Đầu xuân đến bản Mường dự lễ hội thưởng hoa

13/02/2024 - 06:54

PNO - Mỗi cây bông như một phận người, mỗi bông hoa là một mùa vụ. Lễ hội thưởng hoa (Pôồn Pôông) bắt đầu từ mùng Bốn đến rằm tháng Giêng.

Mỗi bản Mường một cây bông

Đầu năm mới cũng là những ngày người dân các xã Cao Ngọc, Quang Trung, Ngọc Liên... chuẩn bị cho lễ hội Pôồn Pôông - một trong những lễ hội đặc sắc của người Mường ở huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa.

Người dân xã Quang Trung dự lễ hội thưởng hoa.
Người dân xã Quang Trung dự lễ hội thưởng hoa

Bà Phạm Thị Quế (xã Quang Trung) giải thích: Trong tiếng Mường, “Pôồn” là chơi, nhảy múa; “Pôông” là bông (hoa). Lễ hội Pôồn Pôông là lễ hội chơi hoa, thưởng hoa của người Mường sinh sống ở Ngọc Lặc.

Ngày trước, lễ hội Pôồn Pôông được tổ chức vào tháng Ba âm lịch, bởi đó là mùa hoa bông trăng (sử quân tử) nở khắp các cánh rừng Ngọc Lặc. Dần dần, lễ hội Pôồn Pôông được tổ chức trong nhiều dịp lễ lớn của đất nước - bắt đầu từ tết Nguyên đán, khi mùa xuân mới hiện hữu trong đời sống mọi nhà.

Bà Quế nâng những chùm hoa gỗ lung linh sắc màu: “Mỗi cây bông như một phận người, mỗi bông hoa là một mùa vụ. Bản nào sẽ tự dựng cây bông của bản đó để trả ơn thần linh, mời thần linh về chung vui với bản làng”.

Giữa khoảng sân của nhà văn hóa thôn là cây bông cao khoảng 3m với 3 tầng hoa, những bông hoa được làm từ cây chạng pạng (loại cây thân gỗ, màu trắng, chất gỗ mềm, dẻo và dai) được bà con đưa về từ sâu trong rừng.

Cây bông là trung tâm của mọi hoạt động trong lễ hội.
Cây bông là trung tâm của mọi hoạt động trong lễ hội

Quá trình làm hoa rất kỳ công, người ta cạo sạch vỏ cây chạng pạng, ban ngày phơi nắng, ban đêm phơi sương; nhuộm màu từ những loại cây rừng đã được ngâm, ủ; rồi kết hợp với nứa, luồng… Làm được hoa đẹp nhất là các Ậu máy (người có uy tín trong bản, biết cúng bái, bốc thuốc chữa bệnh, và múa đẹp, hát hay). Họ dùng dao sắc để gọt các cánh hoa, các cánh lần lượt bung xòe như cánh hoa đồng tiền. Các bông hoa ghép thành chùm bằng các đốt nứa, rồi các chùm ghép lại thành cành. Đầu cành nào cũng gắn hình chim, cá…

Trên cây bông, ngoài hoa từ cây chạng pạng còn trang trí thêm hình các loài vật, các nông cụ gần gũi, gắn bó với đời sống của bản làng.

Những bông hoa làm từ cây chạng pạng đầy công phu,màu sắc.
Những bông hoa làm từ cây chạng pạng đầy công phu, màu sắc

Bà Quế bảo cây bông này “khiêm tốn” hơn so với một số cây bông bà từng thấy ở một số bản làng khác trong huyện. Bởi thông thường, mỗi cây bông có 5 - 7 tầng hoa. Ngày còn bé, bà Quế đã được thấy cây bông 12m, có đến 9 tầng hoa. Hay mươi năm trước, ở xã Ngọc Liên có người dựng cây bông 7 tầng, ghép từ gần 2.500 bông hoa đầy màu sắc.

48 trò diễn, điệu múa quanh cây bông

Quanh cây bông là các vò rượu cần, những dĩa xôi ngũ sắc bên mâm cỗ lá (thường là các món thịt heo bày trên lá). Mở đầu lễ hội, Ậu máy trở thành thầy mo (thầy cúng) kể lại “Đẻ đất đẻ nước”; lời sử thi, tiếng Mường rền rền như kéo về một thời huyền sử.

Trước cây bông, thầy mo cũng báo với thần linh về 1 năm bội thu mùa màng, dân bản mở hội xin tỏ lòng biết ơn trời đất đã cho mưa thuận gió hòa, gia đình hạnh phúc. Rồi thầy mo thay mặt dân bản mời thần linh, tổ tiên về vui chơi, thưởng hoa cùng con cháu.

Niềm vui của mế Mường trong lễ hội.
Niềm vui của mế Mường trong lễ hội.

Những người phụ nữ Mường xã Thạch Lập chộn rộn chuẩn bị váy đen, áo pắn (áo cánh ngắn), áo chung (áo dài)… soạn sửa trang phục cho nhau rồi cùng nhau đi hội. Các bà mế (người phụ nữ lớn tuổi) như được trở lại thời thơ ấu. Bà Phạm Thị Hoa kể: “Ngày bé chỉ biết nhìn các mẹ, các mế múa quanh cây bông thôi. Một thời gian khá dài, lễ hội Pôồn Pôông bị gián đoạn. Khoảng 30 năm nay dần được phục hồi ở các bản”.

Câu hát “Trời râm bông nở trắng/Trời nắng nở bông hồng/Nở thành hoa bông trăng má đỏ”… vang lên mở đầu phần hội. Những chiếc váy đen trùm mắt cá càng khiến bước chân các mẹ, các bà thêm uyển chuyển. Bà Hoa bảo ngày lễ hội được phục hồi ở Thạch Lập, tay chân bà vẫn ngượng nghịu lắm; nhưng dần dần, nhờ sự truyền dạy từ một số nghệ nhân lớn tuổi, bà con trong bản đã nhịp nhàng tự tin hơn trong các trò diễn, điệu múa.

Nam giới cùng tham dự hội Pôồn Pôông
Nam giới cùng tham dự hội Pôồn Pôông

Nếu những điệu múa chỉ có sự tham gia của phụ nữ thì các trò diễn đều có sự góp mặt của đàn ông. Họ cùng múa mô phỏng lại các động tác trong lao động, sản xuất vui chơi hằng ngày như chia đất, chia nước, dựng nhà, đuổi thú dữ, trồng trọt, đồ xôi, ném còn… 48 điệu múa, trò diễn đan xen quanh cây bông thâu đêm suốt sáng để mọi người cùng góp phần tái hiện trọn vẹn đời sống sinh hoạt, văn hóa của người Mường.

Trong tiếng cồng chiêng nhịp nhàng âm vang khắp bản, họ múa quanh cây bông thưởng hoa, cất tiếng hát - những khúc giao duyên, những lời ước hẹn…

Bích Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN NỔI BẬT
TIN MỚI