Sách về dạy con vô cùng phong phú nhưng cũng làm phụ huynh hoang mang hơn, không biết nên chọn kiểu dạy nào trong “rừng” phương pháp đến từ khắp nơi trên thế giới.
Cuộc đối thoại giữa phóng viên Báo Phụ Nữ TP.HCM với tiến sĩ Lê Nguyên Phương - chuyên gia tâm lý học đường Học khu Long Beach, giảng viên chương trình cao học bộ môn tâm lý học đường Đại học Chapman (California, Mỹ) sẽ chỉ cho phụ huynh những hướng nghĩ, để từ đó có cách dạy con phù hợp và hiệu quả nhất.
|
Ảnh minh họa |
* Phóng viên: Phần lớn các bậc cha mẹ Việt Nam đang tự mò mẫm về cách dạy con. Họ vừa trăn trở với nhiều kinh nghiệm của những người đi trước, vừa hoa mắt với một rừng kiến thức du nhập từ nước ngoài. Xin ông vui lòng đưa ra một lối đi cho họ?
- Tiến sĩ Lê Nguyên Phương: Dạy con là một câu chuyện không đơn giản. Cách dạy con theo lối Á Đông truyền thống đã có nhiều điểm không còn phù hợp với thời đại mới, nhưng tiếp thu cách dạy con theo văn hóa phương Tây một cách vội vã cũng cho kết quả sai lệch. Chẳng hạn, nhiều cha mẹ nghĩ rằng, dạy con theo tinh thần dân chủ Âu - Mỹ là tự do, phóng khoáng.
Đúng ra, sự tự do ở đây vẫn phải gắn với trách nhiệm, những định chế kiểm soát và quân bình lẫn nhau. Sách về dạy con trên thị trường cũng không thiếu, nhưng sách ghi lại việc dạy con theo kiểu các nước thành công chỉ mang tính định hướng là chủ yếu. Nguy hiểm hơn, tôi thấy có sách còn đưa ra những bài học mâu thuẫn nhau hoặc đầy cảm tính, có lẽ vì tác giả không có chuyên môn, thiếu kiến thức nền tảng về giáo dục và tâm lý.
Theo nghiên cứu của giáo sư tâm lý lâm sàng và phát triển Diana Baumrind, có bốn lối dạy con. Tôi đã viết khá rõ về bốn lối dạy con này trong cuốn sách Dạy con trong “hoang mang” I, xuất bản cách đây chưa lâu.
Thứ nhất là dạy con theo lối độc đoán, con cái phải tuân theo tất cả các luật lệ áp đặt của cha mẹ, nếu vi phạm sẽ bị trừng phạt. Cách này hình thành những đứa trẻ lễ phép, vâng lời, kỷ luật nhưng tiềm ẩn sự tức giận, bất mãn hoặc yếu đuối, thiếu tình thân ái, tư duy độc lập kém.
Thứ hai là dạy con theo lối nuông chiều, thường hình thành những đứa trẻ thiếu kỷ luật tự thân, ít động lực phấn đấu thành đạt, khả năng giao tiếp xã hội bị hạn chế, và thường gặp khó khăn trong môi trường làm việc đòi hỏi kỷ luật cao.
Thứ ba là dạy con theo lối phó mặc, để trẻ tự chăm sóc bản thân. Trẻ con được dạy theo lối này thường gặp khó khăn trong việc xây dựng các mối quan hệ ngoài xã hội, thậm chí dễ rơi vào nghiện ngập, bạo lực vì không học được sự yêu thương và gắn bó với cha mẹ.
Thứ tư là dạy con theo lối “từ nghiêm”, cha mẹ vừa nghiêm khắc thiết lập những kỳ vọng và kỷ luật nhưng đồng thời hỗ trợ con cả về vật chất lẫn tinh thần. Lối dạy này thường giúp trẻ dễ thành công và hạnh phúc hơn khi lớn lên. Nhưng ngay cả khi biết lối nào là hữu ích cho việc dạy con đi nữa, thì điều quan trọng nhất vẫn là việc cha mẹ có đủ nội lực để vận dụng lối dạy con đó hay không. Và điều đó đòi hỏi một hành trình bắt đầu chuyển hóa mình của cha mẹ.
|
Tiến sĩ Lê Nguyên Phương |
* Cha mẹ chuyển hóa mình bằng cách nào, thưa ông?
- Bằng cách “làm hòa với quá khứ, hóa giải những khổ đau, hàn gắn những tổn thương” trong tâm hồn của cha mẹ. Những đau khổ, tổn thương, mặc cảm trong lòng chúng ta cũng sẽ ảnh hưởng đến con trẻ. Vì thế, chúng ta cần đối mặt để hóa giải chúng; nếu không, những tật nguyền tâm lý sẽ mãi còn đó, vết thương lúc nhỏ sẽ “mưng mủ” đến cuối đời.
Hầu hết chúng ta đều ít nhiều có những vết thương đó, cả tôi cũng không ngoại lệ. Tôi còn nhớ, lúc mới đến Mỹ ở tuổi ngoài 30, tôi vẫn chưa thể cải thiện được những cơn giận dữ của mình, là nguyên nhân gây đổ vỡ nhiều mối quan hệ tốt đẹp của tôi lúc đó.
Trong một lần được tham vấn tâm lý với một chuyên gia người Mỹ, tôi đã chảy nước mắt khi nhớ lại hình ảnh một lần cha tôi đã ân cần thăm hỏi tôi sau một thời gian dài bỏ mặc, không quan tâm đến những cảm xúc (emotional neglect) của tôi. Sự bỏ mặc về khía cạnh tinh thần và cảm xúc đó, cả đòn roi của cha tôi đã để lại những tổn thương bên trong tôi cho đến lúc lớn lên.
|
Ảnh minh họa |
Đó là nguồn gốc của những cơn giận dữ với đồng nghiệp, bạn bè, gia đình… Cha mẹ trong đời sống của riêng mình cũng mang nhiều căng thẳng, khổ đau không hóa giải được và vì thế mà nhiều khi vô tình đã gây ra những đau khổ cho con cái. Vì vậy, chúng ta hãy nhớ lại tuổi thơ của mình và tự chữa lành những tổn thương đó cho chính mình trong suốt tiến trình dạy con.
Mặt khác, với những mặc cảm phát xuất từ những thiếu thốn, bất hạnh trong quá khứ, cha mẹ cũng có những tham vọng, khát khao về sự thành đạt của con cái, nhưng đừng vì thế mà biến con cái của chúng ta thành một phương tiện để giải tỏa những ẩn ức, mặc cảm của chính chúng ta. Chúng ta từng ao ước trở thành ông nọ, bà kia mà bất thành, không có nghĩa là con chúng ta sẽ hiện thực hóa ước mơ đó của cha mẹ.
Thay vì cố nhào nặn con thành những mẫu hình mà chúng ta khao khát, hãy giúp con đạt được những điều mà tận trong thâm tâm mỗi người chúng ta đang hướng đến, đó không phải là quyền lực, danh vọng, tiền bạc mà là tinh thần sáng suốt, trầm tĩnh và sự bình an trong tâm hồn.
* Làm sao có được sự trầm tĩnh, bình an khi mà bạo lực học đường vẫn luôn rình rập, thậm chí các em ngày càng tỏ ra hung hăng và tàn nhẫn hơn với thân thể cũng như danh dự, nhân phẩm bạn bè?
- Bạo lực học đường không chỉ là vấn đề của Việt Nam, ngay tại Hoa Kỳ cũng không hiếm. Và chúng ta cần tìm hiểu về nguy cơ nhiều mặt, chứ không đổ cho một nguyên nhân độc nhất nào. Chúng ta thường quy chụp cho sự phát triển của phim ảnh, internet cùng với vai trò, trách nhiệm của gia đình, nhưng đây chỉ là một phần.
Khi đứa trẻ vốn từng là nạn nhân của bạo hành, trẻ lạm dụng ma túy, rượu chè; những trẻ thiếu tự tin, thường xuyên sống trong căng thẳng, áp lực có nguy cơ dễ dùng bạo lực để giải quyết vấn đề hay trấn áp trẻ khác. Mặt khác, nguy cơ có khi xuất phát từ nhà trường. Bạo lực trong học đường còn xảy ra và được dung dưỡng khi giáo viên hay học sinh của trường dửng dưng hay có thái độ chấp nhận những hành vi bắt nạt, thậm chí sử dụng bạo lực đối với người khác.
|
Ảnh minh họa |
Một giáo viên gọi học sinh là ngu dốt và cấm các em khác không chơi với học sinh đó cũng là một hiện tượng bạo lực học đường, vì hành vi của giáo viên là sự tước đoạt phẩm giá, sự an lành trong tâm trí, vị trí xã hội của học sinh và trấn áp các mối quan hệ xã hội của trẻ em. Còn đối với ban giám hiệu, bạo lực sẽ xảy ra khi họ áp dụng các hình thức kỷ luật không công bằng, lạm quyền hoặc quá khắc nghiệt, đặc biệt là khi định chế giáo dục và văn hóa thiếu tính nhân văn.
Tuy nhiên, vai trò của cha mẹ rất quan trọng trong việc giúp các em “có nguy cơ” được chẩn đoán và điều trị sớm những rối loạn tâm thần, đồng thời dạy cho các em kỹ năng giao tiếp xã hội và giải quyết các vấn đề. Trong gia đình, cũng cần có một hệ thống thưởng phạt phân minh, bình đẳng và nhất quán.
Và chúng ta đừng khiến con trở thành nạn nhân của bạo lực bằng việc làm cho con cái trở nên bạc nhược, yếu đuối, phục tùng cha mẹ vô điều kiện. Cha mẹ cũng đừng tạo ra những đứa trẻ sẵn sàng dùng bạo lực trong nhà trường và xã hội bằng thói quen sử dụng bạo lực, ích kỷ, cường quyền với con cái trong gia đình hay các quan hệ khác trong xã hội.
* Là người có hơn 20 năm tham vấn tâm lý học đường từ khối mầm non đến đại học, ông nhận thấy đâu là vấn đề đáng được quan tâm hàng đầu trong lĩnh vực này?
- Đáng quan tâm nhất là vấn đề trầm cảm ở học sinh. Theo một nghiên cứu, trong 1.161 học sinh trung học (15 đến 18 tuổi) tại Cần Thơ, tỷ lệ học sinh bị trầm cảm là 41,1%. Cũng trong nhóm này, tỷ lệ trẻ có ý tưởng tự tử là 26,3%, có kế hoạch tự tử là 12,9%, và đã từng tự tử là 3,8%. Đa số chúng ta vẫn nghĩ rằng, trầm cảm chỉ là xuống tinh thần hay sự yếu đuối.
Nhưng theo giáo sư Ralph Cash của Hội Tâm lý học đường tại Hoa Kỳ, chứng rối loạn trầm cảm lâm sàng trầm trọng hơn cảm giác xuống tinh thần rất nhiều. Đó không phải nhược điểm cá nhân hay lỗi về nhân cách mà là một dạng bệnh tâm thần làm thay đổi cảm xúc, suy nghĩ và hành động.
Nếu không được chữa trị, sẽ dẫn đến học hành sa sút, rối loạn hành vi và phạm pháp, gây nên chứng chán ăn hay ăn nhồi, sợ hãi trường học, gây khủng hoảng, dễ dẫn đến sử dụng ma túy, thậm chí tự tử.
Được biết, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đề xuất thành lập mô hình tham vấn tâm lý ở các trường phổ thông và đại học. Đây là tín hiệu tốt cho những bước đầu giải quyết vấn đề sức khỏe tâm thần của học sinh trong trường học dù hơi muộn và cũng chưa đủ mạnh dạn, mới chỉ dừng lại ở mức tư vấn, tham vấn chứ chưa nhắm đến một dịch vụ tâm lý toàn diện cho học sinh.
* Nhiều bà mẹ cho rằng các ông bố Việt ít chơi với con, hiếm khi quan tâm đến việc dạy con cũng như tìm hiểu về các cách dạy con mới, thậm chí không biết cách thể hiện tình cảm với con thế nào, ông nghĩ sao về vấn đề này?
- Tôi chưa làm nghiên cứu khoa học nào về đề tài này nên chưa biết bao nhiêu phần trăm đàn ông thờ ơ trong việc dạy con. Nhưng trong cuộc sống, chúng ta không nên giới hạn ở con số thống kê mà phải đi sâu vào tìm hiểu nguyên nhân. Rõ ràng, người Việt chúng ta đã trải qua một thời gian dài với văn hóa, tập tục, quy ước trong xã hội và người đàn ông chưa bao giờ bị đòi hỏi nhiều về chuyện dạy con hay thể hiện tình cảm với con.
Phụ nữ không biết rằng, đàn ông đôi khi mặc cảm vì “bị” kỳ vọng quá nhiều về địa vị, sự nghiệp. Buổi tối, lẽ ra được về chơi với con, đàn ông vẫn phải ở công sở hoặc đi giao tế với khách hàng. Và những ức chế, mặc cảm, những lời cáo buộc có thể biến thành sự nóng giận với vợ con.
Chính vì vậy, tôi mong là những ông bố có thời gian để đọc quyển Dạy con trong “hoang mang” I và II, để trút bỏ lớp vỏ bọc khắc nghiệt, “rửa trôi” những mặc cảm, ức chế, tổn thương, để gần gũi con dễ dàng hơn. Và phụ nữ hãy mở lòng chia sẻ, cảm thông với người đàn ông hơn là trách móc họ, để cả hai cùng hướng đến một môi trường dạy con hạnh phúc, bình an.
* Cảm ơn ông về những chia sẻ trên.
Xuân Lộc (thực hiện)