Dạy con quản lý tài chính từ tuổi lên ba

20/05/2013 - 16:24

PNO - PN - Bà Neale S.Godfrey (SN 1951) nổi danh với 26 đầu sách thuộc lĩnh vực dạy trẻ về tài chính ở Mỹ - vừa có cuộc gặp gỡ với độc giả Việt Nam nhân dịp phát hành cuốn Tiền không mọc trên cây (DTBooks và NXB Thời Đại). Theo bà Neale...

* Phóng viên: Ba - năm tuổi liệu có quá sớm để làm quen với “thế giới tài chính - ngân hàng”, thưa bà?

Bà Neale S.Godfrey: Đây là giai đoạn tốt nhất để tiếp thu vì trẻ bắt đầu tò mò, muốn hiểu biết thế giới chung quanh. Cùng với đọc, viết hay những bài học khác như không được tiếp xúc người lạ, sờ ổ điện, vật nóng… thì trẻ cũng nên học về tài chính thông qua những điều đơn giản nhất. Vào một cửa hàng, đứa trẻ nhất định sẽ đòi mua dăm ba món đồ, đây là cơ hội để cha mẹ đặt ra câu hỏi: “Con có mua được không?”, và trẻ có thể khẳng định rằng con sẽ mua được nó bằng chính tiền của mình.

Day con quan ly tai chinh tu tuoi len ba

Bà Neale S.Godfrey

* Tiền ấy có được từ đâu?

- Muốn chi tiêu thì nhất định con phải lao động để có tiền. Đây là bài học về giá trị sức lao động. Khi con muốn xin một đôi giày, bạn phải nhắc đến những công việc con phải hoàn thành. Tùy vào độ tuổi, nhu cầu mà chúng ta giao việc cũng như “trả công” bằng tiền tiêu vặt. Tuy nhiên, luôn có hai loại việc, thứ nhất là công việc không được trả tiền, nó mang tính bắt buộc, đòi hỏi bất cứ thành viên nào cũng phải tham gia, để trở thành một “công dân” tốt của gia đình, đơn cử như vệ sinh cá nhân, dọn dẹp đồ chơi sau khi chơi, ngủ đúng giờ… Loại thứ hai là công việc được trả tiền, như lau cửa sổ, dọn bàn ăn… Điều quan trọng, khi giao việc, cần yêu cầu con hoàn tất trong một thời gian nhất định để tránh ảnh hưởng việc học.

* Cha mẹ sẽ dạy con cách sử dụng và quản lý “tài sản” như thế nào để tích lũy và chi tiêu hợp lý?

- Lập cho con một ngân quỹ và hướng dẫn con sử dụng, quản lý theo chế độ: 10% cho hoạt động từ thiện (giúp đỡ bạn bè, người có hoàn cảnh khó khăn), 90% còn lại chia đều thành ba phần: tiền cơ động (tùy con chi tiêu tức thời vào điều yêu thích), tiết kiệm trung hạn (dành mua sắm đồ chơi, áo quần, sách vở, giày dép) và tiết kiệm dài hạn (học phí khi con vào đại học hay những mục tiêu mang tính dài hơi). Cha mẹ có thể cất giữ các ngân khoản này trong các “ống heo” dưới sự “giám sát” của con.

* Nhiều phụ huynh nghĩ rằng nên giữ cho con một tâm hồn trong trẻo, hồn nhiên, vô tư bằng cách tránh xa tiền bạc càng lâu càng tốt, bà nghĩ sao về quan niệm này?

- Thế hệ của chúng tôi không được giảng dạy về tài chính từ sớm, thậm chí, phụ nữ thì không nên nói đến chuyện tiền bạc. Kết quả là chúng tôi, rất nhiều những công dân Mỹ mắc phải những khoản nợ lớn về tín dụng, thế chấp. Một điều nữa, cuộc sống trước đây vốn đơn giản, giai đoạn tuổi thơ của chúng tôi nhìn quanh chỉ là một ít bánh kẹo, quần áo, đồ chơi. Bây giờ, thế giới đã “phẳng” và phát triển nhanh chóng, trẻ con có điều kiện, nhiều phương tiện để tiếp xúc với hàng vạn sản phẩm nên nhu cầu, ham muốn sở hữu ngày càng nảy sinh. Nếu cứ để con ngồi đó và nói “con muốn cái này”, rồi cha mẹ đáp ứng, cho con tiền mà không bắt con làm tức sẽ làm hư con.

* Liệu việc giáo dục con về khả năng tài chính từ rất sớm có thể khiến đứa trẻ sớm hình thành sự tính toán, thực dụng trong tính cách?

- Tiền có được từ mồ hôi, sức lao động sẽ giúp trẻ hiểu đó là đồng tiền chân chính. Nhiệm vụ của cha mẹ là giải thích tiền vận hành như thế nào cũng như trình bày mong muốn của mình đối với cách con “ứng xử” với đồng tiền ra sao. Những kiến thức tài chính nói trên nên được đặt trong bối cảnh kết hợp với các hệ giá trị khác đi kèm, chẳng hạn tính khiêm tốn, biết chia sẻ, giúp đỡ người chung quanh.

* Thưởng tiền, treo giải thưởng hoặc đáp ứng mong muốn của con nếu đặt ra yêu cầu phải học giỏi, điểm cao, ngoan hiền… được rất nhiều phụ huynh áp dụng có được xem là cách giáo dục trẻ về tài chính?

- Tôi không khuyến khích cách dạy này. Tiền chỉ nên trả cho công việc hoàn thành tốt chứ không cho hành vi tốt.

* Cảm ơn bà!

TUYẾT DÂN 
(thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI