5 năm trước, tôi trải qua mùa đông đầu tiên xa quê hương. Tôi vẫn còn nhớ rõ cái cảm giác lạnh lẽo thấu xương, bầu trời lúc nào cũng xám xịt, hàng quán đóng cửa từ 4 giờ chiều. Đó thật sự là những tháng khó khăn và buồn tẻ. Để giúp tôi thấy khá hơn, những người bản xứ sống gần chúng tôi thường nói: “Làm gì có thời tiết xấu, chỉ có quần áo không đủ ấm mà thôi”.
Vậy là chúng tôi lại mặc thật ấm và ra phố đi dạo, bất kể nhiệt độ xuống âm.
Sức mạnh của lời nói nhẹ nhàng
Con trai tôi 3 tuổi - độ tuổi bắt đầu có những suy nghĩ riêng, ý kiến riêng, yêu ghét mạnh mẽ, hay phản kháng nếu không được như ý… Mọi người thường gọi đó là độ tuổi ẩm ương khó bảo, nhất là khi bé lên cơn giận dỗi, quấy khóc. Tất nhiên, vợ chồng tôi cũng nhiều phen cảm thấy bất lực.
Tôi vốn là một “bà mẹ hổ châu Á”, mỗi lần con như vậy thì ý nghĩ đầu tiên trong đầu tôi thường là: “Con mình hư quá, lì quá”. Rồi từ suy nghĩ đó hình thành lời nói qua cửa miệng, tôi quát con: “Con hư thì mẹ sẽ không thương nữa”. Rõ ràng lời nói trong lúc nóng giận của tôi có thể giúp tôi xả bớt cảm xúc tiêu cực lúc đó, nhưng đồng thời tôi cũng truyền năng lượng tiêu cực đó sang con mình.
|
Từ khi có em gái, con trai tôi chưa bao giờ tỏ ra ghen tị hay ghét em, vì vợ chồng tôi luôn chuẩn bị cho con hướng suy nghĩ tích cực, rằng có thể ba mẹ sẽ bận rộn hơn với em bé, nhưng em bé sẽ là người bạn thân của con sau này - Ảnh do nhân vật cung cấp |
Tôi vẫn nhớ cảnh con trai đang khóc lóc, mè nheo thì đột nhiên dừng lại, như đang xử lý thông tin mới: “Mẹ không thương mình nữa”, rồi sau đó bé nhận ra và khóc to hơn, thảm thiết hơn.
Chồng tôi luôn ứng xử khác khi gặp tình huống như vậy. Ngoài việc anh luôn kiên nhẫn với con hơn tôi, để tránh nóng giận mất khôn, anh thường dùng lời nói để xoay chuyển tình thế. Chẳng hạn, khi con trai cứ mải chơi, trì hoãn không chịu mặc quần áo đi học buổi sáng; thay vì mắng hay dọa nạt con, chồng tôi thường nói: “Đến giờ ba phải đi làm rồi. Con có muốn quá giang xe của ba không?”. “Có. Nhưng con muốn chơi thêm chút nữa” - con đáp. “Vậy chơi thêm 5 phút nữa rồi mình đi nhé”. “Nhưng 5 phút ít lắm, con muốn chơi thêm lâu hơn”. “Nhưng nếu con chơi lâu hơn ở nhà thì bạn Issac và Adam sẽ chờ con ở lớp. Chẳng phải 3 đứa tụi con chơi với nhau rất vui sao?”. “Đúng rồi, con muốn chơi trốn tìm với Issac và Adam”. “Vậy thì mình đi thôi”.
Thế là con trai tôi nhanh nhẹn tự mặc quần áo, mang giày, hôn tạm biệt mẹ rồi theo ba ra xe đi học. Không có mắng mỏ, không có nước mắt. Thay vì làm cho con thấy mình có lỗi khi trễ giờ đến lớp, chồng tôi lại gợi cho con trai suy nghĩ về niềm vui với bạn bè khi đến lớp. Tôi nhận thấy đó chính là sức mạnh của lời nói nhẹ nhàng và tích cực, giúp xoay chuyển một tình huống khó khăn.
Tập trung vào mặt tốt của vấn đề
Con trai tôi có khá nhiều nỗi sợ - từ việc sợ bóng tối, sợ những trò chơi thử thách mới, hay xem phim hoạt hình mà nhân vật chính bị đối xử không tốt bé cũng sợ và đưa tay che mắt… Tôi tặc lưỡi nói với chồng: “Con trai gì mà nhút nhát quá, cái gì nó cũng sợ”. Chồng tôi, vẫn như mọi lần, lại khiến tôi suy nghĩ với cách anh nhìn vấn đề.
Anh bảo: “Nỗi sợ không có gì là quá tệ cả. Nó là biểu hiện của một con người nhạy cảm, cẩn trọng và biết quan sát”. Quả thật, khi tôi dùng suy nghĩ tích cực này của chồng để nhìn lại vấn đề, tôi nhận ra con trai mình đúng là một cậu bé nhạy cảm và cẩn trọng. Bé thường sẽ dành thời gian quan sát những sự việc mới xảy ra, người bạn mới quen… rồi bé “xử lý thông tin” về sự việc hay con người đó, sau cùng mới đưa ra quyết định hành động. Vợ chồng tôi cho rằng, đó cũng là một kỹ năng cần thiết cho con khi trưởng thành, nhất là trong thời buổi bùng nổ thông tin từ mọi nguồn, thật giả lẫn lộn.
Như vậy, khi ta đổi cách nhìn nhận một vấn đề, dường như nó không còn là “vấn đề” nữa. Trong hành trình lớn lên, một đứa trẻ chắc chắn sẽ có những lúc không vâng lời, lì lợm, tăng động, không kiểm soát được cảm xúc và hành động, làm trái ý người lớn… Nhưng vợ chồng tôi vẫn luôn nhắc nhau rằng, đó không phải là tính cách cố định của con mà chỉ là “khoảnh khắc tâm lý bị tác động” bởi sự giận dữ, sự thất vọng, sự quá tải, sự thay đổi môi trường…
Điều quan trọng là cách người lớn tái định hình vấn đề, lựa chọn ngôn từ nhẹ nhàng mang tính cổ vũ, hướng suy nghĩ của cả ba mẹ lẫn con cái vào sự tích cực, nhưng phải thực tế.
Hoàng Oanh