Dạy con sử dụng tiền bạc như thế nào trong thời đại nhiều cám dỗ như hiện nay là vấn đề nhiều phụ huynh quan tâm. Báo Phụ Nữ TP.HCM đã trò chuyện với ông Alex Mazloom - Giám đốc Tổ chức phi lợi nhuận Mind Treasures (California, Mỹ) - người từng nghiên cứu và có nhiều kinh nghiệm về vấn đề này để có những lời khuyên hữu ích cho bạn đọc.
|
Ông Alex Mazloom |
Phóng viên: Nhiều bậc cha mẹ rất muốn dạy con kỹ năng quản lý tiền bạc, nhưng họ cảm thấy vô cùng khó khăn trong điều kiện cuộc sống quá đầy đủ. Ông có thấy như vậy không?
Ông Alex Mazloom: Quả đúng như vậy. Ngày trước, dù sinh ra và lớn lên trong một gia đình khá giả, tôi cũng chỉ có một hoặc hai đồ chơi mới mỗi năm. Khi không có gì để chơi nữa thì tôi tự “chế tạo” ra đồ chơi từ những thanh gỗ bỏ quên trong nhà kho.
Ngày nay, trẻ con nếu không nghiện công nghệ thì cũng bị cám dỗ bởi những bộ đồ chơi đắt tiền mà chỉ chơi vài lần rồi chán. Trong điều kiện vật chất đầy đủ và không khuyến khích sáng tạo, chúng ta không thể thay đổi điều kiện sống, nhưng chúng ta có thể thay đổi cách suy nghĩ của con để tránh lối sống hưởng thụ.
* Xin ông nói rõ hơn về cách thay đổi này?
- Nhiều nghiên cứu cho thấy, việc nuông chiều trẻ muốn gì có đó sẽ càng làm hại con. Chúng ta cứ nghĩ rằng vài năm nữa lớn lên, chúng sẽ biết làm chủ được ham muốn của mình, nhưng điều này không đúng. Tất cả đều do rèn luyện và tính kỷ luật trong suốt cuộc đời.
Nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng, những đứa trẻ được rèn luyện kiềm chế ham muốn đồ chơi, đồ ăn… ngay từ nhỏ về sau sẽ có khả năng lý luận và hoạch định công việc tốt hơn, kiểm soát cảm xúc tiêu cực, ứng phó tình huống khó khăn tốt hơn, có lòng tự trọng cao hơn.
Hơn nữa, con cái được rèn luyện tính kỷ luật, tiết chế ham muốn sẽ đạt được những mục tiêu tốt đẹp trong tương lai và còn hình thành nhân cách tốt đẹp. Lợi ích này không chỉ có ý nghĩa cho cá nhân mà còn cho cả xã hội.
* Vậy cha mẹ có nên cho con tiền khi đi học, hay chỉ cho tiền khi con biết làm việc nhỏ hay học tốt?
- Ngay từ lứa tuổi tiểu học, chúng ta đã có thể cho con tiền, nhưng không phải con muốn dùng món tiền đó thế nào cũng được. Cha mẹ nên dạy con tiêu một phần và bỏ ống heo một phần. Và tiền bỏ ống heo phải được chia ra phần nào để thỏa mãn mong muốn mua sắm của con, phần nào để chia sẻ cho những người khó khăn hơn. Dạy con trẻ biết chia sẻ là giúp cho con có cuộc sống hạnh phúc về sau.
Hạnh phúc lớn nhất của con người là khi chúng ta làm những việc thực sự có ý nghĩa, tạo giá trị cho gia đình và xã hội chứ không phải đơn thuần là mặc chiếc áo mới hay mua chiếc xe đẹp. Một nghiên cứu ở Đại học British Columbia cho thấy, trẻ từ 2 đến 10 tuổi cảm thấy sung sướng khi trao quà cho người khác hơn là nhận quà. Và khi có hành động từ tâm, não chúng ta tiết ra chất endorphins, giúp giảm đau và cảm giác hưng phấn.
Đối với chuyện “trả công” khi con làm việc nhà hay học giỏi thì tôi không tán thành. Tôi nhận thấy trẻ con được “hối lộ” thường xuyên như vậy sẽ hình thành sự tương quan về hành động và kết quả cả trong ý thức lẫn vô thức, cho trẻ ham muốn làm để hưởng thụ nhiều hơn là niềm vui tự thân khi làm việc.
Con bạn sẽ không còn cảm giác sung sướng khi có một căn phòng do chính tay mình dọn dẹp sạch sẽ hay cảm thấy mình đã trưởng thành khi đóng góp cho gia đình. Tôi nghĩ rằng, thay vì cho con món quà, cha mẹ hãy cùng làm việc với con, tất nhiên là làm trong tâm trạng vui vẻ và trò chuyện cùng nhau. Như thế trẻ sẽ tự ý thức được giá trị bản thân.
* Tất cả những điều này dường như ông đang nói đến tư duy chứ không phải kỹ năng?
- Đúng vậy, trong dạy con quản lý tiền bạc, thì dạy con cách tư duy mới là quan trọng. Đa phần các tổ chức giáo dục và đào tạo ở Việt Nam ngày nay thiên về việc đào tạo kỹ năng sống, kỹ năng quản lý tài chính mà chưa chú trọng tới việc phát triển tư duy cho trẻ nhỏ. Nhưng muốn dạy về tư duy thì cha mẹ phải dành nhiều thời giờ cho con, trò chuyện cùng con.
Chúng ta hay nghĩ rằng, việc thiếu kỹ năng về quản lý tiền bạc cũng khiến cho đứa trẻ khi lớn lên trở thành nạn nhân của tình trạng phá sản, thất nghiệp, vô gia cư… Nhưng gốc rễ của vấn nạn này lại đến từ sự thiếu sót về nhân cách trong mỗi cá nhân. Những vụ phạm tội của thanh thiếu niên đang gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh cho những người làm cha, làm mẹ như chúng ta.
Trong quá trình dạy dỗ con cái, nhất định phải dạy con thành người rồi mới thành tài, nếu không, có trong tay bao nhiêu tiền bạc thì con bạn cũng sẽ tiêu xài phung phí, thậm chí có thể dùng tiền cho các tệ nạn hay nguy hiểm cho xã hội. Vì vậy, trong dạy con, các bậc cha mẹ nhất định phải nhớ rằng “Thành người trước rồi mới thành tài”. Một khi đã “thành người”, con bạn sẽ biết cách kiến tiền và dùng tiền để có được thành công và hạnh phúc.
* Xin cảm ơn ông.
Xuân Lộc (thực hiện)