Đầy ắp cảm xúc với Người đàn bà uống rượu

09/06/2014 - 16:03

PNO - PN - Tối 5/6, buổi ra mắt vở diễn Người đàn bà uống rượu (tác giả Hữu Ước, đạo diễn Quốc Thảo) của Sân khấu (SK) kịch Hồng Vân đã mang lại cho khán giả những cảm xúc bất ngờ, thú vị.

Vốn là bài thi tốt nghiệp của khóa đào tạo diễn viên đầu tiên ở SK kịch Hồng Vân vào tháng 4/2014, vở diễn được chỉnh sửa, bổ sung để hoàn chỉnh hơn. Chuyện kịch kể về những người lính Trường Sơn năm xưa thật sống động, đầy ắp cảm xúc. Đó là mẩu chuyện có thể khiến người xem cười ngặt nghẽo về những trò tinh nghịch của các cô lính trẻ; là kiểu đối thoại “bốp chát”, cá tính nhưng rất hóm hỉnh giữa lính và thủ trưởng khi “chẳng may” chỉ huy là nam còn cấp dưới lại toàn các cô gái… Những tiếng cười trong trẻo, hồn nhiên ấy càng khiến người xem nghe lòng se thắt trước khát khao hạnh phúc, khát khao yêu và được yêu của những người lính trẻ ngày đêm đối mặt với kẻ thù. Giữa ranh giới mong manh của sự sống và cái chết, mỗi con người trở nên bao dung và yêu thương nhau như máu thịt. Họ có thể sẵn sàng cho nhau những thứ quý giá nhất trên đời, bởi trong cuộc chiến luôn có những cuộc chia tay là mãi mãi…

Người lính Trường Sơn sau chiến tranh không hề có nửa lời than van, dù phải đối mặt với khó khăn, với những bất công trong cuộc sống. Tình nguyện hiến dâng đời con gái với ước nguyện có thể giữ lại giọt máu cho người lính cảm tử, vốn là đứa con duy nhất của người mẹ góa, Duyên bị đuổi khỏi đơn vị vì "tội quan hệ bất chính”. Về làm việc ở nông trường, vì thẳng tính, “dám” đấu tranh với những điều sai trái, Duyên bị đẩy xuống làm quét dọn, công việc cực nhọc mà chẳng ai muốn nhận. Dù nghèo khó, dù bị mọi người coi thường, Duyên vẫn gieo cho con trai niềm tin tốt đẹp vào cuộc sống bằng hình ảnh của người cha, người lính Trường Sơn mà ngay cả tấm ảnh thờ, cô cũng phải mượn tạm ảnh của người khác.

Day ap cam xuc voi Nguoi dan ba uong ruou

Ẩn sâu trong sự hồn nhiên của những người lính trẻ là khát khao hạnh phúc

Hiện tại, quá khứ được xây dựng đan xen, với bối cảnh kéo dài từ thời chiến sang thời bình, Người đàn bà uống rượu là kịch bản tưởng chừng quá sức với những diễn viên chỉ vừa mới tốt nghiệp, ít trải nghiệm, lại chỉ hình dung chiến tranh qua phim ảnh, sách báo, lời kể của người lớn. Nhưng, trên nền kịch bản súc tích, sự khéo léo trong sắp xếp các tình tiết của tác giả và đạo diễn, các diễn viên đã mang lại những tiếng cười hóm hỉnh nhưng lắng đọng cảm xúc, đủ sức lấy nước mắt người xem.

Vở diễn mang thông điệp về tình yêu, lòng dũng cảm, sự hy sinh của người lính trong chiến tranh… như lời nhắc nhở những người đang sống hôm nay phải biết trân trọng những gì mình có và biết sống trách nhiệm hơn. Nhưng, những ai tâm huyết có lẽ không khỏi chạnh lòng khi biết vở diễn chỉ được xếp lịch biểu diễn ở các trường đại học, trung học, các quân đoàn… Việc biểu diễn bán vé tại hai điểm diễn của SK kịch Hồng Vân còn phải tính toán lại do lệ thuộc vào thị hiếu của khán giả.

Khi SK tràn ngập những vở kịch ma, kịch hài giải trí đơn thuần thì Người đàn bà uống rượu như một điểm sáng, thắp lên tia hy vọng về sự trở lại của những vở diễn mang ý nghĩa sâu sắc. “Bao giờ SK TP.HCM có được một vệt vở diễn như Người đàn bà uống rượu bên cạnh những vở giải trí thông thường?”. Trăn trở đó có lẽ không phải chỉ của riêng đạo diễn Nguyễn Hồng Dung, Phó chủ tịch Hội SK TP.HCM.

 Thảo Vân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI