Ai cũng bức xúc khi đi vui chơi nơi công cộng, thậm chí đi thăm viếng chùa chiền nơi nào cũng có rất nhiều rác. Hẳn các bậc cha mẹ không bao giờ mong muốn môi trường mà con mình lớn lên lại ngập trong rác.
|
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet |
Vì ai cũng biết rác không chỉ bẩn cảnh quan môi trường sống mà còn sinh bệnh do ô nhiễm môi trường không khí, không những thế rác có thể gián tiếp gây ra cháy, nổ, tai nạn cho con người. Ví dụ 1 mẩu thuốc dập chưa hết trước khi vứt vào đống rác có thể gây hỏa hoạn. Một mảnh thủy tinh vỡ trong rác có thể làm đứt chân các em nhỏ chơi hiếu động dẫm vào … Tác hại vô cùng lớn, cả trước mắt và lâu dài, và khó có thể kể hết. Vậy làm sao ngăn chặn được nạn xả rác bừa bãi?
Có rất nhiều giải pháp đã được đem ra bàn luận. Nhà nước đã có Nghị định 155/2016 QĐ/CP quy định mức phạt rất cao cho hành vi xả rác, gấp 10 lần mức phạt trước đây, mức tối đa lên tới 7 triệu đồng. Mức phạt nặng nhưng thực thi được không dễ vì quá nhiều người xả rác ở mọi lúc mọi nơi. Cơ quan chức năng không thể theo dõi, giám sát và xử phạt hết được.
Theo tôi giải pháp căn cơ nhất là tuyên truyền và giáo dục, đặc biệt giáo dục trẻ em. Trẻ em như tờ giấy trắng, nếu chúng ta hướng dẫn nhận thức đúng về tác hại của rác thải, rèn luyện thói quen bỏ rác đúng nơi quy định, phân loại rác thải để tái sử dụng… thì các em sẽ có hành vi đúng đắn trong hành trình sống của mình.
Cha mẹ nên làm gì để rèn ý thức và thói quen không xả rác mà bỏ rác đúng nơi quy định cho trẻ?
Thứ nhất, chính cha mẹ cần “miệng nói tay làm” mọi lúc mọi nơi những gì ta muốn trẻ biết và trẻ làm. Trẻ cần biết về tác hại của rác, cái xấu của hành vi xả rác bừa bãi và cách giữ gìn vệ sinh chung cho mình và mọi người được hưởng không khí trong lành, môi trường sạch sẽ.
Không biện pháp giáo dục trẻ nào tốt hơn tấm gương của cha mẹ? Có câu “Sinh con rồi mới sinh cha…”. Chúng ta có con ta cần học kỹ năng làm cha mẹ, từ việc nhỏ đến việc lớn. Nếu trước đây cha mẹ chưa có ý thức không xả rác bừa bãi thì nay chúng ta cần chú ý hơn đến hành vi của mình.
Có 1 câu chuyện tôi đã chứng kiến: Em bé được cô giáo dạy bỏ rác vào thùng nên uống sữa xong cầm vỏ sữa trên tay để mang đến chỗ nào có thùng rác mới vứt. Nhưng người mẹ bảo con vứt xuống đường “có sao đâu mà”. Người mẹ đã vô ý thức và khiến những lời dạy tốt đẹp của thầy cô nhà trường dành cho con mình đổ xuống sông xuống biển. Từ chuyện nhỏ không nghe lời dạy của thầy cô sẽ dẫn đến không nghe lời nhiều điều khác. Đến khi con hư hỏng buông tuồng có khi cha mẹ bé đó lại trách ngược lại thầy cô dạy không chu đáo…
Thứ hai, kiên nhẫn nhắc con chuyện bỏ rác đúng nơi quy định mỗi lúc, mỗi nơi. Nếu con vứt rác bừa bãi sẽ yêu cầu con nhặt lên đi tìm thùng rác, không có thùng rác hãy cho con bỏ vào túi riêng mang về nhà bỏ thùng rác gia đình. Rèn một thói quen tốt cần 3 năm mà học thói quen xấu chỉ cần 3 ngày. Nên mong các cha mẹ kiên nhẫn, nhắc hàng trăm lần vẫn phải nhắc. Nhắc chứ không la rầy. Vì la rầy khi các cháu làm việc xấu các cháu sẽ tự ái, và chỉ làm khi có mặt cha mẹ, sau đó sẽ chống đối ngầm bằng cách cố tình vứt rác.
Thứ ba, cho con cơ hội dọn dẹp nhà cửa, quét đường trước nhà, dọn rác ở trường lớp… Được tự tay dọn rác các em mới thêm ý thức về chuyện xả rác gây bẩn và làm phiền cho cha mẹ, chị lao công như thế nào. Lao động luôn luôn là cách giáo dục trực quan có ảnh hưởng tốt đến trẻ nhỏ. Nhờ lao động các cháu được rèn luyện sức khỏe, rèn sự tự lập, biết tôn trọng và giúp đỡ người khác… Nhiều gia đình có điều kiện đã thuê người giúp việc nên không cho con cái làm việc nhà, theo tôi đó là một sai lầm lớn, chỉ làm hư con mà thôi.
Nhiều trường học cũng thu tiền cha mẹ học sinh để thuê lao công mà không tạo nên những hoạt động cho học sinh tự tay làm sạch trường lớp trước và sau mỗi kỳ học. Điều này khiến cho rác trong trường học ngày càng nhiều do các em ỷ lại có người dọn cho mình. Sự lười biếng sẽ đi đôi với việc vô trách nhiệm. Các em không biết làm việc dọn rác các em sẽ không thấy mình có trách nhiệm giữ cho môi trường sống sạch đẹp.
Chúc các bậc cha mẹ luôn có những đứa con có ý thức giữ gìn vệ sinh chung mọi lúc mọi nơi. Những đứa trẻ và chúng ta sẽ được hái trái ngọt từ điều tuyệt vời này!
Phạm Thị Thúy