Dạy con nghe lời từ việc nói chuyện với bé

23/08/2016 - 06:03

PNO - Nhiều bậc cha mẹ luôn than phiền về việc làm thế nào để con trẻ nghe lời mà không biết rằng chính cách nói chuyện giữa bố mẹ và bé cũng vô cùng quan trọng trong chuyện nuôi dạy trẻ.

Dưới đây là một số cách bố mẹ có thể áp dụng trong cách nói chuyện với con:

1. Nên ngồi xuống nói chuyện với bé

Khi nói chuyện với con, bạn nên ngồi xổm để tầm mắt của mình ngang với tầm mắt của bé. Hành động đó sẽ giúp bé cảm nhận được dấu hiệu bố mẹ tôn trọng mình và mình cũng cần phải lắng nghe điều bố mẹ sắp nói. Bạn nên nhìn thẳng vào mắt con, đặt tay lên má hoặc nhẹ nhàng cầm tay bé rồi chậm rãi nói chuyện với con.

2. Hãy nói một cách cụ thể nhất

Thay vì “dông dài” với các yêu cầu, bạn chỉ nên yêu cầu con làm một việc một lúc. Nói quá nhiều là sai lầm phổ biến của cha mẹ khi đối thoại với con về một chuyện. Đa số các bé sẽ “giả điếc” khi phải nghe quá nhiều yêu cầu một lúc của bố mẹ.

Hãy luôn nhớ rằng hệ thống từ vựng của trẻ nhỏ không thể bằng bạn được. Chính vì thế khi bạn muốn diễn đạt điều gì thì cần diễn đạt một cách rõ ràng, dễ hiểu bằng các từ ngữ càng đơn giản càng tốt. Bạn hãy nghe cách các bé trò chuyện với nhau và tìm hiểu ngôn ngữ của bé.

3. Hãy chắc chắn con đã hiểu những điều bạn nói

Bằng cách yêu cầu bé nhắc lại những điều bé vừa nghe. Từ đó bạn có thể chắc chắn trẻ đã nghe và hiểu rõ những yêu cầu mà bạn đã nói với trẻ.

Day con nghe loi tu viec noi chuyen voi be
Hãy cho bé thấy bé được tôn trọng như nói chuyện với bố mẹ.

4. Hãy lặp đi lặp lại yêu cầu nhiều lần một cách đồng nhất

Ở trường học, các cô giáo thường dạy bé học thuộc một bài hát bằng cách hát từng câu một và lặp lại nhiều lần. Đó là cách để bé ghi nhớ. Mặc dù nếu thấy bé có thể ghi nhớ tốt những điều mẹ dặn, bạn vẫn cần nhắc nhở bé.

5. Hãy cho trẻ sự lựa chọn

Thay vì nói rằng “đừng để đồ chơi lên ghế”, “đi rửa tay ngay” thì bạn nên cho con sự lựa chọn “con có muốn cất đồ chơi vào chỗ hôm trước mẹ con mình cất không?”, “con rửa tay sạch rồi mẹ con mình cùng nấu cơm nhé?”.  Hoặc “con thích thay quần áo trước hay là đánh răng trước?”. Được hỏi nhe vậy sẽ giúp bé thích làm theo yêu cầu của cha mẹ mà ít chống đối hơn.

6. Dùng từ "Khi nào... thì…" thay vì “Nếu…không…”

Thay vì nói “Nếu con không đánh răng mẹ sẽ không đọc truyện cổ tích cho con nghe”, bạn nên nói "Khi nào con đánh răng xong thì mẹ sẽ đọc truyện cổ tích cho con". Từ "khi nào" ngụ ý đó là công việc bé cần hoàn thành và mang nghĩa tích cực hơn so với khi dùng từ "nếu".

Khánh Linh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI