“Hồi đó, mỗi lần chở con ngang qua Trường Phổ thông Năng khiếu (thuộc Đại học Quốc gia TP.HCM), lúc nào hai mẹ con cũng ngước đầu nhìn lên. Thấy trường cao sao mà cao, xa sao mà xa...”, người mẹ nói về cảm xúc của mình những ngày đồng hành cùng con trên con đường học tập. Sau những nỗ lực, giờ đây, chị đang tất bật lo hồ sơ nhập học lớp Mười cho con vào ngôi trường ấy. Tưởng mơ nhưng hóa thật.
Phạm Bảo Phi và các bạn Trường THCS Tùng Thiện Vương (Q.8)
Cảm giác “cao - xa” ấy không hẳn vì khoảng cách, cũng không phải vì chị không tin tưởng vào khả năng học tập của con, mà vì Phạm Bảo Phi - con gái chị - không thể tự bước đi bằng đôi chân của mình.
Biến cố đã đến với Bảo Phi, với gia đình chị cách đây 10 năm, khi Phi đang là học sinh lớp lá. Buổi sáng hôm đó cũng bắt đầu yên ả như bao ngày, khi mẹ đánh thức Bảo Phi dậy để chuẩn bị đến trường. Cô bé đứng đánh răng mà tỉ tê với mẹ rằng, “mẹ ơi, sao chân con tê tê”. “Bình thường thôi mà. Con vệ sinh nhanh lên để còn kịp giờ đến lớp”, mẹ Phi lờ đi trước điều bất thường ấy vì nghĩ rằng con lấy lý do mè nheo để không phải đến trường. Con đến trường rồi, người mẹ cũng tất bật trên những ngả đường mưu sinh.
Kết thúc buổi sáng tại lớp học, Phi cùng các bạn đứng ở lan can ngóng mắt qua cổng trường nhìn những hàng cây reo đùa trong nắng. Khi cô giáo ra hiệu đến giờ cơm, thì các bạn nhanh chóng di chuyển đến phòng ăn, riêng Phi không thể điều khiển đôi chân của mình để đi theo các bạn. Gọi mãi thấy học trò vẫn đứng yên một chỗ, cô giáo bước đến gần thì Phi bắt đầu khuỵu xuống. Em không còn cảm giác gì với đôi chân của mình nữa. Vào đến bệnh viện, mọi hoạt động của cơ thể Phi từ vị trí quả tim trở xuống hoàn toàn ngưng lại. Chứng viêm tủy cắt ngang khiến đôi chân của Phi không còn đảm trách được chức năng của mình. Mọi di chuyển đều cần đến xe lăn.
Sáng nay, mình nhận hồ sơ nhập học của học sinh lớp 10V cơ sở 1. Một chị phụ huynh đến, rụt rè. Làm xong thủ tục, chị hỏi xin cho con không mặc áo dài. Rồi mình biết thêm, năm học này, lớp sẽ đón một học sinh di chuyển bằng xe lăn, suốt đời. Chị bảo rằng cái ngày chị cùng con chọn thi vào trường khá căng thẳng. Hai mẹ con vốn ngưỡng mộ ngôi trường này, ngưỡng mộ thầy Lê Bá Khánh Trình nhưng lại sợ con thi không đỗ. Rồi khi nghe nói trường có thang máy, con sẽ đỡ vất vả khi đến lớp nên con đã nỗ lực hết mình thi tuyển. Mắt chị đỏ hoe. Mình nhìn học bạ của em, những con số ấn tượng, xuất sắc chứng tỏ nghị lực và niềm đam mê lớn lao. Chắc chắn, Phổ thông Năng khiếu đã chào đón con và sẽ yêu thương, đồng hành cùng con bằng khoảng thời gian tươi đẹp và đáng nhớ nhất!
(Trích trang cá nhân cô giáo chủ nhiệm lớp của Phạm Bảo Phi)
Nội dung tiếp theo
Ký ức đã 10 năm nhưng rõ nét trong Phi ngày chúng tôi gặp em. Em nói về câu chuyện quá khứ như thể những diễn biến ấy vừa mới xảy ra ngày hôm qua. Chỉ có điều, đôi mắt Phi giờ đây có lẽ bình lặng hơn rất nhiều so với ngày em đón nhận cú sốc quá lớn trong cuộc đời. Hỏi em có thấy khó khăn nhiều không, Phi bảo: “Bây giờ, em quen rồi nên thấy bình thường. Chứ hồi trước, mỗi khi về quê, thấy các bạn chạy nhảy chơi đủ trò, còn mình thì không di chuyển được, em bức bối lắm”.
Trạng thái “bình thường” ấy là kết quả cả quá trình dài thay đổi để thích ứng của cả gia đình. Bởi, cú sốc không phải chỉ đến với Phi, một đứa trẻ bỗng dưng phải ngồi một chỗ nhìn bạn bè chơi đùa vui vẻ. Đó là tổn thất quá lớn khiến một gia đình đang yên bình bỗng trở nên chệch choạc. “Chúng tôi phải mất mấy năm mới có thể chấp nhận để tìm cách thích ứng với cuộc sống mới. Mọi vấn đề trong cuộc sống đều phải “cấu trúc” lại”, anh Phạm Trọng Toàn, ba Phi ngậm ngùi chia sẻ.
***
Việc học hành không phải riêng Phi nữa mà là chuyện của cả gia đình. Trở thành đôi chân của con, vợ chồng anh Toàn phải nghỉ việc bên ngoài, chọn một công việc có thể làm tại nhà để hỗ trợ nhau trong việc đưa đón và chăm sóc con. Nghề may trong gia đình trở thành chỗ dựa kinh tế cho cả nhà anh trong giai đoạn hết sức khó khăn đó.
Mỗi sáng, anh Toàn chở con gái đến trường, bế con lên xe lăn đẩy vào tận lớp học rồi trở về nhà. Mặc dù trường đã tạo điều kiện tốt nhất khi xếp lớp của Phi tại tầng trệt để em dễ dàng di chuyển, nhưng vẫn có những ngày, anh Toàn buộc phải ở lại để giúp con chuyển phòng cho những tiết học đặc biệt, như tin học chẳng hạn. Con vào lớp rồi, anh ở lại trường đợi hết tiết để cõng con trả về phòng cũ rồi mới về nhà, bắt tay vào công việc của mình.
“Ngoài thành tích học tập tốt, Phi còn rất hòa đồng, vui vẻ với bạn bè”, thầy chủ nhiệm nói về Phạm Bảo Phi
“Nếu tiết học như vậy bắt đầu từ tiết 1 hoặc tiết 5 thì rất thuận lợi vì mình chỉ cần đợi hết tiết để chuyển phòng cho con rồi về, hoặc buổi trưa đến đón con sớm hơn một tiết. Nhưng nếu việc đổi phòng rơi vào giữa buổi thì không có cách nào khác là mình phải ở lại chờ, hoặc chạy về nhà làm việc rồi quay trở lại, cũng xem như mất hết một buổi”, anh Toàn chia sẻ. Nhưng khó khăn hóa ra nhẹ tênh qua lời kể của anh, cứ như là việc phải làm của cha mẹ trong hành trình nâng bước cho con.
Chỉ riêng việc đi học ở trường đã là hành trình đầy khó khăn với Phi, thì đâu dám nghĩ đến việc học thêm chỗ này chỗ nọ. Tất cả đều phải tự học nhưng những con số tròn trịa của Phi trong học bạ suốt chín năm qua phần nào phản ánh đam mê, khát vọng và nghị lực vô cùng của em. Tổng kết năm học lớp Chín tại Trường THCS Tùng Thiện Vương (Q.8, TP.HCM), Phi đạt 9,7 và đứng đầu khối. Dù mơ ước vào Trường Phổ thông Năng khiếu nhưng Phi không dám đăng ký thi, vì ngại trường quá cao, sẽ bất tiện cho mình trong việc đến lớp nếu “lỡ” thi đậu.
Cho đến một tuần trước khi trường chốt hồ sơ dự thi, Phi mới mạnh dạn nộp hồ sơ, vì biết trường có thang máy, sẽ đỡ vất vả cho ba rất nhiều. Cũng chỉ vì có duy nhất một tuần để ôn thi, nên khi biết mình đậu vào lớp Mười chuyên văn của Trường Phổ thông Năng khiếu, Phạm Bảo Phi không khỏi bất ngờ. Khi được hỏi bí quyết thi đậu, Phi không biết nói gì, một phần vì “em không có bí quyết gì, ngoài việc tự đọc sách để bổ sung kiến thức”.
Đọc sách, điều tưởng như đơn giản ấy lại là bí quyết của Phi, khi chính nó, là hiện thân của ý thức tự trau dồi, học hỏi được nuôi dưỡng bởi người mẹ từ những ngày Phi còn rất nhỏ. Không chỉ thường xuyên mua sách cho con, mẹ Phi còn đóng vai người bạn để trao đổi, bàn luận với con về bất kỳ vấn đề nào nảy sinh từ sách mà hai mẹ con cùng bắt gặp. Nhờ ở sách, mà Phi vươn lên khỏi số phận nghiệt ngã để sống một cuộc sống, theo em là bình thường trước những bất toàn mà số phận dành cho mình. Lúc đầu, khi chúng tôi liên hệ, Phi nhất quyết chối từ, vì nghĩ rằng “em chẳng có gì nổi bật”. Ngày chúng tôi gặp Phi, Phi kiệm lời, không nói nhiều về thành tích học hành. Chỉ có đôi tay của Phi luôn mân mê quyển sách em mang theo bên mình.
“Phổ thông Năng khiếu, ngôi trường đã từng rất “cao xa” ấy đã “gần” hơn khi có quá nhiều cánh tay dang ra chào đón Phi, như những gì Phi đã đón nhận từ thầy cô, bạn bè, người thân của mình”, lời mẹ Phi đầy hàm ơn khi nói về ngôi trường mới của con. “Nhưng ngôi trường ấy vẫn rất cao, chúng tôi cùng nhìn nhận như vậy bởi tin rằng trong hành trình sắp tới, nơi ấy sẽ vun đắp thêm ở con đức tính khiêm nhường”, anh Toàn thận trọng trước những thành tích mà bậc cha mẹ nào cũng có quyền tự hào về con mình.
Anh cũng không giấu được nỗi lo lắng khi sức khỏe của mình ngày một yếu đi. Trong khi, hành trình của con thì vẫn còn rất dài, phía trước.
Chú rất ngưỡng mộ và chúc mừng con. Con gái của chú cũng vừa dự thi vào trường trên nhưng em thiếu tận 4đ dù kết quả học của em cũng ko tệ, ĐTB luôn 9,3 đến 9,6. Dù các con đậu hay rớt thì cũng là 1 sự trải nghiệm, các con đã cố gắng và nỗ lực hết sức.
Đại diện nhà trường cho biết, đã giải quyết các khó khăn chồng chất của nhà trường trong suốt 2 tháng qua, AISVN dự kiến khai giảng trở lại vào tháng 1/2025.
Đề xuất này được ông Huỳnh Văn Chương - Cục trưởng Quản lý chất lượng - nêu tại hội nghị tổng kết kỳ thi tốt nghiệp THPT giai đoạn 2020-2024 sáng 31/10.
Sáng 31/10, Bộ GD-ĐT tổ chức hội nghị tổng kết công tác tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT giai đoạn 2020-2024, chuẩn bị kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025.
Sáng 30/10, Sở GD-ĐT TPHCM tổ chức sơ kết kết quả thực hiện kế hoạch xây dựng "Thành phố học tập toàn cầu UNESCO trên địa bàn TPHCM giai đoạn 2024-2030".