Dạy con kỹ năng kiềm chế bản thân

22/04/2018 - 14:00

PNO - Không ít bậc cha mẹ gặp phải những tình huống khó xử vì đứa con có khả năng kiểm soát kém, thậm chí làm phiền lòng người lớn vì chứng thích “ngay và luôn”.

Không ít bậc cha mẹ gặp phải những tình huống khó xử vì đứa con có khả năng kiểm soát kém, thậm chí làm phiền lòng người lớn vì chứng thích “ngay và luôn”. 

Day con ky nang kiem che ban than
Ảnh minh họa

Bệnh của trẻ được nuông chiều

Ở khá nhiều gia đình hiện nay, mọi mong muốn, đòi hỏi của trẻ hầu như được đáp ứng lập tức. Kể cả khi trẻ chưa nói ra, gia đình đã “cung phụng” đầy đủ cho trẻ. Một đứa trẻ sống trong môi trường như thế, thiếu khả năng kiểm soát bản thân là điều khó tránh khỏi. 

Chị Hoài (TP.Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) luôn cố gắng để dạy con trai 8 tuổi kỹ năng kiểm soát bản thân, bởi mỗi lần thích cái gì là cu cậu lăn ra sàn đòi bằng được, không cần quan tâm mọi người xung quanh phản ứng thế nào. Có lần cả gia đình chị Hoài sang dự tiệc sinh nhật của con trai chị bạn đồng nghiệp.

Khi thấy bạn nhỏ mở quà là một chiếc máy bay điều khiển từ xa, con chị Hoài thích quá xông vào giật luôn và giữ khư khư bên mình, dỗ dành nhỏ nhẹ đến quát nạt mà cu cậu cũng không chịu trả. Xấu hổ quá, chồng chị Hoài phải chạy ra tiệm mua một chiếc tương tự, lúc đó cả nhà mới được về trong yên ổn. 

Day con ky nang kiem che ban than
Ảnh minh họa

Trẻ kiểm soát bản thân kém còn xuất phát từ hành động làm thay con của cha mẹ. Cứ thấy con gặp một chút khó khăn đã làm thay khiến con ỷ lại, phụ thuộc. Ngược lại, có bậc cha mẹ quá bận rộn với công việc không có thời gian để tâm sự, vui đùa với con khiến trẻ quyết “phá phách” để tạo sự quan tâm, chú ý từ phía cha mẹ.

Trong cuộc sống, ai cũng biết một người không có khả năng tự kiểm soát bản thân thì rất khó khống chế tình cảm và hành vi của mình. Với trẻ em, khả năng tự kiểm soát còn hạn chế hơn, đòi hỏi phải được rèn luyện mỗi ngày. 

Dạy càng sớm càng tốt

Thói quen không biết kiểm soát bản thân là kết quả của một thời gian dài không nhắc nhở, uốn nắn. Để sửa cho con khỏi tật xấu này cần có quá trình, cần sự kiên trì, chịu khó của cả trẻ và cha mẹ.

Đưa ra những mục tiêu cụ thể: dạy trẻ những lời nói, những việc làm cụ thể, bởi vì trẻ nhận biết còn mang cảm tính, rất dễ chịu với những tác động gần gũi, tương đối cụ thể và rõ ràng, khó tiếp thu những điều lý thuyết, mơ hồ.

Để giúp trẻ có khả năng kiểm soát bản thân trước những hấp dẫn trước mắt, cha mẹ phải cùng trẻ đặt ra mục tiêu biết kiểm soát trong ứng xử và hành động của trẻ hết sức cụ thể, chi tiết. Khi trẻ đạt mục tiêu đặt ra, hãy kịp thời động viên, khích lệ trẻ.

Kiên nhẫn: cha mẹ hãy hình thành cho trẻ thói quen khi làm việc phải hết sức kiên trì tập trung. Hãy cho trẻ một phần thưởng nhỏ sau khi trẻ bộc lộ khả năng kiểm soát mình trong một số tình huống cụ thể. Chẳng hạn, trẻ thấy bạn có đồ chơi đẹp, nhưng không mè nheo đòi cho bằng được; hoặc khi bị một đứa bạn nào đó khiêu khích nhưng vẫn bình tĩnh, không bị kích động… Hình thành hứng thú của trẻ vì có hứng thú làm việc nào đó thì trẻ mới kiên trì và kiểm soát bản thân theo đuổi bằng được.

Day con ky nang kiem che ban than
Ảnh minh họa

Cho trẻ thấy giá trị của kiểm soát bản thân: cho trẻ trải nghiệm để cảm nhận được giá trị của hành vi biết kiểm soát bản thân từ cha mẹ, hoặc bất cứ ai. Quan tâm, dành thời gian nói chuyện với trẻ, điều đó sẽ khiến trẻ cảm nhận được rằng, bạn rất yêu thương chúng, từ đó làm cho trẻ có tính tích cực khi rèn kỹ năng kiểm soát. Nếu trẻ đang tức giận ai đó, bạn hãy khuyên trẻ bình tĩnh, đặt mình vào vị trí của người đó để suy nghĩ. 

Khi biết kiểm soát tốt sẽ giúp trẻ làm chủ được những nỗi bức xúc do ức chế, những hành vi không cần thiết hoặc có hại trong từng trường hợp cụ thể. Đồng thời, có được khả năng kiểm soát tốt con người sẽ có tính độc lập cao, có chính kiến, ít có những hành vi trái chuẩn mực. Quá trình hình thành kỹ năng kiểm soát bản thân, không phải là việc riêng của trẻ, mà cha mẹ cần giáo dục nghiêm túc ngay khi trẻ còn nhỏ. 

 
(Giảng viên tâm lý học - Trường đại học Nguyễn Huệ)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI