Dạy con không công nghệ ở thung lũng Silicon

07/04/2019 - 08:45

PNO - Các hãng công nghệ ở thung lũng Silicon đang chạy đua biến công nghệ kỹ thuật số thành sở thích không thể cưỡng lại được của người dùng. Các bậc cha mẹ đang lo lắng những tác động đến phát triển tâm lý, xã hội của con mình.

Khoảng 9 giờ sáng, Minni Shahi đang trên đường đến làm việc tại trụ sở của hãng công nghệ Apple ở thành phố Cupertino, bang California. Còn chồng cô, Vijay Koduri, cựu nhân viên của Google đang trên đường đi gặp đối tác tại một quán Starbucks để bàn về dự án làm clip trên YouTube có tên HashCut. Hai con của Shahi là Saurav (10 tuổi) và Roshni (12 tuổi) đã đến trường. 

Nhìn bên ngoài, gia đình của Shahi cũng như mọi gia đình ở thung lũng Silicon, khá bận rộn mỗi ngày. Nhưng có một điểm đặc biệt, đó là dù cả Shahi và Koduri đều làm cho những hãng công nghệ, nhưng công nghệ lại hầu như bị cấm trong ngôi nhà của họ. Hoàn toàn không có hệ thống trò chơi video nào trong nhà. Hai con không có điện thoại di động và chỉ có thể chơi game trên điện thoại của cha mẹ trong 10 phút mỗi tuần. “Đến một lúc nào đó, hai đứa trẻ sẽ cần điện thoại riêng, nhưng kéo dài thời gian chúng không cầm điện thoại thông minh càng lâu càng tốt”, Koduri nói.

Koduri và Shahi không phải là cặp vợ chồng duy nhất tại thung lũng Silicon - trung tâm công nghệ nổi tiếng thế giới, muốn con cái tránh xa công nghệ. Một cộng đồng cha mẹ theo phương pháp giáo dục mới tại đây đã bắt đầu lo ngại về tác hại nghiêm trọng của công nghệ đối với sự phát triển tâm lý  của trẻ. Quan điểm này có lẽ xuất phát từ công việc hằng ngày của họ, khi phải tiếp xúc với công nghệ quá mức, hay đơn giản là vì họ sống ở Bay Area - ngôi nhà của các công ty công nghệ có giá trị nhất trên trái đất - và họ chứng kiến các hãng công nghệ đang chạy đua trong cuộc chiến muốn biến công nghệ kỹ thuật số thành sở thích không thể cưỡng lại được của người dùng.

Day con khong cong nghe o thung lung Silicon
Công nghệ đang tác động mạnh mẽ đến trẻ em ở thung lũng Silicon

Đông đảo cựu nhân viên các công ty công nghệ lớn đã công khai lên án sự tập trung mạnh mẽ của các công ty vào việc xây dựng các sản phẩm công nghệ gây nghiện. Kết quả của nhiều cuộc thảo luận từ các nghiên cứu của cộng đồng tâm lý học ngày càng thuyết phục phụ huynh không nên đặt công nghệ hiện đại vào đôi tay nhỏ nhắn của trẻ thơ. 

“Các công ty công nghệ hiểu rõ trẻ em, thanh thiếu niên càng sử dụng công nghệ sớm thì càng dễ trở thành thói quen suốt đời. Không phải ngẫu nhiên mà Google đã đẩy mạnh các thiết bị của mình vào các trường học như Google Docs, Google Sheets và bộ quản lý học tập Google Classroom”, Koduri nói. Nhưng tác hại của công nghệ đã được chỉ ra qua rất nhiều nghiên cứu mới. Bà Erika Boissiere, nhà tâm lý trị liệu ở San Francisco qua quá trình trị liệu của mình đã cho rằng, những người sử dụng công nghệ thời gian dài sẽ có nguy cơ cao bị trầm cảm, lo lắng, thậm chí có thể tự tử. 

Bản thân Boissiere cũng rất cố gắng không để hai con 2 tuổi và 5 tuổi, có những tương tác cơ bản nhất với công nghệ. Cô và chồng không lắp ti vi trong nhà, đồng thời tránh tất cả việc sử dụng điện thoại di động trước mặt con. Mỗi buổi chiều khi đi làm về, vợ chồng Boissiere đều đặt điện thoại bên cửa và chỉ kiểm tra một, hai lần. 

Còn nhớ, năm 2007, Bill Gates, cựu CEO của Microsoft, đã quyết định giới hạn thời gian con gái được xem iPad, khi phát hiện con đang tải tập tin trò chơi kém lành mạnh. Sau đó, ông không cho phép con có điện thoại riêng cho đến 14 tuổi. Steve Jobs, CEO của Apple từng nói trên báo New York Times rằng ông đã cấm các con của mình sử dụng chiếc iPad mà Apple mới được phát hành. Ngay cả Tim Cook, CEO hiện tại của Apple, cho biết ông không cho phép con cháu mình tham gia các mạng xã hội trực tuyến.

Ngay tại thung lũng Silicon, một số trường hạn chế tối đa công nghệ đã xuất hiện. Chẳng hạn như tại Waldorf School of the Peninsula, một trường tư thục ở Los Altos, California, trẻ em chỉ sử dụng bảng phấn và bút chì số 2 như cách đây hàng chục năm. Trường sẽ không giới thiệu cho trẻ em các thiết bị công nghệ cho đến khi học sinh lên lớp Tám. 

Nhiều phụ huynh tại Silicon cho biết cách phòng, chống nghiện công nghệ tốt nhất là giới thiệu các hoạt động thay thế hoặc tìm cách sử dụng công nghệ hiệu quả hơn. Cựu nhân viên của Google Koduri đã quyết định biến sân sau nhà thành sân bóng rổ cho con và bạn bè. Trong khi những cha mẹ khác có thể đăng ký để học lập trình cùng con khi thấy con mê máy tính. 

Xuân Lộc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI