Đó là con gái xinh xắn của tôi sao? Hay nổi quạu, nói chuyện nhấm nhẳng, ăn uống nhồm nhoàm, nói cười hơ hớ, mặc một bộ quần áo tới ba ngày mới chịu thay… là chân dung của cháu.
Sau thời gian đi lao động hợp tác ở nước ngoài trở về, tôi lo lắng khi thấy con bé có cách cư xử nhiều khi như con trai, không chút nữ tính. Tôi chỉ biết tự trách mình vì hoàn cảnh gia đình mà phải để hai con lại cho bố cháu chăm sóc trong bốn năm, ngay vào giai đoạn phát triển quan trọng của con bé. Tôi muốn con lớn lên không chỉ trở thành một cô gái xinh xắn mà còn dịu dàng, nết na, biết quý trọng bản thân.
Những ngày qua, tôi đã thử nói chuyện với con, nhưng cháu hoặc im lặng, hoặc nói ngang như cua “con thích như vậy, có chết ai đâu mà mẹ lo”. Tôi quan niệm đánh con không phải là phương pháp tích cực, nhưng nói mà cháu không nghe thì phải làm sao?
Mai Quỳnh Trâm
(P.Đa Kao, Q.1, TP.HCM)
Dạy con từ lời ăn tiếng nói
Xin chia sẻ với chị về việc không được ở bên con khi cháu bước vào giai đoạn thiếu nữ, là giai đoạn rất cần được hướng dẫn từ lời ăn tiếng nói, cách đi đứng đến lối ứng xử. Tôi cũng có con gái chín tuổi, đang bắt đầu “chướng”, thích gì làm nấy. Tôi biết mình không nên nóng vội, nên đã chọn cách rủ rê, tỉ tê với con trong từng việc nhỏ.
Chẳng hạn khi cả nhà trò chuyện trong bữa ăn, tôi hỏi: “Ông bà mình có câu “ăn trông nồi, ngồi trông hướng”, nhà mình có hiểu thế là sao không?”. Vậy là gia đình tôi có một chủ đề về cách ứng xử để không chỉ con gái mà cả con trai cũng được bày tỏ suy nghĩ, học hỏi.
Khi ăn, cần nhai ngậm miệng, không để phát ra tiếng động, không vừa nhai nhồm nhoàm vừa nói; nói chuyện nhẹ nhàng, từ tốn, lắng nghe người khác, không vừa cười vừa nói ngả ngớn… là điều tôi trao đổi với con thông qua những câu chuyện cụ thể trong cuộc sống hay trên phim ảnh. Tôi thường bảo cháu: dù con xinh xắn nhưng ăn nói vô duyên và ứng xử thô lỗ, lạnh lùng, sẽ không được mọi người quý mến.
Về con gái chị, mọi việc vẫn chưa muộn, cháu vẫn đang trong giai đoạn hình thành và phát triển nhân cách. Tôi tin, với việc uốn nắn, điều chỉnh cho con từ lời ăn tiếng nói, hành động ứng xử bằng tình thương và sự nghiêm khắc của chị, cháu sẽ dần thay đổi theo hướng tốt.
Trần Ngọc Bích
(cư xá Đô Thành, Q.3, TP.HCM)
Đừng xem thường vẻ ngoài
Ngay từ khi con gái được bốn tuổi, vợ tôi đã gọi cháu là “quý cô”. Ban đầu, tôi hơi dị ứng, sợ vợ biến con thành một tiểu thư yểu điệu hay một cô gái có lối sống quý tộc thì thật không hợp với một gia đình công chức như chúng tôi.
|
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet |
Nhưng thật ra, vợ tôi luôn khuyến khích cháu hiểu về giá trị của cơ thể mình, từ việc tắm rửa mỗi ngày đến việc chải tóc gọn gàng; quần áo có thể cũ nhưng luôn sạch sẽ, thơm tho. Cô ấy bảo bé: “Một quý cô thì phải luôn giữ vệ sinh cơ thể sạch đẹp, trang phục gọn gàng mới khiến người khác có thiện cảm”.
Đến giờ cháu đã 13 tuổi, vẫn luôn được mẹ nhắc “biết chăm sóc bản thân là việc đầu tiên để con mạnh khỏe, ăn mặc thích hợp, đúng nơi đúng chỗ sẽ làm con trở thành quý cô, khiến người khác tôn trọng con”. Không chỉ có vậy, tôi thấy bà xã còn dặn dò con về sự kín đáo của con gái trong cách ăn mặc, trong cách đứng ngồi, ứng xử mà “người mẫu” gần nhất với con chính là cô ấy.
Tôi nghĩ nếu cha mẹ luôn tỏ ra tôn trọng con, xem cháu như một cô gái ngoan, khích lệ khi con có cách ứng xử phù hợp thì chính trẻ sẽ có nhận thức, tự tôn và có ý thức học những điều hay về công, dung, ngôn, hạnh.
Vũ Văn Hạnh
(Công ty TNHH Hạnh Phúc, Q.10, TP.HCM)
Trẻ như cây non, cần uốn từ nhỏ
Không phải chờ đến khi trẻ lớn thì nhân cách tự nhiên hình thành. Quan điểm, thái độ sống của một con người cần phải được giáo dục, bồi dưỡng từ nhỏ. Nên khi thấy con gái có những cách ứng xử không phù hợp, chị Trâm cần điều chỉnh ngay, nhưng không nên quát mắng, xúc phạm cháu mà phải bằng những cách thức phù hợp độ tuổi, nhận thức cũng như tâm sinh lý của trẻ. Cháu có cá tính mạnh mẽ, độc lập cũng không phải là xấu, thiếu nữ tính. Với sự nhạy cảm của người phụ nữ, chị cần tìm ra nữ tính ở con, không nhất thiết phải dịu dàng, yểu điệu.
Có nhiều cách để chị dạy con thành một cô gái đoan trang, như dạy con cảm thông với người khác, biết lắng nghe; mỉm cười lịch sự và duyên dáng hơn là nhăn nhó, cằn nhằn; nói năng từ tốn hơn là ào ào, rổn rảng (uốn lưỡi bảy lần trước khi nói).
Phụ nữ thường bị nghĩ xấu là “bà tám”, hay soi mói chuyện của người khác, chị nói cho cháu hiểu đó là điều rất vô duyên, làm xấu hình ảnh của con, vì thế cần tôn trọng sự riêng tư của người khác. Để cháu có thể “thẩm thấu” tất cả những điều ấy, từng ngày, từng chút một, bằng hành động, lời nói, qua những câu chuyện, tình huống cụ thể, chị trò chuyện, hướng dẫn con để cháu nhận thức và làm theo.
Nếu nóng vội, chị sẽ gặp phải phản ứng của đứa trẻ đang tuổi khẳng định, cho mình luôn đúng, nên cần uốn nắn từ từ. Cũng đừng khích bác những biểu hiện khó coi của cháu, mà đưa ra cho trẻ thấy những cách ứng xử đúng đắn để cháu tự so sánh và học theo. Cuối cùng, muốn con trở thành người phụ nữ nết na, chính các bà mẹ là tấm gương, là người thầy gần nhất để trẻ nhìn và học hỏi.
Thạc sĩ tâm lý Trần Nguyên Hùng
Minh Lâm
(thực hiện)