Dạy con phòng tránh nguy cơ xâm hại

17/03/2017 - 11:43

PNO - Gần đây truyền thông đăng tải liên tiếp các trường hợp trẻ em bị xâm hại khiến dư luận xã hội bức xúc, khiến các cha mẹ rất lo lắng.

Nhưng sự lo lắng dễ làm chúng ta bất an, từ đó có thể lây tâm trạng tiêu cực lên con cái. Các cháu sẽ hoang mang, hoài nghi, mất niềm tin vào mọi người xung quanh. Thay vì lo, chúng ta hãy cùng nhau hành động, cùng chung tay bảo vệ trẻ em trong đó có con chúng ta. 

Day con phong tranh nguy co xam hai
 


Các cháu còn rất nhỏ. Khả năng tự vệ chống lại kẻ xấu rất khó. Vì vậy, quan trọng nhất là phòng hơn chống. Trẻ được cha mẹ quan tâm chu đáo sẽ giảm thiểu được rất nhiều rủi ro. 

Xin chia sẻ cùng các bậc cha mẹ cách giúp con phòng tránh nguy cơ xâm hại:

Dành thời gian giáo dục giới tính và kỹ năng phòng vệ cho con càng sớm càng tốt. Không ai dạy con cách sống, cách bảo vệ chính mình tốt hơn cha mẹ. Cha mẹ không thể ở bên con 24/24 giờ nên trẻ cần được dạy dỗ biết tự bảo vệ bản thân. Kỹ năng phòng vệ là kỹ năng sống còn.

Hãy bắt đầu từ việc dạy trẻ hiểu biết về cơ thể của trẻ, cách chăm sóc và bảo vệ cơ thể, sau đó dạy trẻ tôn trọng giá trị bản thân, cách giao tiếp với người khác để được hạnh phúc và an toàn… Cơ thể của con là bất khả xâm phạm. Bất cứ ai đụng vào vùng đồ lót của con con cần kiên quyết nói KHÔNG, tránh xa, chạy khỏi kẻ đó và nói lại cho cha mẹ, thầy cô biết. Con cần được dạy các quy tắc an toàn căn bản như không nhận quà của bất cứ người nào nếu bố mẹ chưa đồng ý, không đi nơi đường vắng, không đi theo bất kỳ ai nếu chưa xin phép cha mẹ…

Cha mẹ có thể tham khảo thêm cuốn sách Kỹ năng phòng vệ dành cho học sinh (NXB Trẻ), trong đó có hướng dẫn chi tiết năm kỹ năng: kỹ năng phòng chống xâm hại, phòng chống bắt cóc, phòng chống đi lại, phòng chống bắt nạt, phòng chống trộm cắp lừa gạt. Mỗi ngày cha mẹ đọc và trò chuyện cùng con vài trang sách sẽ giúp trẻ mưa dầm thấm lâu, giúp trẻ hiểu các nguy cơ và biết cách phòng tránh.

Cha mẹ chú ý các mối quan hệ xung quanh con, trong nhà, ngoài nhà, hàng xóm, bạn bè cha mẹ và quan hệ ở trường lớp. Cha mẹ cần tạo cho con một môi trường sống an toàn, tin cậy. Chọn nơi tin cậy để gửi con, chọn khu vực chơi an toàn cho trẻ, chọn người trông coi trẻ tử tế… muốn vậy cha mẹ cần quan sát và giám sát liên tục.

Nhiều trường hợp xâm hại do cha mẹ giao trứng cho ác, vô tình làm hại con như gửi con đến nhà cô giáo học thêm bị người nhà cô giáo xâm hại, gửi con cho hàng xóm yêu râu xanh mà không biết… Theo UNFPA, có 93% kẻ xâm hại trẻ là người quen. Yêu râu xanh có thể là bất cứ ai, cha mẹ càng cẩn thận, càng dành nhiều thời gian cho con càng tốt.

Cha mẹ cần cho con tham gia các hoạt động thể thao, võ thuật để con rèn luyện thể lực và được dạy các tư thế phòng vệ khi bị tấn công. Khuyến khích con tham gia các hoạt động tập thể, vui chơi cùng bạn bè để con học sống hòa đồng, học kỹ năng sống, vừa tạo niềm vui cho con vừa để con được bảo vệ khi luôn cùng trong một nhóm chứ không ở một mình. Để làm tốt điều này, cha mẹ cần phối hợp với nhà trường, thầy cô, hội phụ huynh để cùng nhau tổ chức nhiều hoạt động bổ ích cho trẻ. 

Thông thường, cha mẹ chú ý bảo vệ con gái nhiều hơn, sợ con yếu đuối dễ bị những kẻ xấu hãm hại. Kỳ thật, bé trai cũng cần phải học cách bảo vệ mình. Tất cả những yếu tố không an toàn với trẻ gái đều nguy cơ tương tự với bé trai. Vì vậy, trẻ trai cũng cần học cách bộc lộ, chia sẻ cảm xúc, kể với cha mẹ việc gì đã xảy ra. Khi học cách tôn trọng bản thân mình, trẻ trai cũng đồng thời biết cách tôn trọng người khác, để tránh những hành vi đáng tiếc có thể xảy ra. 

Chỉ cần cha mẹ dành thời gian trò chuyện, chơi vui cùng con mỗi ngày, chúng ta sẽ ngăn ngừa các rủi ro có thể đến với trẻ. Một em bé được yêu thương, được quan tâm, được chăm sóc chu đáo sẽ lớn lên khỏe mạnh, hạnh phúc, an toàn! Một tổ ấm yêu thương là điều cha mẹ có thể làm cho con tốt nhất, tạo sức mạnh để con vượt qua mọi khó khăn thử thách của cuộc sống bây giờ và suốt đời. 

 Chuyên viên tham vấn tâm lý

Phạm Thị Thúy

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI