Dạy con biết yêu lao động

14/10/2023 - 10:26

PNO - Tôi không bi kịch hóa những khó khăn trong cuộc mưu sinh, nhưng tôi cũng không tô vẽ. Tôi nghĩ con cần biết thực chất khả năng của cha mẹ và con sẽ có ý thức chia sẻ trong khả năng của chúng.

Moon, con gái út của tôi 12 tuổi, khỏe mạnh, tháo vát và sáng tạo. Hè vừa rồi, tôi thu xếp cho con một công việc ở quán cơm văn phòng, mỗi tuần tầm 10-12 giờ, con được trả công 17.000 đồng/giờ. 968.000 đồng - khoản thu nhập đầu đời khiến con vui và tự hào lắm.

Mỗi ngày, con đều kể ở quán con làm gì, con được hướng dẫn thế nào, ăn uống ra sao... Rồi con nhẩm tính, con sẽ làm gì với số tiền đó. Khi tôi đề nghị con mua kem đãi anh Hai, con trầm ngâm: “Con cần phải nghĩ kỹ”.

Ảnh mang tính minh họa - Beo.AI
Ảnh mang tính minh họa - Beo.AI

Tôi hiểu, không phải Moon so đo với anh, mà vì con đã hiểu hơn về giá trị của tiền bạc, khi con phải đi đứng liên tục suốt mấy giờ đồng hồ. Thêm 2 chặng xe bus mất hơn 1 giờ, về đến nhà là con lăn ra ngủ say sưa.

Giá trị của lao động là như vậy, không lời nói, lời dạy, lời khuyên nào thuyết phục hơn chính ta trải nghiệm. Hiểu được giá trị của lao động, người ta sẽ biết tự lập, tự giác hơn.

Tôi hay nhận được tin nhắn của các bà mẹ, hỏi về kinh nghiệm nuôi dạy 3 đứa con tự lập. Tôi cho rằng, cách hiệu quả nhất là dựa trên hoàn cảnh thực tế và điều chỉnh cho phù hợp với tâm sinh lý của các con.

Trong ký ức của tôi, em trai tôi làm các công việc nặng như kéo nước từ giếng lên, chẻ củi, chăn bò/dê. Tôi giặt giũ, quét dọn, nấu nướng, ủi quần áo...

Khi cần, chị em tôi có thể choàng việc cho nhau, tức là đứa này có thể làm việc của đứa kia, nhưng về cơ bản sẽ phân công theo thể trạng, sức khỏe và giới tính. Trong gia đình tôi, việc nhà là của mọi người, chứ không phải ba và các con “giúp mẹ”.

Sống cùng một nhà, mọi người đều cần có trách nhiệm chia sẻ những công việc phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt của chính bản thân mình.

Từ lúc mang bầu rồi sinh con, tập ăn dặm... về cơ bản, tôi nuôi con theo khoa học/y học phổ thông, cộng thêm trực giác và cảm xúc của một người mẹ. Tôi làm tốt hơn ở đứa con sau, do có sự loại bỏ, cân đối. Tôi nuôi dạy và đối đãi với con bằng sự thẳng thắn, như chính bản tính của mình trong mọi môi trường sống.

Có những giai đoạn khó khăn trong công việc, tôi nói cho các con biết: Mẹ vẫn đủ khả năng lo cho các con ăn học, song mua sắm quần áo, vui chơi giải trí… cần phải cân nhắc.

Ảnh mang tính minh họa - Beo.AI
Ảnh mang tính minh họa - Beo.AI

Các con tôi cứ thế mà thành nếp. Con trai thứ hai, đi lại mỗi ngày từ nhà đến trường bách khoa 2 lượt là 90 phút, tôi nói để mẹ mua cho chiếc xe máy điện, con nói xe đạp điện từ năm lớp Mười một vẫn ổn mà mẹ. Hôm nào đi làm về mệt, tôi nói mẹ mệt quá, mẹ không muốn vào bếp.

Các con nấu cho mẹ ăn đi, nấu gì cũng được. Thường, các con sẽ hỏi mẹ thích ăn gì. Kết quả là con nấu gì mẹ cũng thấy ngon.

Tôi không bi kịch hóa những khó khăn trong cuộc mưu sinh, nhưng tôi cũng không tô vẽ. Tôi nghĩ con cần biết thực chất khả năng của cha mẹ và ở từng độ tuổi, con sẽ có ý thức chia sẻ trong khả năng của chúng. 

Diệp Nguyễn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI