Dạy con phòng tránh bị xâm hại tình dục

10/12/2015 - 07:50

PNO - Theo thống kê của Bộ Công an, từ ngày 1/1/2014 đến ngày 30/5/2015, cả nước có 603 vụ trẻ em bị xâm hại tình dục...

Nhân đọc bài Bạn không đơn độc trên báo Phụ Nữ ngày 7/12 tôi cho rằng, những vụ việc trẻ em nam, nữ bị xâm hại tình dục liên tục gần đây khiến phụ huynh lo âu. Thế nhưng giải pháp phòng ngừa thì chắc nhiều phụ huynh còn lúng túng.

Theo thống kê của Bộ Công an, từ ngày 1/1/2014 đến ngày 30/5/2015, cả nước có 603 vụ trẻ em bị xâm hại tình dục, trong đó bốn nạn nhân bị hiếp rồi bị giết, 178 nạn nhân bị hiếp dâm và 421 nạn nhân bị giao cấu, dâm ô.

Day con phong tranh bi xam hai tinh duc
Ảnh mang tính minh họa

Thống kê trên thế giới, trung bình có một trong số sáu bé trai, một trong số sáu bé gái bị xâm hại tình dục trước 18 tuổi. Cả gia đình và nhà trường cần quan tâm đến việc dạy trẻ kỹ năng tự vệ để phòng tránh việc bị xâm hại tình dục, trong đó trách nhiệm chính thuộc về cha mẹ.

Điều đau lòng là nhiều phụ huynh còn coi nhẹ việc này, đến khi con bị xâm hại tình dục nhiều lần, tổn thương vùng kín, sang chấn tâm lý, mang thai, tự tử… mới phát hiện. Hậu quả đối với trẻ rất nặng nề, không chỉ đau đớn về thể chất, mà còn mang nỗi ám ảnh, sợ hãi, tự ti đến khi lớn; thậm chí khi lập gia đình, sang chấn trở lại khiến đời sống hôn nhân không thể hạnh phúc.

Thống kê về tội phạm tình dục cho thấy chỉ 10% thủ phạm là người lạ, còn phần lớn là người thân quen với trẻ. Do đó, phụ huynh không thể chủ quan. Tuy nhiên, do hoàn cảnh, nhiều người phải nhờ người thân quen trông coi.

Vì vậy, hãy dạy con càng sớm càng tốt cách tự bảo vệ bản thân để tránh bị xâm hại dưới bất cứ hình thức nào, dù chỉ là chụp hình vùng kín, chạm tay, đùa giỡn, cợt nhả về bộ phận sinh dục.

1. Tùy khả năng nhận thức của từng trẻ, nhưng thông thường, từ khi lên ba tuổi, ngoài việc dạy trẻ gọi tên chính xác các bộ phận trên cơ thể, bao gồm cả bộ phận sinh dục (không nên dùng từ ám chỉ, mập mờ như “cái ấy”, “cái đó”, “phần dưới”), phụ huynh cần nhấn mạnh: cơ thể của con không ai được phép đụng vào khi không có sự cho phép của con.

Nếu ai cố tình đụng chạm khiến con không thích, con có thể tỏ thái độ. Dạy con qua các câu hỏi đơn giản như: nếu ai muốn hôn con, con không thích, con làm sao? Đẩy tay ra, nói: con không thích; nếu ai muốn nắm tay con, con không thích, con làm sao?

Đẩy tay ra, nói: con không thích; nếu con không thích, họ vẫn hôn con, con làm sao? Hét thật to: tránh ra! Điều này có thể khiến một số người lớn phật ý nhưng thói quen tùy tiện đụng chạm, hôn hít trẻ mà không chú ý chuyện vệ sinh, bệnh lây nhiễm cần phải thay đổi. Ví dụ phụ huynh muốn bảo vệ con thì đừng e ngại chuyện dạy con tỏ thái độ dứt khoát với các hành vi không lịch sự này.

2. Dạy con không để người khác tùy tiện đụng chạm đến thân thể mình thì cũng dạy con không tùy tiện đụng chạm người khác nếu họ không cho phép. Ví dụ phụ huynh hãy chỉ cho con: nếu muốn nắm tay bạn thì phải hỏi bạn có đồng ý không.

3. Cho trẻ mặc quần lót và chỉ vào khu vực quần lót, nói rõ ràng: phần phía trong quần lót là riêng tư, chỉ có cha mẹ và bảo mẫu riêng được thấy. Người lạ thì chỉ có bác sĩ, với điều kiện cha mẹ cũng ở đó và họ đang khám bệnh cho con. Phần phía trong quần lót, thích hay không thích, con cũng không được để ai trừ ba mẹ, bảo mẫu, bác sĩ chạm vào. Ngược lại, con cũng không chạm vào hoặc nhìn vào phần này của người khác.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI