Dạy con 'kỹ năng một mình'

28/08/2017 - 14:01

PNO - Ngày hè, ngày giáp tết, ngày thứ bảy, đồng nghiệp công ty tôi thường hay đưa con đi làm theo mẹ. Điệp khúc của bọn chúng là: “Con thấy chán quá, cuộc sống này chẳng có gì vui cả”.

Đấy là những đứa trẻ chỉ vui khi có điện thoại, máy tính. Khi vừa bị cha mẹ “tịch thu” những thứ đó, chúng lập tức ỉu xìu, cũng chẳng buồn kết giao, chơi đùa với nhau như cha mẹ kỳ vọng.

Tôi thường được nhờ dắt bọn trẻ đi quanh khuôn viên cơ quan, chỉ trỏ hoa lá cành. Vì các bé đều ngoan, nên chúng vẫn dạ vâng khi tôi hỏi han, nhưng rõ ràng chúng không vui. “Con muốn gì nhất bây giờ?”, tôi hỏi nhiều đứa câu này, chúng hiếm khi trả lời được.

Day con 'ky nang mot minh'
 

Hôm qua, tôi đi thăm một sản phụ vừa đơn thân sinh con. Nhà chị quạnh quẽ, chỉ có cậu con trai lớp 6 hỗ trợ mẹ mọi việc. Năm giờ sáng, thằng bé dậy nấu cơm, tự ăn sáng rồi dọn sẵn đồ ăn cho mẹ. Sáu giờ đạp xe đi học, trưa đạp xe về. Đường đi khoảng 3km, nhiều hôm cháu phải dừng ngang siêu thị để mua thức ăn. Trước khi đi ngủ, con giúp mẹ pha sữa cho em, để sẵn trong bình ủ.

Chị Ngọc, mẹ cháu kể, hôm chị vỡ ối, cậu bé chính là người dọn nệm, chăn chiếu, sàn nhà, sau đó giặt sạch. Mẹ sinh em hai ngày đêm ở bệnh viện, con ở nhà vẫn ngủ, đi học và sinh hoạt bình thường. Thấy cu cậu cứ một mình làm mọi việc, một mình chơi, tôi hỏi: “Mẹ có em bé, không nhiều thời gian nói chuyện với con nữa, con buồn không?”. Bé đáp: ”Dạ không cô, con thấy vẫn như mọi khi mà. Bình thường mẹ cũng đi làm suốt. Giờ mẹ có em thì mẹ phải chăm em thôi”.

Chị Ngọc nghe tôi khen cu cậu thì cười: “Mình dạy nó từ nhỏ phải độc lập, tự biết lo cho bản thân, nếu có điều kiện tốt thì lo cho  người khác. Nó quen như vậy rồi, lớp 3 đã tự đạp xe đi học, tự đi chơi cầu lông bên câu lạc bộ thể thao. Đi đâu về trước mẹ thì tự nấu ăn. Quan trọng nhất, mình dạy nó biết tự chơi, tự tạo niềm vui, không phụ thuộc vào xung quanh”. 

Ngày nhỏ, tôi không được cha mẹ dạy phải biết tự vui, tự ổn; nên tôi vui buồn hay tuyệt vọng thường phụ thuộc vào con người, vào hoàn cảnh, vào những thứ bên ngoài khác. Đi làm thì tôi hay nhìn mặt sếp mà vui hay buồn, nhiều khi stress, tôi muốn tung hê tất cả. Khi yêu, tôi cứ phải lo nhìn mặt người yêu mà vui hay buồn, nếu một hai ngày anh ấy không đưa đón hay nhắn tin, tôi lại lồng lên cái cảm giác mình không tồn tại.  

Sau vài lần thất bại trong tình yêu, trong công việc, tôi bắt đầu tập một mình đi lại, một mình ăn uống, một mình ngẫm nghĩ, nghỉ ngơi... Đã hơn 30 tuổi, tôi không hề lo lắng chuyện ế chồng. Tôi trở nên thích đi mua sắm một mình, du lịch một mình... Tôi đặc biệt thích vào quán cà phê ngồi một mình và làm điều ấy mỗi ngày.

Những lúc ấy, tôi tận hưởng sự tự do tuyệt đối của mình. Nếu có chuyện sầu não, thất vọng, khó khăn, chúng cũng dần dần bị đẩy xuống hàng thứ yếu.

Cái “sự một mình” ấy, không mấy ai có năng khiếu. Như với tôi, nó được rút ra từ trải nghiệm, vấp ngã. Nhưng tôi đã ước gì tôi có chúng sớm hơn. Với cậu con chị Ngọc, rõ ràng chị đã rèn luyện kỹ năng này từ nhỏ. 

Không dễ để lúc nào cũng đầy ắp cảm xúc tích cực. Nhưng nếu không thể thay đổi được hoàn cảnh, thì cách tốt nhất là dạy con đi qua nó bằng một tinh thần chủ động. Nếu con tự làm được mọi việc của mình thì một mình đi qua nỗi buồn sẽ không quá khó khăn. 

Khánh Linh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI