Dạy con chữ tín

11/09/2015 - 16:05

PNO - Dạy con chữ tín, nghĩa là cha mẹ đã dạy trẻ sống có trách nhiệm trong lời nói, hành động của mình đúng với những gì chúng đã nói hay đã hứa.

Day con chu tin
Ảnh mang tính minh họa - shutterstock

Hầu hết các bậc phụ huynh đều ý thức rằng, trong quá trình giáo dục con, bản thân cha mẹ có uy tín sẽ được trẻ tin tưởng và tự giác tuân theo những yêu cầu mà cha mẹ đặt ra.

Tuy nhiên, cuộc sống với bao vấn đề nảy sinh khiến không ít bậc cha mẹ thiếu nhất quán giữa lời nói với việc làm. Để con thực hiện mong muốn của mình, nhiều người đưa ra những điều kiện hấp dẫn, hứa hẹn với con.

Nếu việc hứa hẹn lặp đi lặp lại mà cha mẹ không thực hiện, con trẻ sẽ ấm ức, hụt hẫng và nảy sinh tâm lý chống đối, không tin tưởng vào người thân. Một lần thất tín, vạn sự bất tin là vậy!

Điều nguy hại là, khi thường xuyên chứng kiến cảnh cha mẹ “nói một đằng, làm một nẻo” mà không gặp vấn đề gì, trẻ sẽ bắt chước. Nhân cách của trẻ sẽ bị “méo mó” trong quá trình trưởng thành.

Trẻ sẽ không học được thói quen chịu trách nhiệm trước lời nói và hành động của mình trong các mối quan hệ với mọi người.

Chị Lan Chi (Q.4, TP.HCM) bứt rứt chia sẻ: “Trước khi đi làm, tôi và con trai đã thỏa thuận với nhau con sẽ hoàn thành bài tập ở nhà rồi mới đi chơi”. Cậu quý tử lên 10 chắc như đinh đóng cột: “Ba mẹ cứ yên tâm, con sẽ làm bài tập về nhà và cả bài trong sách nâng cao nữa”.

Vậy mà, khi anh chị vừa ra khỏi nhà hơn 10 phút, cu cậu đã lấy xe đạp sang nhà bạn chơi điện tử. Nếu không về nhà lấy tập tài liệu của công ty để quên buổi sáng, chị vẫn đinh ninh con mình ngoan, luôn vâng lời cha mẹ.

Biết chuyện cậu con, vợ chồng chị tỏ vẻ buồn rầu. Không chút hối hận, cu cậu còn bực tức: “Cha mẹ thất hứa với con nhiều lần thì bây giờ con cho cha mẹ biết được thế nào là cảm giác thất vọng khi người khác không giữ chữ tín chứ!”.

Chị Lan Chi thừa nhận: “Đúng là thời gian trước tôi có hứa với con nếu thi được điểm môn toán cao nhất lớp, mẹ sẽ mua cho laptop để con tiện việc học tiếng Anh.

 Tuy nhiên, việc làm ăn gặp khó khăn, nên dù con trai nhắc nhở, tôi cũng phớt lờ cho qua. Cũng vài lần muốn con học điểm cao, tôi đã hứa sắm cho con thứ này thứ kia nhưng rồi bận rộn mà tôi quên đi. Không giữ được chữ tín nên giờ tôi rất khó ăn nói với con”.

Trong suốt quá trình dạy dỗ con cái, những lời cha mẹ hứa với trẻ rất quan trọng. Việc thực hiện lời hứa này sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến cảm xúc và hành vi của con cái.

Hành vi ứng xử của cha mẹ luôn ăn sâu trong từng nét tính cách của con. Vì thế, việc cha mẹ thất tín cũng dễ tác động tiêu cực tới sự phát triển tính cách của trẻ, trẻ sẽ bất an, hoài nghi và mất lòng tin về gia đình - điểm tựa tinh thần đặc biệt quan trọng của trẻ.

Một khi tâm hồn trẻ bị tổn thương, hình ảnh cha mẹ không còn là thần tượng. Sự thất tín đó là rào cản khi đứa trẻ lĩnh hội và ghi nhận những lời dạy bảo, khuyên răn sau này.

Để tạo chữ tín cho con, trong bất cứ trường hợp nào cha mẹ cũng phải nhất quán giữa lời nói và hành động. Khi cha mẹ được tín nhiệm, trẻ sẽ hành động một cách tích cực và ứng xử theo khuôn mẫu mà cha mẹ đã thể hiện.

Dạy con chữ tín, nghĩa là cha mẹ đã dạy trẻ biết sống có trách nhiệm trong lời nói và hành động của mình đúng với những gì chúng đã nói hay đã hứa. Tạo chữ tín cho con còn là giáo dục cho trẻ thái độ sống.

Chữ tín còn thể hiện trong việc cha mẹ biết cân nhắc trước khi hứa và làm điều gì với trẻ. Từ đó, khắc phục thói quen vòi vĩnh, gây áp lực với cha mẹ ở một số trẻ.

Bởi có không ít trẻ lợi dụng việc cha mẹ hay đưa ra điều kiện để mè nheo, đòi hỏi… Nếu cha mẹ không đáp ứng những điều kiện đó, sẽ bị dán nhãn là cha mẹ không yêu thương mình.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI