Đầu tư văn hóa phải có trọng tâm, mới thấy rõ kết quả

31/05/2024 - 06:27

PNO - Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga: "Tôi thực sự chưa quan tâm và bàn tới số tiền mà chương trình đề ra. Bởi muốn xác định được số tiền thì phải xác định nhiệm vụ, mục tiêu một cách cụ thể, có trọng tâm".

Trao đổi với phóng viên Báo Phụ nữ TPHCM, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga - Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội - cho rằng, nội dung của chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa trình Quốc hội trong kỳ họp này còn dàn trải, chưa xác định được nhiệm vụ trọng tâm để tạo sức bật.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga

Phóng viên: Thưa bà, trong chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa trình Quốc hội, Chính phủ đề ra 10 nội dung với 9 nhóm mục tiêu cụ thể trên khá nhiều lĩnh vực. Bà đánh giá thế nào về nội dung tờ trình này?

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga: Trước hết, tôi hoàn toàn tán thành và nhất trí về mặt chủ trương với chương trình này. Có thể thấy, từ sau hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021 tới nay, việc đầu tư cho văn hóa chưa có biến chuyển đáng kể dù phát biểu trong hội nghị đó, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh phải chú trọng đầu tư cho văn hóa, bởi “văn hóa còn thì dân tộc còn, văn hóa mất thì dân tộc mất”.

Tuy nhiên, tôi thấy phải xác định rõ trong giai đoạn tới, cần tập trung vào trọng tâm, trọng điểm gì để đạt được hiệu quả. Muốn vậy, cần rà soát lại xem trong thời gian qua, lĩnh vực văn hóa đã được đầu tư như thế nào, đâu là điểm nghẽn, có nội dung nào mà kết quả đạt được chưa như kỳ vọng. Không phải chúng ta liệt kê tất cả nhiệm vụ ra, sau đó cộng số tiền lại để đầu tư.

Đó là cách tính dàn trải, không rõ được kết quả và cũng không đúng với nội dung một chương trình mục tiêu quốc gia. Ngoài ra, có những nội dung cần được chú trọng đầu tư nhưng lại chưa có mặt, hoặc xuất hiện một cách rất mờ nhạt.

* Cụ thể đó là những nội dung nào, thưa bà?

- Tôi có thể lấy ví dụ về văn học nghệ thuật. Bài phát biểu của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trong hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021 nêu rõ “phải đầu tư cho văn học nghệ thuật”. Thời gian qua, chúng ta đầu tư cho văn học nghệ thuật rất hạn chế. Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa đang tập trung vào 2 vấn đề: tăng cường quảng bá các tác phẩm văn học nghệ thuật có giá trị cao, được giải thưởng; tổ chức các cuộc thi, trong đó xác định chỉ tiêu, số lượng các giải thưởng quốc tế.

Thực tế, văn học nghệ thuật là loại hình đặc trưng, nếu đã là sản phẩm có giá trị cao thì không cần phải quảng bá quá nhiều. Một bộ phim thực sự hấp dẫn thì khi ra rạp, tự công chúng sẽ lăng xê. Một bài thơ hay chưa cần xuất bản, chỉ cần lan truyền trên internet, công chúng đã chia sẻ. Một bức tranh đẹp, giới mỹ thuật có thể bán được rất nhiều tiền...

Quảng bá có cần không? Tôi nghĩ cũng cần nhưng đấy chỉ là khâu “hái quả”. Cái cần hơn trong giai đoạn trước mắt là phải “vun trồng”, tức làm thế nào để có các tác phẩm thành công ấy. Chúng ta cần quan tâm tới các hội văn học nghệ thuật và các hội chuyên ngành trung ương, đầu tư trực tiếp cho đội ngũ văn nghệ sĩ trong quá trình sáng tác, như tổ chức các trại sáng tác, cho văn nghệ sĩ đi thực tế.

Trước đây, chúng ta đã từng làm rất tốt, thế hệ các nhà văn như Tô Hoài, Huy Cận, Xuân Diệu... từng đi thực tế sáng tác và đã có nhiều tác phẩm ca ngợi con người mới xã hội chủ nghĩa... Hiện nay, hệ thống các nhà sáng tác của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hầu hết đã có từ rất lâu đời, cơ sở vật chất cũ kỹ, đặc biệt là hình thức tổ chức không đổi mới, rất nghèo nàn. Các văn nghệ sĩ được “gom” tới nhà sáng tác và để đấy, cho tự hoàn thành tác phẩm. Tức là họ chỉ thay đổi địa điểm sáng tác, muốn đi thực tế thì phải tự tổ chức, lên kế hoạch, nộp tiền...

Về việc tổ chức các cuộc thi, trong đó xác định chỉ tiêu, số lượng các giải thưởng quốc tế, tôi băn khoăn, những điều này dựa trên cơ sở nào. Bởi, chính nghệ sĩ cũng không chắc chắn rằng, khi nào mình cho ra đời một tác phẩm tầm cỡ. Sáng tạo văn học nghệ thuật phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Người dân cấy lúa có thể tính 3 tháng nữa đến vụ thu hoạch, đạt khoảng bao nhiêu tấn thóc nhưng người sáng tác thì không. Chỉ có một điều chắc chắn rằng, nếu không bồi dưỡng nghệ sĩ cả vật chất lẫn tinh thần thì sẽ không có tác phẩm hay.

* Khi góp ý vào Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa, một số ý kiến cho rằng, công nghiệp văn hóa đóng vai trò rất quan trọng nhưng nội dung này chưa được đề cập một cách cụ thể, rõ ràng; chỉ tiêu tới năm 2030, công nghiệp văn hóa đóng góp 7% vào GDP của cả nước là quá thấp. Quan điểm của bà ra sao?

- Về công nghiệp văn hóa, đây là lĩnh vực quen thuộc của nhiều nước trên thế giới, đóng góp một phần thu đáng kể cho GDP. Ở các nước châu Á như Hàn Quốc, Trung Quốc, công nghiệp văn hóa phát triển. Còn ở Việt Nam, đây là khái niệm mới mẻ, đã gọi là mới mẻ thì chắc chắn chưa có thành tựu đáng kể.

Nhìn một cách tổng thể, nền công nghiệp văn hóa của Việt Nam còn rất loay hoay, phải giải quyết rốt ráo nhiều vấn đề. Ví như vụ việc lùm xùm của hãng phim truyện Việt Nam kéo dài nhiều năm nay, các nghệ sĩ vẫn phải đau đáu với nghề. Hay hệ thống sân khấu truyền thống còn gian nan, vất vả. Việc đào tạo chuyên ngành văn hóa - đặc biệt là văn hóa truyền thống - gặp nhiều khó khăn. Muốn phát triển công nghiệp văn hóa, trước hết ta phải có một đội ngũ nghệ sĩ, sau đó mới tính tới phát triển những thứ khác.

Nói như vậy không phải chúng ta không cần đầu tư cho công nghiệp văn hóa. Điều này là rất cần thiết nhưng phải xác định trọng tâm, trọng điểm. Chúng ta phải xây dựng được một thương hiệu văn hóa Việt Nam trước rồi phát triển công nghiệp văn hóa sau.

* Dư luận rất quan tâm về nguồn lực đầu tư cho Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa. Bà có nhận định như thế nào về khoản kinh phí đầu tư dự kiến hơn 100.000 tỉ đồng?

- Tôi thực sự chưa quan tâm và bàn tới số tiền mà chương trình đề ra. Bởi như tôi đã nói ở trên, nội dung của chương trình còn đang quá dàn trải. Muốn xác định được số tiền thì phải xác định nhiệm vụ, mục tiêu một cách cụ thể, có trọng tâm.

* Xin cảm ơn bà

Không thể đầu tư kiểu “dàn hàng ngang”

Lĩnh vực văn hóa rất rộng lớn, có những vấn đề trừu tượng như đạo đức, lối sống, nhân cách con người... nhưng cũng có những vấn đề cụ thể như trùng tu, bảo tồn di tích. Do vậy, việc đầu tư phải có các trọng tâm, trọng điểm; phạm vi của chương trình phải phù hợp để đầu tư có tính định hướng và lan tỏa, góp phần thu hút các nguồn lực xã hội cùng tham gia.

Ví dụ, Việt Nam có hàng chục ngàn di sản văn hóa khác nhau, chương trình không thể đầu tư cho tất cả. Chúng ta phải lựa chọn các di tích quốc gia đặc biệt, có thể phát huy hiệu quả, trở thành điểm nhấn, thúc đẩy kinh tế cho cả một địa phương. Chương trình cũng không thể “dàn hàng ngang” để phát triển các lĩnh vực trong công nghiệp văn hóa. Hà Nội có thể lựa chọn điện ảnh khi sẵn có liên hoan phim quốc tế nhưng các địa phương khác không nên bắt chước mà phải phát huy thế mạnh của địa phương.

Đại biểu Bùi Hoài Sơn - Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội

Huyền Anh (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI