Vừa trở về sau chuyến du lịch kết hợp thăm các con, bà Lê Thị Thanh Lâm - Phó chủ tịch Hội Nữ doanh nhân TPHCM (Hawee) - bước vào nhà liền bắt gặp một bình hoa trên bàn với tấm thiệp nhỏ: “Chào mừng mẹ về nhà”. Đó là món quà từ con gái út của bà, người vừa tiễn bà ra sân bay về Việt Nam hôm qua. Đây là một trong những cách quan tâm, yêu thương hay có thể nói là nếp nhà của bà.
Những nếp nhà đi cùng con cháu
Tối đó, như thường lệ, bà Lê Thị Thanh Lâm có buổi họp mặt trực tuyến với gia đình. Dù cách xa nửa vòng trái đất, bà cùng gia đình sui gia và các con ở Anh, Canada vẫn duy trì thói quen này mỗi tuần.
Cuộc gọi kéo dài 2-3 giờ, khi con trai sửa chữa vài vật dụng trong nhà, con dâu nấu ăn, con gái vừa ủi đồ vừa trò chuyện, con rể ngồi bên máy tính, các cháu nội ríu rít chơi đùa, 2 bà sui vui vẻ hỏi han nhau. Cảm giác ấm áp như chính họ đang cùng quây quần dưới một mái nhà.
Bà Lâm luôn tin rằng tình cảm gia đình không thể để tự nhiên lớn lên mà cần được vun đắp một cách có ý thức bằng sự quan tâm, kỷ luật và những nếp sinh hoạt được duy trì qua nhiều thế hệ.
 |
Bà Thanh Lâm (bìa trái) và những giây phút hạnh phúc bên gia đình - Ảnh do nhân vật cung cấp |
Nhớ lại chuyến đi Canada, bà Lâm kể: “Giỏ quà tôi mang sang toàn là nguyên liệu nấu món ăn Việt và truyện tranh tiếng Việt cho các cháu. Nơi đất khách, tôi cùng các con, các cháu tạo nên một góc nhỏ quê hương, cùng đọc truyện, tập viết chữ, cùng nấu ăn... để gìn giữ tiếng mẹ đẻ. Gìn giữ văn hóa ẩm thực quê hương là gìn giữ cả tâm hồn, gốc rễ của con người”.
Sinh ra trong một gia đình nền nếp, bà Lâm lớn lên trong môi trường kỷ luật, tôn ti trật tự. Chính những giá trị ấy đã ăn sâu, giúp bà định hình cách nuôi dạy con cháu sau này. Không áp đặt con cháu theo khuôn mẫu quá cứng nhắc, bà có những nguyên tắc riêng:
Tôn trọng nguồn cội: Con cháu phải tham gia đầy đủ các dịp lễ, tết, giỗ chạp, tảo mộ để hiểu về gia đình và truyền thống văn hóa dân tộc.
Tự lập từ nhỏ: Trẻ em trong nhà có trách nhiệm với gia đình. Việc nhà không phải là “giúp mẹ” mà là phần việc của mỗi người.
Học từ những điều bình dị: Trẻ không chỉ học ở trường mà còn từ những trò chơi, từ thiên nhiên, quan trọng hơn cả là học cách đối nhân xử thế, học cách làm người, học cách yêu thương từ cha mẹ, ông bà thông qua những hoạt động cùng nhau.
Bà kể: “Trong khi nhiều gia đình chạy đua với việc học thêm, 2 con tôi vẫn có tuổi thơ trọn vẹn với cánh đồng, dòng sông, những buổi trưa thả diều, những buổi chiều tắm sông. Ngày tết, ngày hè, con được nghỉ học là về quê với ông bà. Con trai tôi là thợ phụ cho ba trong rất nhiều việc nhà (phụ hồ, sửa điện, chăm sóc cây cảnh…) ngay từ rất nhỏ”. Không phải bà xem nhẹ việc học mà bởi bà hiểu điểm số không phải là tất cả. Một đứa trẻ hạnh phúc, biết yêu thương, có trách nhiệm với gia đình quan trọng hơn một đứa trẻ đạt điểm 10.
Tình cảm gia đình cần được bày tỏ
Có một điều đặc biệt trong gia đình bà Lâm: mọi người đều tuân thủ nguyên tắc nhưng không ai cảm thấy áp lực. Điều này không đến từ những lời răn dạy cứng nhắc mà từ chính cách sống của những người đi trước.
“Ba tôi năm nay 98 tuổi vẫn giữ thói quen tự gấp chăn màn gọn gàng mỗi sáng. Ông vẫn đọc báo, đi bộ, sinh hoạt giờ nào việc nấy. Tôi học được từ ba sự ngăn nắp, kỷ luật và tôi cũng luôn làm gương cho các con” - bà cho biết.
Trẻ con không học từ những bài giảng đạo lý mà từ những gì chúng thấy mỗi ngày. Vì thế, bà chọn cách sống mẫu mực thay vì áp đặt. Khi con trai, con gái hỏi về hình mẫu dâu, rể lý tưởng, bà chỉ mỉm cười: “Như mẹ, như ba được rồi”. Câu nói giản dị nhưng hàm chứa tất cả niềm tin vào những giá trị chính mình tạo ra.
Trong nhà bà, không có ranh giới quá cứng nhắc giữa “công việc của mẹ” và “công việc của ba”. Ai rảnh thì nấu ăn, ai nấu thì người kia rửa chén, các con có việc của các con. Các cháu được dạy tự lập từ nhỏ: tự ủi quần áo, tự dọn dẹp phòng, tự lên kế hoạch học tập.
Bà Lâm ví von: “Nói theo ngôn ngữ quản trị là “lãnh đạo” chứ không phải “quản lý” con cái”. Nhờ truyền thống ấy mà dù sống ở trời Tây, các con bà vẫn có thể tự lập và luôn ý thức gìn giữ nét đẹp truyền thống của Việt Nam, của gia đình. Ngày tết, ngày giỗ, mọi nghi lễ đều được duy trì đầy đủ, nghiêm túc.
Ở Việt Nam, khi con còn nhỏ, cha mẹ ôm ấp, thể hiện tình cảm rất tự nhiên. Nhưng khi con lớn, sự gần gũi ấy dần phai nhạt. Khác với thế hệ trước, bà Lâm không ngại thể hiện tình cảm với con. Bà kể: “Lúc đầu, tôi cũng hơi ngại ngùng nhưng sau khi du học 3 năm trở về, con tôi đã ôm chầm lấy và hôn mẹ. Dần dà thành thói quen, tôi cũng thấy thoải mái hơn”. Bởi thế, bà luôn khuyến khích sự cởi mở trong gia đình.
Có một bí quyết giữ hạnh phúc mà bà Lâm thường áp dụng: nguyên tắc “phân công chéo” trong chăm sóc cha mẹ 2 bên: bà chăm sóc mẹ chồng, còn chồng lo cho cha mẹ vợ.
Bà nói: “Con ruột lo cho cha mẹ thì quá bình thường nhưng nếu con dâu hay con rể quan tâm, chăm sóc thì giá trị gấp đôi”. Nhờ cách làm này mà gia đình bà thêm gắn kết.
Bà Lâm tin rằng thành công của một doanh nhân không chỉ đo bằng sự nghiệp mà còn bằng cách họ xây dựng tổ ấm yêu thương, hiếu đạo trên dưới vẹn toàn. Gia đình bà là một hình mẫu dung hòa giữa truyền thống và hiện đại, giữa kỷ luật và yêu thương - một nền tảng vững chắc để con cháu trưởng thành và đạt nhiều thành quả trong cuộc sống.
Thanh Hoa