Đầu tư Văn Miếu ở Vĩnh Phúc: Chưa xong đã rắc rối, xây xong lại nhiều sai phạm

10/08/2016 - 14:32

PNO - Kiểm toán nhà nước vừa có đề nghị xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan đến các sai phạm được phát hiện từ kết quả kiểm toán năm 2015.

Theo nguồn tin từ VnExpress, Kiểm toán nhà nước đã đề nghị UBND tỉnh Vĩnh Phúc kiểm điểm trách nhiệm Sở Văn hóa - Chủ đầu tư công trình Văn miếu tỉnh này, về việc để xảy ra những sai sót, hạn chế trong quản lý chi phí đầu tư xây dựng làm tăng giá trị công trình.

Cụ thể, Sở Văn hóa Vĩnh Phúc khi lập và trình duyệt dự toán đầu tư xây dựng đã tính sai khối lượng, áp dụng định mức chuyên ngành, định mức hao phí vật liệu chưa có cơ sở, chưa thống nhất; chưa thẩm định đơn giá các vật tư, vật liệu chính và đặc thù, có giá trị lớn sử dụng cho công trình như giá đá khối, giá gỗ lim, giá chuông đồng, trống, hoa văn chanh, ngói mũi hài, đá lát; vận dụng định mức chi phí chung, định mức chạm khắc hoa văn, rùa và bia tiến sỹ chưa có cơ sở làm tăng giá trị công trình hơn 18,7 tỷ đồng.

Dau tu Van Mieu o Vinh Phuc: Chua xong da rac roi, xay xong lai nhieu sai pham
Nhà bái đường trong khu Văn miếu tỉnh Vĩnh Phúc. Ảnh: Tuổi Trẻ

Ngoài ra, chủ đầu tư còn nghiệm thu khối lượng thi công chưa chặt chẽ, dẫn tới sai khối lượng nghiệm thu phải giảm trừ gần 15 tỷ đồng.

Trước đó, theo nguồn tin báo Tuổi Trẻ, trong tờ trình của Sở Kế hoạch - đầu tư, Sở VH-TT&DL Vĩnh Phúc gửi UBND tỉnh Vĩnh Phúc tháng 10/2011 về việc đề nghị phê duyệt dự án xây dựng công trình Văn miếu tỉnh Vĩnh Phúc nêu rõ: “Văn miếu là nơi thờ Khổng Tử, nhà tư tưởng và giáo dục lớn thời cổ đại. Các nước theo Nho giáo trước đây như Trung Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản và Việt Nam đều xây dựng Văn miếu”.

Đó là công trình đồ sộ, rộng hơn 42.000m2, được khởi công xây dựng từ năm 2012 tại khu gò Cháo, phường Liên Bảo, thành phố Vĩnh Yên, đến nay đã gần hoàn thiện, đi vào hoạt động.

Toàn bộ nguồn vốn để thực hiện dự án là từ ngân sách tỉnh Vĩnh Phúc, theo khẳng định của ông Trần Mạnh Định - giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Vĩnh Phúc (dù trong tờ trình gửi UBND tỉnh có ghi chủ đầu tư sẽ huy động thêm các nguồn vốn khác).

Tuy nhiên, Dự án xây dựng Văn miếu tỉnh Vĩnh Phúc với tổng số vốn đầu tư gần 271 tỷ đồng tại thời điểm đó khiến nhiều người băn khoăn.

Bày tỏ quan điểm về vấn đề này, GS Ngô Đức Thịnh cho rằng: Một địa phương mà trích ngân sách vài trăm tỉ đồng để xây Văn miếu trong điều kiện chung đất nước còn khó khăn là lãng phí quá. Dù có huy động vốn xã hội hoá cũng không nên xây dựng Văn miếu một cách “bày vẽ” hoành tráng.

Trong việc Văn Miếu tại Vĩnh Phúc sẽ thờ ai khi đó đã có những ý kiến trái ngược được đưa ra. Trả lời VietnamNet, ông Trần Mạnh Định, Giám đốc Sở VH TT&DL tỉnh Vĩnh Phúc cho rằng:

“Trong thiết kế, bài trí thờ tự ở phần cuối là bài vị Khổng Tử. Tuy nhiên khi xây dựng gần xong thì có ý kiến không đưa bài vị của Khổng Tử vào thờ nên vẫn đang tranh cãi. Cái gì không ổn thì tổ chức hội thảo để làm rõ”.

Tuy nhiên, trả lời báo Dân trí, ông Kim Văn Ngoan Quýnh - Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Phúc lại cho rằng: "Toàn bộ đề án trưng bày nội thất của Văn Miếu (ở Vĩnh Phúc) mà Sở Văn hóa là chủ đầu tư, đã báo cáo qua nhiều lần hội thảo khoa học, qua nhiều lần họp với các nhà khoa học đều không đưa Khổng Tử vào thờ ở đó, mà chỉ đưa vào gian thờ chính là ông Chu Văn An, chứ không phải Khổng Tử.

Sau này mới có một số ý kiến cho rằng phải đưa Khổng Tử vào thờ trong Văn Miếu. Quan điểm của ngành tôi trong việc phê duyệt nội thất ở Văn Miếu là không thờ Khổng Tử trong đó".

Còn theo lời ông Kim Văn Ngoan Quýnh - Phó Giám đốc Sở, nếu ngay từ đầu đã không định thờ Khổng Tử thì tại sao lại phải xây theo kiến trúc Văn Miếu.

Sự việc khi đó đã nhận được rất nhiều ý kiến phản hồi, tranh cãi.

Bảo Trang (Tổng hợp)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI