công có thể mang thương tật?

Tôi nhớ chuyện hồi nhỏ.

Hồi nhỏ, chú tôi phạt hai chị em tôi quỳ trước hiên nhà bà nội. Chú đang giận dữ, lăm lăm cái roi trên tay, chị tôi quá sợ hãi nên quỳ sụp trong nước mắt. Còn tôi, kiên quyết không quỳ. Tôi chạy vòng vòng trong sự bất lực đuổi bắt của chú, dù tôi biết việc chú chỉ dạy, đánh đòn tôi là đúng.

Day con quy de thoat hiem hay bang gia nao cung phai giu danh du?
Ảnh minh họa

Hồi nhỏ, những thằng bé đầu gấu trong xóm thường bắt chúng tôi rúc qua cái háng hôi hám của chúng mới cho đi học. Trò này cực kỳ man rợ, đám bạn tôi sợ đi học muộn nên đã quy phục mà chui qua cái chữ V ngược, là cái háng của thằng cùng tuổi. Đứa trẻ nào cũng biết đó là nhục nhã.

Nhưng chúng còn biết làm gì? Tôi thì sao, tôi thấy bóng bọn “đầu gấu xóm” liền bỏ chạy. Tôi tìm con đường khác xa hơn tới 5km để tới trường và chấp nhận bỏ tiết, nghe thầy cô la mắng, chứ nhất quyết không chui háng ai.

Năm lớp tám, tôi bị đuổi học. Trong học bạ thầy chủ nhiệm, là một người dạy văn thâm thúy đã phê: "Tỏ ra có lòng tự trọng, nhưng cần...". Tôi hiểu những dòng chữ đấy lắm, lòng tự trọng của đứa học trò ngang bướng đã va mạnh vào lòng tự trọng của thầy tới mức không thể hóa giải. Thầy đã phải dùng biện pháp cuối cùng là đuổi học tôi. Tôi mất mấy năm mới cân bằng nổi với chuyện chuyển trường mới, xáo trộn cuộc sống và tổn thương vì cái tiếng “bị đuổi học” chỉ vì thầy buộc tôi quỳ xuống xin lỗi thầy do quấy phá trong giờ học, mà tôi không làm.

Kể ra vài chuyện quá khứ, chị em công sở chúng tôi bàn tiếp, vậy, trong việc dạy kỹ năng sống, phải nói với con như thế nào, khi có ai đấy ép buộc con phải quỳ. Con ứng xử như thế nào để không mất lòng tự trọng và cũng không nguy hiểm, mất tương lai. Khó quá!

Day con quy de thoat hiem hay bang gia nao cung phai giu danh du?
Ảnh minh họa

Tôi từng nghe một người bạn nói: "Riêng đối với con cái, bất cứ gì em cũng làm, kể cả quỳ gối". Tôi không nhận xét gì bạn, vì bạn có mục tiêu sống của bạn: vì con, điều gì bạn cũng có thể làm. Tôi từng gặp chị sếp lượm từng đồng bạc của nhà nước, ăn chặn của nhân viên, lắt léo đủ đường để có tiền, chị ấy nói đấy là vì chị là mẹ đơn thân, chị vì con, gì cũng làm hết.

Tôi không biết cô giáo trẻ nọ có nỗi lo dữ dội nào khi thất nghiệp không? Nếu cô cũng đang gánh vác một gia đình, nỗi lo ấy khiến cô mờ mắt, mất cả nhân cách, lòng tự trọng nghề nghiệp trước bạo lực không?

Tôi kể câu chuyện này, một hình ảnh khiến nhiều năm tôi hoang mang về ba chữ "lòng tự trọng".

Đó là tình huống của hai anh bạn đại học. Hôm ấy, anh kia chạy xe phân khối lớn, chở cô bạn gái xinh nhưng nổi tiếng lẳng lơ đi qua. Một đám bạn trai khác ngồi nói xí xô gì đó. Anh bạn này lập tức rồ chiếc xe phân khối lớn lại, hỏi cho rõ anh nào vừa phát ngôn. Mọi người chạy hết, còn lại một bạn ngồi chết trân, tạm gọi là anh “ngứa mồm”. Anh phân khối lớn bừng bừng sát khí, vớ chiếc xẻng sắc lẻm nhặt bên đường, la hét kinh động mấy dãy nhà ký túc xá. Nghe ồn ào, chúng tôi chạy ra xem.

- Mày có quỳ không? Mày phải quỳ xin lỗi tao và bạn gái tao.

- Em sai rồi, em xin lỗi anh, anh xin lỗi Nga (tên cô bạn gái)

- Không được, mày phải quỳ xuống chân tao. Quỳ ngay không tao cắt đứt đầu mày bây giờ.

Không một ai trong đám bạn trai ồn ào hồi nãy dám đứng ra nói một tiếng khi "thằng điên" đang cơn hoang dại. Chúng tôi cũng chỉ dám đứng thật xa mà chứng kiến cảnh tượng kinh hoàng ấy. Tưởng như, chỉ trễ vài giây nữa thôi, tên điên sẽ dùng chiếc xẻng sắc lẻm với sức mạnh giận giữ của mình để giết chết người bạn của chúng tôi.

Day con quy de thoat hiem hay bang gia nao cung phai giu danh du?
Ảnh minh họa

Cuối cùng, anh bạn ngứa mồm từ từ khụy gối xuống, nghe "thằng điên" hò hét một hồi trước khi bỏ đi. Hình ảnh anh bạn chúng tôi yêu quý phải quỳ trước người khác, ám ảnh vô cùng. Để giữ mạng sống, tất nhiên anh quỳ xuống. Anh đổi lòng tự trọng lấy mạng sống, chúng tôi kết luận như thế.

Khi cả xã hội chĩa vào trách giận cô gái quỳ trước phụ huynh, tự nhiên tôi hình dung ra hình ảnh tên điên hồi nào. Khoan bàn lỗi của cô giáo, lỗi của anh "ngứa mồm", ta chỉ bàn về sự lựa chọn:

Chúng ta có hai lựa chọn khi đối mặt với bạo lực, hiểm nguy, thậm chí là mất mạng:

- Giữ chí khí, để bảo vệ lòng tự trọng của mình, có khi thiệt thân, thiệt mạng.

- Chấp nhận những giây phút mình không còn là mình, để bảo toàn an toàn của mình và người thân. Nhưng lòng kiêu hãnh, lòng tự trọng cũng mất theo. Đôi khi phải sống cả cuộc đời trong ô nhục không gì rửa được.

Day con quy de thoat hiem hay bang gia nao cung phai giu danh du?
Ảnh minh họa

Lựa chọn nào, cũng có hay dở, khen chê. Không hẳn bạn sống có chí khí thì bạn được ngưỡng mộ, đám đông, thậm chí người thân có thể nói bạn ngu si. Không hẳn khi bạn “biết đi bằng đầu gối khi cần” thì người ta sẽ coi rẻ. Người ta còn nói bạn sống linh hoạt, kỹ năng mềm tốt ấy chứ.

Nhất là thời buổi vàng thau lẫn lộn, quyền con người, giá trị con người bị mài mòn và hạ thấp như bây giờ.

Nhưng đấy là cuộc đời của bạn, xã hội của bạn. Còn với con cái, chúng ta chỉ còn cách phân tích cho trẻ những đúng sai, chỉ ra hệ quả của sự lựa chọn, kể những lựa chọn hiểm nguy hay những lựa chọn mất danh dự.

Và cuối cùng tùy vào hoàn cảnh, trẻ sẽ ứng xử như nó muốn, kể cả khi nó chấp nhận bị cả xã hội khinh rẻ, chửi bới… chúng ta nào có thể  xuất hiện mà buộc con phải như thế nào.

Theo bạn thì sao?

Minh Lê

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI