Dạy con học sử: Hãy bắt đầu từ ngọn lửa tự hào

30/04/2025 - 10:00

PNO - Là một nhà giáo có nhiều năm gắn bó với việc giảng dạy lịch sử, tôi may mắn được tiếp xúc sâu sắc với những trang sử hào hùng của nước nhà và lịch sử các quốc gia khắp năm châu. Tôi luôn tâm niệm việc nuôi dưỡng cho thế hệ trẻ tình yêu lịch sử, niềm tự hào về truyền thống cha ông không chỉ là nhiệm vụ của riêng ngành giáo dục, mà cần sự chung sức bền bỉ từ mỗi gia đình.

Tiến sĩ Nguyễn Đăng Khoa và tiết học lịch sử sinh động tại Bảo tàng Lịch sử TPHCM  - Ảnh do nhân vật cung cấp
Tiến sĩ Nguyễn Đăng Khoa và tiết học lịch sử sinh động tại Bảo tàng Lịch sử TPHCM - Ảnh do nhân vật cung cấp

Không chỉ là quá khứ, lịch sử là mạch nguồn dân tộc

Lịch sử nước ta thật vĩ đại. Có lẽ hiếm dân tộc nào trên thế giới có chiều dài lịch sử lên đến hàng ngàn năm lại gắn liền với những cuộc đấu tranh kiên cường để bảo vệ nền độc lập, tự do như Việt Nam. Những thăng trầm, những mất mát đau thương, những lần vấp ngã và cả những bài học từ cách trị quốc của các bậc minh quân, tinh thần quân - dân đồng lòng trước họa xâm lăng… đã hun đúc nên “vốn di truyền” vô giá về kinh nghiệm xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Lịch sử dạy chúng ta về lòng yêu nước, về sự hy sinh và về cách sống sao cho “trượng nghĩa” với các dân tộc khác.

Nhiều người thường ngại lịch sử khô khan, khó nhớ với những sự kiện, những con số. Nhưng nếu chỉ nhìn vào đó, chúng ta đã bỏ lỡ phần hồn cốt đẹp đẽ nhất. Lịch sử không chỉ là sự kiện đã qua mà chính là “ngọn lửa” tinh thần của cả một dân tộc, là những bài học quý giá giúp chúng ta hiểu mình là ai, nguồn cội ở đâu và làm thế nào để tiến về phía trước, tránh lặp lại những sai lầm đau thương.

Với tôi, việc học và cảm thụ lịch sử có thể diễn ra mọi lúc, mọi nơi, không chỉ giới hạn trong sách vở. Trong công việc giảng dạy, tôi thường cố gắng đưa sinh viên đến các bảo tàng, các di tích lịch sử để học tập hoặc đơn giản là thực hiện một bài thuyết trình tại chỗ. Bởi lẽ tôi tin rằng việc rời xa không khí lớp học để “mắt thấy tai nghe”, để chạm vào hiện vật, để hít thở bầu không khí của quá khứ là cách hiệu quả nhất giúp người trẻ “thấm” được lịch sử dân tộc và nhân loại.

Tôi nhớ mãi một lần dẫn sinh viên đến Bảo tàng Chứng tích chiến tranh. Kết thúc buổi tham quan, một sinh viên mắt đỏ hoe nghẹn ngào nói với tôi: “Thầy ơi, đây là lần đầu tiên em cảm nhận rõ rệt giá trị chữ độc lập. Em biết ơn vô cùng sự hy sinh của cha ông để chúng em có được ngày hôm nay”. Khoảnh khắc ấy khiến tôi nhận ra việc dạy sử, học sử đôi khi chẳng cần điều gì quá cao siêu.

Cha mẹ - người nhóm lửa tình yêu sử Việt

Từ trải nghiệm của một người làm công tác giảng dạy lịch sử, tôi nghĩ rằng vai trò của cha mẹ trong việc giáo dục tình yêu lịch sử cho con là vô cùng quan trọng. Chúng ta không cần phải là những nhà sử học uyên thâm, chỉ cần biết cách thắp lên ngọn lửa tự hào dân tộc trong tim con trẻ.

Thay vì chỉ là những lời nhắc nhở khô khan, hãy biến những câu chuyện về Vua Hùng dựng nước, về Hai Bà Trưng cưỡi voi đánh giặc, về Ngô Quyền với trận Bạch Đằng giang lịch sử, về Lý Thường Kiệt uy dũng, về Trần Hưng Đạo với hào khí Đông A… thành những câu chuyện hấp dẫn kể cho con nghe trong bữa cơm gia đình hay trước giờ đi ngủ.

Mỗi chuyến đi chơi, dù gần hay xa, nên cố gắng lồng ghép việc tham quan một di tích lịch sử, một bảo tàng địa phương. Đến đó, hãy cùng con đọc những tấm bia, ngắm nhìn hiện vật và kể cho con nghe về ý nghĩa của nơi đó. Hãy để con tự đặt câu hỏi và cùng con tìm câu trả lời.

Các bậc cha mẹ hãy giúp con hiểu rằng những gì chúng ta có hôm nay là kết tinh từ mồ hôi, xương máu của biết bao thế hệ đi trước. Sự hy sinh của họ không chỉ để giành lại non sông mà còn để thế hệ sau được sống trong hòa bình, được học hành, được ước mơ…

Lịch sử ta đẹp lắm, hào hùng lắm! Mong rằng mỗi bậc cha mẹ sẽ là người nhóm lửa, giữ lửa và truyền lại ngọn lửa thiêng liêng ấy cho thế hệ tương lai.

Tiến sĩ Nguyễn Đăng Khoa
- giảng viên ngành Đông phương học Trường đại học Văn Lang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI