Trên đường đi làm về, chị Giang Thùy Linh (công tác tại báo Lao Động) phát hiện ra hàng chục con cò trắng bị bán giết thịt ở H.Ba Vì (Hà Nội). Hỏi thăm địa chỉ người mua, chị quyết định đi “giải cứu” cò và đưa con trai Tuấn Kiệt (5 tuổi) theo cùng. Chị tin rằng đó sẽ là chuyến đi vô cùng ý nghĩa, là một cách truyền dạy cho con tình yêu thương động vật.
Làm công việc liên quan đến môi trường, động vật hoang dã (ĐVHD) nên từ khi con trai chỉ mới hai, ba tuổi, chị Thùy Linh đã luôn kể cho con nghe về thế giới tự nhiên. “Tôi làm một bộ ảnh về các loài vật, trên đó có ghi chú đặc tính từng loài rồi in ra như các thẻ bài. Mỗi ngày tôi giới thiệu với con một vài loài. Đến giờ bé đã ghi nhớ được rất nhiều câu chuyện, đặc tính của nhiều loài vật. Tôi luôn cố gắng truyền cho con tình yêu thương động vật một cách tự nhiên nhất” - chị Thùy Linh chia sẻ.
Hai mẹ con cũng thường xuyên xem các chương trình/clip hay về động vật. Những thước phim sinh động cũng giúp con trai chị hiểu biết hơn, tự lý giải về hành vi, khả năng, mối liên kết hoặc cuộc chiến sinh tồn của các loài trong tự nhiên.
Mọi đứa trẻ sinh ra đều có lòng trắc ẩn, mầm thiện ấy được gieo và hoàn thiện từ những giá trị người lớn vun đắp. Một đứa trẻ lớn lên trong gia đình mà ông bà, cha mẹ có ý thức gìn giữ, bảo vệ môi trường, yêu thương động vật tất yếu sẽ ảnh hưởng. Ngược lại, trẻ nhỏ nhìn thấy ba mẹ vô tư ăn thịt thú rừng, xả rác bừa bãi, chúng cũng dễ dàng bắt chước theo. Bảo vệ/bảo tồn ĐVHD nghe có vẻ là vấn đề to tát quá với trẻ con. Nói với con về ĐVHD là điều mà nhiều bậc phụ huynh chưa nghĩ đến. Nhưng điều đó thực sự cần thiết. Nhân cách trẻ - “tính bổn thiện” của mỗi người đều bắt đầu từ những hạt mầm nhân ái từ tâm này.
Chị Nguyễn Thanh Ngọc Hân, quản lý dự án ĐVHD tại Trung tâm hành động và liên kết vì môi trường và phát triển - CHANGE, kể một lần đơn vị thực hiện chiến dịch bảo vệ voi, tê giác, tê tê tại Vạn Hạnh Mall (TP.HCM), khi nhìn thấy những thông điệp tuyên truyền không sử dụng ngà voi của chương trình, một đứa bé đã quay sang hỏi người cha rằng: “Ngà voi chỉ có giá trị khi còn trên thân con voi, vậy tại sao ba lại đeo ngà voi làm gì?”.
Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng, người rất tích cực trong việc điều tra các vụ việc săn bắn/buôn bán ĐVHD phi pháp chia sẻ, vào những ngày cuối tuần anh thường đưa gia đình vào rừng cắm trại. Đó là cách anh dạy các con tình yêu thiên nhiên và biết yêu thương muôn loài.
|
Gieo tình yêu với muôn loài cũng là ươm mầm nhân ái cho trẻ nhỏ (ảnh chụp tại Thảo Cầm Viên) - Ảnh: T.Q. |
Trong Thảo Cầm Viên Sài Gòn, dịp cuối tuần cũng có rất nhiều phụ huynh đưa con nhỏ đến thăm vườn thú. Nhìn những đứa trẻ hào hứng khi được tận tay cho hươu nai ăn lá, cảm giác thật ngọt ngào. Trẻ thơ tò mò với tất cả sinh vật, yêu thương nâng niu hay sợ hãi, ghét bỏ cũng là do ảnh hưởng trực tiếp từ người lớn.
Chị Hoàng Thị Minh Hồng - Giám đốc Trung tâm CHANGE - ước ao: “Làm sao để các chương trình về ĐVHD trên VTV cũng hay và đẹp như Animal Planet hay National Geographic”. Điều này không dễ dàng gì khi việc chụp ảnh ĐVHD tại những khu rừng nguyên sinh của Việt Nam còn rất khó. Trẻ nhỏ chỉ có thể nhìn ngắm các loài hoang dã từ các safari hay sở thú. Nhưng nói như chị Minh Hồng thì “lòng yêu thương vẫn là thứ mạnh nhất để chúng ta hành động”.
Theo báo cáo Sự sống hành tinh WWF 2020, trong gần nửa thế kỷ (từ 1970-2016), thế giới đã mất 68% các loài động vật có vú, chim, bò sát, lưỡng cư và cá. Ngoài việc môi trường sống của chúng ngày càng bị thu hẹp, một trong những nguyên nhân chính là việc buôn bán ĐVHD trái phép. Voi, tê giác và tê tê là ba loài bị săn bắn lấy ngà, sừng, vảy nhiều nhất. Chú tê giác Java cuối cùng ở Việt Nam đã chết. Bò xám, hươu sao, cầy rái cá ở nước ta cũng đã tuyệt chủng. Tám loài tê tê trên thế giới hiện đang nằm trong sách đỏ…
Chuyên gia bảo tồn Trần Lê Trà nói: “Một loài tuyệt chủng không vấn đề gì. Nhưng rất nhiều loài tuyệt chủng trong cùng một thời điểm như hiện nay là câu chuyện lớn. Cuốn sách Khi đàn cá không về giải thích câu chuyện dưới lòng đại dương, với minh họa dễ thương, sinh động; hoặc câu chuyện về sự vắng mặt của những chú sói đồng cỏ có thể ảnh hưởng đến hệ sinh thái như thế nào…
Người lớn hoàn toàn có thể diễn giải cho trẻ nghe bằng những câu chuyện kể, tự nhiên mà hấp dẫn, khơi gợi tính tò mò và trí tưởng tượng của trẻ. Tình yêu động vật, ý thức gìn giữ bảo vệ môi trường không tự nhiên mà có, trẻ nhỏ vẫn rất cần những ngọn đèn người lớn soi đường.
Những khu rừng mở cửa
Cha mẹ có thể đưa con đến sở thú, thăm các vườn quốc gia như Vườn Quốc gia Bidoup Núi Bà… để tìm hiểu về thiên nhiên và các loài hoang dã. Trước những chuyến “vào rừng” trải nghiệm thực tế, các em nhỏ sẽ được người hướng dẫn diễn giải thông tin về rừng, những câu chuyện về các loài động vật; trau dồi kỹ năng, cắm trại, tham gia những trò chơi tìm hiểu kiến thức về cây cối…
Tiến sĩ Lê Văn Hương - Giám đốc Vườn Quốc gia Bidoup Núi Bà vừa có sáng kiến lập ứng dụng kể chuyện về các loài cây, động vật hiện có trong rừng. “Mỗi loài đều có riêng một câu chuyện, được chọn kể theo cách chắt lọc và hài hước, dễ nhớ nhất. Đó sẽ là những câu chuyện bất tận về rừng…” - ông Hương nói
|
Lục Diệp