Dạy con chính là hành trình tự rèn luyện bản thân

23/10/2018 - 07:30

PNO - “Dạy con từ thuở còn thơ” - câu nói tưởng đã xưa nhưng chưa bao giờ cũ và tôi vẫn thường tự mình đặt ra những câu hỏi xoay quanh nó: dạy cái gì, còn thơ là từ khi nào?

Vốn là một giáo viên tiểu học, thường xuyên tiếp xúc với phụ huynh, tôi thường nghe họ than thở: “Cô ơi, cháu ở nhà bừa lắm; chơi xong, nó bày ra đó, chẳng chịu thu dọn”. “Ba mẹ suốt ngày cứ lẽo đẽo theo sau nó để dọn dẹp. Nhắc hoài không được, có lúc phải dọa đến đòn roi mới chịu làm cô à. Thế có phải là Bụt nhà không thiêng không?”.

Day con  chinh la hanh trinh  tu ren luyen ban than
 

Họ nói như vậy, vì biết rằng khi ở lớp, các em tự cất đồ chơi đúng nơi quy định và dọn dẹp cặp sách ngăn nắp trước khi ra về. Vậy thì tại sao các em chỉ làm điều đó ở lớp? Lẽ nào vì sợ cô? Bây giờ, là mẹ của đứa con chưa tròn 2 tuổi, tôi không muốn đến lúc nào đó, mình phải thốt ra những câu ca thán giống như những phụ huynh kia.

Tôi tự nhủ, mình sẽ dạy con những thói quen tốt sớm nhất có thể. Một khi đã thành thói quen thì dù nhỏ hay lớn, ở nhà hay trường học, dù được nhắc nhở hay không, bé vẫn sẽ làm. Và tôi bắt đầu hành trình xây dựng thói quen dọn dẹp cho con.

Hành trình ấy bắt đầu với món đồ chơi đầu tiên của con khi con tròn 3 tháng tuổi. Mỗi lần cầm đồ chơi của con cất đi, tôi nói: “Chơi xong rồi, mình dọn dẹp nào. Má giúp con nha”. Tôi cứ lặp lại câu nói ấy sau mỗi lần như vậy. Ông bà, cô dì chứng kiến cách tôi trò chuyện với bé đều cười, cho rằng tôi đang làm một việc vô ích vì “nó biết gì mà dọn dẹp”. Suy nghĩ cố hữu đó khiến rất nhiều người trong chúng ta cứ làm thay cho con, dọn dẹp cho con vì nghĩ “con còn bé quá, đã biết gì đâu”. Lâu dần, đến lúc giật mình nhận ra thì con mình đã lớn tướng mà chẳng biết làm gì, còn mình thì đã quá mệt mỏi, chỉ biết ca thán hoặc trách mắng con.

Tôi nhận ra rằng, điều trước tiên, phải tập cho mình thói quen tập cho con. Nghe có vẻ rối rắm một chút. Nhưng điều đó vô cùng quan trọng vì nó đòi hỏi chúng ta phải vô cùng kiên nhẫn. 

Quay trở lại hành trình. Khi được hơn 5 tháng tuổi, bàn tay con đã có thể cầm nắm đồ vật đặt từ chỗ nọ sang chỗ kia. Vẫn câu nói ấy, nhưng tôi cầm thêm chiếc túi để gần bé nhất để bé có thể lấy những quả bóng nhỏ trong tầm tay rồi thả vào túi. Quả bóng trượt khỏi bàn tay nhỏ xíu của con văng ra ngoài, rồi chui tọt xuống gầm giường, dưới chân tủ lạnh hoặc bất cứ nơi nào chúng có thể lăn. Tôi lại phải đứng dậy, đi lấy gậy rồi lom khom, hì hục với việc thu lượm bóng cho con.

Phải nói rằng, 98% công việc là tôi làm đấy và tôi phải mất khoảng thời gian gấp 3 lần mình tự làm, nhưng 2% công việc lấy và thả bóng vào túi đối với con thú vị vô cùng. Chẳng những thế, việc làm ấy còn giúp con rèn luyện khả năng vận động, con nhận thức rõ hơn những bộ phận trên cơ thể mình. Đến khi con được 7 - 8 tháng tuổi, con đã thuần thục hơn với động tác bò, biết hướng theo mục tiêu để lấy vật từ điểm A di chuyển đến điểm B, tôi vẫn nói lời kêu gọi và chơi trò dọn dẹp.

Có người bạn chứng kiến, nói với tôi rằng: “Sao không tự làm cho nhanh. Công việc bù đầu mà còn bảo nó lấy thì khi nào cho xong”. Nhưng bạn ơi, đối với tôi điều đó quan trọng lắm. Con tôi được rèn kỹ năng vận động, được rèn kỹ năng nghe hiểu. Và tôi biết, không có sự rèn luyện nào là không mất thời gian cả.

Cho đến khi con được 1 tuổi, câu nói của tôi phần nào thay đổi: “Con chơi xong rồi, mình dọn dẹp nào”. Thay vì chủ động xách túi chìa ra cho con, tôi ngồi kế bên quan sát bé. Con tự mình di chuyển, chậm rãi cầm những trái banh thả vào túi, vừa làm vừa nhìn tôi, cười vui vẻ. Thỉnh thoảng, tôi khen động viên con: “Con giỏi quá. Dọn dẹp gần xong rồi”. Tôi cùng chơi với bé và nhận thấy lúc này, mình chỉ cần làm 60% công việc.

13 tháng tuổi, bập bẹ chưa tròn tiếng, con lặp lại khẩu hiệu dọn dẹp của tôi mỗi khi tôi ra hiệu con dừng chơi. Con 18 tháng tuổi, tôi thật sự bất ngờ với câu trả lời “để con dọn dẹp đã” khi tôi đề nghị con cùng đi dạo.

Đến nay, con bước sang tháng thứ 22, tôi nhận thấy mình tạm thành công bước đầu trong hành trình dạy con những thói quen tốt, mà đầu tiên là dọn dẹp những thứ gần con nhất. Để xây dựng được thói quen này, tôi cũng đặt ra những nguyên tắc giữa mình và con. Đó là: luôn dọn dẹp sau khi chơi xong; nếu có việc gấp, không thể dọn dẹp ngay, tôi đưa ra một lý do cho việc trì hoãn; tôi luôn cùng con dọn dẹp và ưu tiên để con làm những gì có thể. Nên nhớ rằng, trong ba nguyên tắc ấy, chúng ta rất dễ vi phạm nguyên tắc thứ ba. Bởi nôn nóng, chúng ta có thể giành hết phần việc của con.

Và một điều quan trọng nữa là, người thực hiện những nguyên tắc đó không phải là bé con mà chính là tôi - mẹ bé. Dần dần, tôi nhận ra thêm một điều: “Dạy con từ thuở còn thơ” cũng chính là hành trình tôi rèn luyện bản thân, trong đó, tôi thấy mình điềm đạm hơn, kiên nhẫn hơn, bên cạnh thành quả quý giá là tính tự lập của con lớn lên từng ngày.

 Hồ Điệp

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI