Tối tối, tôi hay kể con trai nhỏ nghe chuyện con thỏ anh và thỏ em rủ nhau hái hoa tặng mẹ. Thỏ anh chạy thật nhanh, mang về cho mẹ một bó hoa tươi trong buổi sáng, còn thỏ em chậm hơn, lại mang về một bó hoa héo vì phải giúp bé Sóc, bé Khỉ và cô Nhím dọc đường… Hành động của thỏ em đáng khen hơn thỏ anh. Tôi muốn con mình hành động theo lý lẽ của trái tim hơn là những “thành tích” hay sự hào nhoáng của danh lợi.
Một hôm, con của tôi đi mẫu giáo về mặt buồn xo, không líu lo ca hát như mọi hôm. Tôi gặng hỏi thì bé kể: “Bạn Thảo ngồi kế con làm xấu trong quần, bạn ấy bị tiêu chảy. Cô đem đi rửa rồi mà la mắng, cả lớp xúm vào chọc bạn làm bạn khóc. Con thương bạn ấy quá, đó là một tai nạn chứ bạn ấy có muốn mình bị thế đâu…”.
Tôi liền hỏi con: “Lúc đó, con có chọc bạn ấy không? Con cư xử làm sao?”. Con tôi kể tiếp: “Con cũng khóc, con lấy kẹo cho bạn ấy ăn rồi con nói, bạn đừng có khóc nữa, có tui hiểu bạn là được rồi, tui không có cười bạn đâu… Vậy là bạn Thảo không khóc nữa, bạn lau nước mắt và ăn kẹo của con…”. Tôi xoa đầu con, khen con ngoan mà lòng rưng rưng.
Con đã không suy nghĩ và hành động theo đám đông ngay từ khi còn nhỏ. Quán chay của chị tôi tối hôm qua vắng khách nên chị cho nhân viên về sớm. Em Khánh và em An, hai sinh viên phụ quán có vẻ mừng ra mặt. Ở bãi gửi xe, tôi nghe hai đứa nói với nhau: “Có lẽ bà ấy chưa về…”. “Ừ, hình như 9 giờ tối bà mới về…”.
Tôi vội hỏi: “Bà cụ nào vậy mấy đứa…?”. An nhanh nhảu kể: “Bà cụ em hay gặp trên đường về nhà. Mỗi tối em và Khánh mua cho bà một suất cơm chay và đẩy xe qua cầu cho bà, xe ve chai, nặng lắm. Bà sống với đứa cháu nhỏ bị bại não. Bà nghèo lắm cô à, thường nhịn đói cho cháu ăn…”.
Thì ra… Tôi từng ngạc nhiên vì thấy hai đứa sinh viên này thay nhau mua cơm chay đem về mỗi ngày. Câu chuyện giản dị chỉ có vậy mà tôi nghĩ mãi suốt dọc đường từ quán cơm chay về nhà. Ai bảo giới trẻ bây giờ vô cảm, chỉ biết se sua áo quần, chém gió trên mạng xã hội và sống ích kỷ. Những điều tốt, nhỏ nhặt, bình dị họ vẫn âm thầm làm mà có cần ai biết đâu, có cần đao to búa lớn đâu.
Tôi có một cô bạn nhỏ rất đẹp tên Thúy, vợ một bác sĩ nổi tiếng trong một bệnh viện lớn. Hàng ngày tôi thấy Thúy hay đi xin áo quần cũ từ mọi người trong cơ quan về làm giẻ. Mọi người đem cho, nhưng cũng thắc mắc. Bạn tôi chỉ cười mà không nói lý do vì sao cần nhiều giẻ như vậy.
Một hôm tôi tình cờ đi khám bệnh và được biết được “bí mật” từ chồng Thúy. Chuyện khá ly kỳ là gần nhà Thúy có một bà già bị liệt nửa người, kể từ ngang thắt lưng xuống, nằm bất động cả ngày trên giường và hoàn toàn không có người thân. Lúc trẻ bà là “gái ăn sương”, một gái giang hồ nức tiếng đẹp, chịu chơi.
Bà sinh một đứa con trai và cưng chiều con hết mực. Năm 20 tuổi, nó buôn bán ma túy bị bắt và bị kết án tới mười năm. Cũng năm đó, bà bị tai nạn giao thông rất nặng. Hiện thời bà nằm liệt không cử động, tiêu tiểu tại chỗ.
Cả xóm ai cũng kinh sợ, không ai giúp đỡ. Kinh sợ vì quá khứ của bà, kinh sợ vì con bà là kẻ xấu, kinh sợ vì sự hôi thối của căn phòng. Duy nhất cô bạn tôi, mỗi chiều đi làm về đều chạy qua lau dọn và tắm cho bà. Thúy còn mang cho bà ít thức ăn, khi thì cháo, khi thì xúp…
Hàng xóm lúc đầu cũng dè bỉu, nói ra nói vào, nhưng Thúy vẫn âm thầm làm nhiều năm, không nao núng, không từ bỏ… Lâu dần không ai nói gì nữa. Họ còn giúp bà già gói mì, tô bún, chén canh….
Con gái tôi cũng kết thân một nhóm bạn sinh viên Việt tại Phần Lan chuyên làm thiện nguyện, chúng quen nhau trên facebook. Cứ mỗi mùa hè, con tôi lại tập hợp bạn bè cùng lớp kiến trúc làm rất nhiều thiệp handmade gửi qua Phần Lan cho các bạn bán.
Thiệp handmade chuyển qua Phần Lan có giá cao hơn Việt Nam rất nhiều. Tiền từ việc làm này của con tôi và các bạn sẽ được chuyển cho chương trình Cơm có thịt của ông Trần Đăng Tuấn.
Tôi lại có một cô bạn nhỏ nữa rất đặc biệt, tên là Sa. Trước đây ít năm Sa từ bỏ một công việc lương cao tại một công ty nước ngoài để về Biên Hòa lập quán cà phê sách. Công việc chủ yếu và quan trọng mà Sa hướng tới là dùng quán cà phê để thu hút giới trẻ và tuyên truyền cho giới trẻ biết phòng tránh HIV.
Lợi nhuận từ quán cà phê, Sa dành dụm, chắt chiu từng đồng để mua sách vở, mì gói, đồ chơi và bánh kẹo mang cho bọn trẻ người dân tộc ở Tây Nguyên. Sa không làm việc này một mình mà còn vận động được rất nhiều bạn trẻ cùng chí hướng chung tay góp sức.
Tôi có chị bạn là giáo viên tên Ánh, chồng làm giám đốc một tổng công ty xuất nhập khẩu. Chị Ánh dạy thêm tiếng Anh tại nhà, với phí rất bình dân, trẻ nào nhà nghèo, chị miễn nửa số tiền học hàng tháng. Toàn bộ số tiền dạy thêm ấy, chị dùng để mua gạo, cá khô, sách vở và quần áo cho những đứa trẻ ở Tà Nung, Lâm Đồng. Việc làm này của chị kéo dài hơn mười năm nay. Chị còn kêu gọi bạn bè những ai có cùng chí hướng để chung tay góp sức mỗi khi tổ chức đi thăm những đứa trẻ của mình.
Chị nói với tôi một cách giản dị: “Đông tay vỗ nên kêu, phải không em… Và khi đã cho nghĩa là đã nhận rồi”. Mỗi người trong chúng ta đều có thể làm một việc tốt nếu đủ niềm tin vào bản thân và đủ bản lĩnh để chịu trách nhiệm về những gì mình làm. Như Khánh, như An, như Thúy, như Sa, như chị Ánh…
Họ không ngại dấn thân, không ngại những búa rìu dư luận, không phải bận tâm lo lắng ai nghĩ gì về mình bởi họ tin việc họ làm và họ thấy vui với những đóng góp âm thầm đó.
Ai cho họ niềm tin và bản lĩnh ấy nếu không phải là gia đình, là cha mẹ? Ngay khi con còn nhỏ xíu, cha mẹ bằng hành động thiết thực đã luôn dạy con như thế nào là lẽ phải ở đời, như thế nào là lòng trắc ẩn…
Ngay từ khi con còn nhỏ xíu, cha mẹ dạy con “thà thắp một que diêm hơn ngồi nguyền rủa bóng đêm” - biết cảm thông, biết chia sẻ, biết giúp đỡ mọi người xung quanh. Có như thế, lớn lên con sẽ tin vào hành động của mình và không suy nghĩ như đám đông. Con sẽ từ bỏ sự toan tính, từ bỏ sự nghi kỵ để có những hành động, lời nói chân thật, mang tính nhân bản. Con không cam lòng làm một loài lau lách yếu mềm ngả theo chiều gió của đám đông. Con biết giá trị của mình, giá trị của đời sống làm con người chính trực, biết yêu thương và lan tỏa yêu thương.
Bảo Nhi