Dạy con 'có gì đâu mà sợ' là đẩy trẻ vào nguy cơ bị xâm hại, bạo hành

05/07/2017 - 16:28

PNO - Trẻ bị xâm hại đã ‘truyền thông’ về nỗi sợ của mình, nhưng người thân thường bỏ qua.

Trẻ bị xâm hại tình dục trong thời điểm này đang là một vấn đề dậy sóng, gây hoang mang đau xót cho giới phụ huynh và cả xã hội. Tội phạm là tội phạm, nhưng cũng nên lắm mà xét theo lẽ “tiên trách kỷ, hậu trách nhân” để xem với tư cách là phụ huynh, chúng ta đã làm gì, và quan trọng nhất là cần phải làm gì.  

Day con 'co gi dau ma so' la day tre vao nguy co bi xam hai, bao hanh
Người lớn thường bỏ qua nỗi sợ của trẻ

Hãy cùng nhau xem lại những “video clip” của chính chúng ta.

Lúc nhỏ, khi con 1, 2, 3. .. tuổi, con sợ đủ thứ: Gặp chó - sợ! Người lạ - sợ! Bóng tối - sợ! Tiếng động mạnh - sợ! Lớn hơn chút nữa, trường mới bạn mới - sợ! Cô giáo nghiêm quá, bạn hung hăng - sợ! Mẹ đón muộn - cực kỳ sợ!

Thôi thì đủ các kiểu sợ không thể kể hết. Mỗi lần sợ, bé mếu máo hoặc òa khóc “mẹ ơi, con sợ” và ôm chầm rồi bám riết lấy mẹ. Từ lúc bắt đầu biết nói cho đến khoảng 6 tuổi, bé luôn truyền thông rất rõ ràng mạch lạc với người lớn về nỗi sợ của mình, luôn tìm mọi cách để cho phụ huynh biết “con sợ” thật sớm, với hy vọng sẽ nhận được sự giúp đỡ từ cha mẹ.

Và phụ huynh đã xử lý nỗi sợ có thật của con như thế nào? Theo tác giả quan sát, thấy rất nhiều phụ huynh thường có vài loại “giải pháp” như sau:

Thường gặp nhất: “Có gì đâu mà sợ, thế mà cũng sợ, sao con nhát thế, xem mẹ có sợ đâu. . .”.

Cũng rất hay gặp: “Con trai là phải anh hùng, không sợ gì hết hiểu không, sợ gì vớ vẩn thế, nhút nhát là hèn lắm con ạ”.

“Hàng độc”: “Dũng cảm lên, nói theo mẹ nào “không sợ, không sợ, không sợ”, rồi, hết sợ". Trong khi em bé miệng mếu máo lắp bắp “không sợ” mà nước mắt chảy dài trên má. . . .

“Nhân văn” hơn một chút: “Ngồi một chút là hết sợ con ạ, sợ thì trùm mền vào, không thấy gì là hết sợ nhé”.

Hoặc “phát xít” hơn 1 chút: “Sợ cái gì? Nhõng nhẽo kiếm chuyện đòi quá phải không? Hư!”.

Day con 'co gi dau ma so' la day tre vao nguy co bi xam hai, bao hanh
Dạy con không biết sợ chẳng mang lại lợi ích cho trẻ. Ảnh minh họa

Đó là những cách mà rất nhiều người trong số chúng ta đã hành động trong quá khứ, để đến bây giờ tệ nạn, bạo hành trẻ và ấu dâm, ngày xưa còn như lửa than cháy ngầm, bây giờ bùng lên như đám cháy rừng mùa khô. 

Hãy quay trở lại với đúc kết vô cùng chính xác “đi hỏi già, về nhà hỏi trẻ”: Trẻ em luôn có một ước muốn rất lớn là thổ lộ những điều mình biết và đặc biệt là những điều mình sợ với người lớn. Trẻ chỉ bị xóa đi mong muốn tự nhiên và tha thiết đó khi vấp phải kinh nghiệm thương đau: nói mà không được chấp nhận, ý kiến không được coi trọng đúng mức, không có giải pháp giúp đỡ cụ thể hoặc giải pháp không hề thỏa đáng, thậm chí bị đàn áp hay chụp mũ... Và những điều này đến từ phụ huynh, vô số lần!

Do vậy, bé sẽ dần thích nghi bằng cách: Thôi, tốt nhất chọn những thông tin cần thiết trong sinh hoạt hoặc dĩ hòa vi quý mới nói.

Hệ lụy

Về phía trẻ: Không hề ý thức được sự nghiêm trọng khi đối mặt với những rắc rối, không nhận ra được những nguy cơ tiềm ẩn, nên trẻ không nói với người lớn, đôi khi chỉ nói với bạn thân, hoặc tự giải quyết theo những cách rất ngây ngô.

Về phía phụ huynh: Thấy con vẫn nói chuyện và hỏi về những việc cần thiết thì tưởng lầm là mình biết hết về con. Đó là một sự hiểu lầm cực kỳ tai hại. Và sự tai hại chỉ hiện ra khi mọi sự đã quá muộn.

Đọc loạt bài trẻ bị xâm hại tình dục trên báo Phụ nữ, dễ nhận thấy rằng, rõ ràng những đứa trẻ nạn nhân đã kể với người lớn về người đàn ông có hành vi kỳ quặc dễ sợ với trẻ, nhưng hầu như trẻ được mẹ, bà… trấn an là chẳng có chuyện gì phải sợ. Truyền thông giữa người lớn và con trẻ trong đại đa số các gia đình về chất lượng đã bị tắc nghẽn, và hậu quả của sự tắc nghẽn này thật quá khủng khiếp!

Truyền thông trong gia đình không đơn giản chỉ là nói chuyện. Vấn đề nằm ở chất lượng của những câu chuyện! Yêu thương dành cho con trẻ chúng ta không thiếu, nhưng chỉ yêu thương thôi thì hoàn toàn không đủ, chúng ta rất cần có kỹ năng đúng, và đã là kỹ năng thì dứt khoát cần phải được huấn luyện!

Kỹ năng làm bạn với con, kỹ năng đón nhận thông tin từ con và kỹ năng chia sẻ thông tin, thảo luận cùng con là những điều cơ bản thật cấp thiết mà phụ huynh cần được trang bị, để giúp con có được điểm tựa tinh thần vững chắc trong cuộc chiến dai dẳng với những nguy hiểm đến từ các tệ nạn ngoài xã hội.

Lê Thị Phương Nga

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI