Dạy con... giữ của

01/11/2015 - 07:52

PNO - Cháu phản ứng yếu ớt, dễ dàng nhường đồ chơi, nhường lượt chơi. Có lúc thèm chơi ngựa gỗ cháu cũng không biết làm gì để anh họ trả lại.

Vì sống trong gia đình tam đại đồng đường nên con gái tôi, ba tuổi, có nhiều anh chị em họ chơi cùng. Tôi để ý thấy cháu cứ bị các bé kia lấn lướt, giành giật đồ chơi. Các bé kia thật tinh ranh, hễ cháu lấy đồ chơi thì chúng xúm lại đòi, cháu lấy món khác, chúng tiếp tục giành lấy.

Cháu phản ứng yếu ớt, dễ dàng nhường đồ chơi, nhường lượt chơi. Có lúc thèm chơi ngựa gỗ (là của mình), cháu cũng không biết làm gì để anh họ trả lại. Từ lúc cháu một tuổi, tôi thường nhắc nhở con chia sẻ đồ chơi, phần ăn cho bé khác, và luôn khen ngợi khi cháu hào hiệp, rộng rãi.

Đó có phải nguyên nhân để cháu trở nên thụ động, nhu nhược, thậm chí không có ý thức sở hữu và đặt giới hạn để người khác không xâm phạm quyền lợi của mình?

Hàng ngày, đứng trước những “trận chiến” trong nhà, tôi rất bối rối. Tôi cần cách ly cháu với các bé kia, can thiệp vào cuộc chơi của chúng, đặt luật chơi để bảo vệ kẻ yếu thế? Tôi có nên dạy con biết “giữ của” để cháu đỡ thiệt thòi, để khôn lanh hơn? Và dạy bằng cách nào thưa chuyên gia?

Ngọc Yến (Q.3, TP.HCM)

Day con... giu cua
Ảnh mang tính minh họa

Chị Ngọc Yến thân mến,

Con gái ba tuổi của chị chơi cùng các anh chị em họ thì chuyện giành giật đồ chơi là điều rất thường xảy ra. Trẻ em đang học cách sở hữu, bé thường coi mình là trung tâm và mọi thứ là của mình.

Người lớn hay kết án bé ích kỷ nhưng đây là biểu hiện tâm lý bình thường của trẻ ở tuổi mầm non. Trẻ đang trong quá trình trưởng thành, hình thành nhân cách bắt đầu từ việc xác định cái tôi, và “của tôi”.

Trẻ sẽ đòi món đồ chơi mà bạn khác đang chơi dù bản thân không thích, trẻ sẽ khó chịu khi mẹ mình ôm hôn bạn khác. Đây là cách trẻ đang tập khẳng định sự độc lập của bản thân, thoát khỏi giai đoạn phụ thuộc vào người khác, học sở hữu... Vì vậy người lớn cần hiểu tâm lý này ở trẻ để không phê phán bé ích kỷ, xấu tính hay bắt ép bé phải nhường nhịn, chia sẻ đồ chơi.

Chị đã dạy con biết chia sẻ, nhường nhịn, khen khi bé rộng rãi là đúng. Đó không phải là nguyên nhân chính khiến cháu lớn lên thụ động, nhu nhược, không có ý thức sở hữu và đặt giới hạn để người khác không xâm phạm quyền lợi của mình.

Tuy nhiên dạy chia sẻ là chưa đủ. Cần dạy trẻ biết sở hữu, “cho đi” một cách công bằng, rộng lượng và tự nguyện. Chỉ với tinh thần đó trẻ mới trưởng thành độc lập và nhân ái.

Nếu cha mẹ bắt ép trẻ chia sẻ đồ chơi, bé sẽ ấm ức và ghét bỏ, ghen tỵ với em/ anh chị mà trẻ phải nhường theo lệnh người lớn, vô tình chúng ta tạo tình cảm xấu giữa anh chị em trong nhà.

Trẻ bị ép phải nhường sẽ không học được sự sở hữu và bản lĩnh bảo vệ những gì của mình. Hậu quả là trẻ trở nên dễ bị bắt nạt hoặc hung hăng đòi lại khi vắng mặt người lớn. Trẻ cảm nhận được sự bất công với mình, sẽ nảy sinh những cảm xúc xấu với người lớn và với bạn chơi chung.

Cũng không nên vì chiến tranh giữa các bé mà cấm trẻ chơi chung. Đây là sai lầm của nhiều cha mẹ khi không muốn rắc rối, không muốn chuyện trẻ con mất lòng người lớn đã ngăn cản con trẻ chơi chung. Trẻ cần có bạn chơi, đa dạng lứa tuổi. Càng có nhiều tình huống giao tiếp cùng nhau, trẻ càng trưởng thành, mạnh mẽ, tự tin và vui vẻ hơn.

Cha mẹ nên hướng dẫn các cháu khi chơi chung cần biết chơi công bằng, bình đẳng với nhau. Đồ chơi của ai, người đó có quyền quyết định cho mượn hay không, các bạn khác cần tôn trọng quyền sở hữu của mỗi bạn chơi.

Cha mẹ nên dạy các con có thể phân chia lượt chơi để ai cũng có cơ hội chơi như nhau. Ví dụ cho oẳn tù tì, ai thắng người đó được chơi trước. Và quy định rõ mỗi người được chơi trong bao lâu thì đổi đến lượt người khác. Mặt khác, với những món đồ chơi có thể chơi cùng nhau mới vui thì rất cần người lớn giúp các con học cách chơi chung theo nhóm.

Khi trẻ thấy được đối xử công bằng và tôn trọng từ người lớn, bé cũng sẽ học cách đó mà đối xử với bạn cùng chơi. Trẻ học từ hành vi ứng xử của người lớn chứ không phải từ lời giáo huấn. Thái độ ôn hòa, điềm tĩnh, kiên nhẫn và tôn trọng trẻ của người lớn giúp bé giải quyết những tranh chấp khi chơi chung là rất cần thiết.

Chuyên viên tham vấn Phạm Thị Thúy

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI