Có rất nhiều dấu hiệu để người lần đầu tiên tham gia đầu tư tiền ảo cũng có thể hoài nghi và nhận biết những chiêu trò lừa đảo khi đầu tư đồng tiền này.
Tạo tin đồn... để thổi giá
Chiêu trò lừa đảo này còn được gọi là mô hình pump and dump (bơm - xả giá), một loại hình lừa đảo tương đối đơn giản. Những kẻ lừa đảo thổi phồng giá của một đồng coin ít phổ biến bằng cách truyền bá thông tin không đúng sự thật để tạo ra sự quan tâm ảo và bắt đầu “bơm”.
Người thao túng loại mô hình lừa đảo này thường là những cá nhân được gọi là “pumpers”. Đây là những tay chủ định “bơm” một token - thường là một loại coin không được ưa chuộng. Những người này mua số lượng đáng kể những đồng coin đó và cố gắng bơm chúng thông qua nhiều phương tiện truyền thông xã hội. Khi giá trị của token tăng lên, chúng sẽ xả ra kiếm lời và bỏ trốn.
Đó chính là “cái bẫy” được lập ra trên thị trường tiền ảo của các “pumpers”. Khi sự thật được phanh phui, giá trị của các đồng tiền ảo tuột dốc nhanh chóng. Những nhà đầu tư chạy theo thông tin giả lúc đó chỉ muốn lấy lại vốn nhưng không thể nào thu hồi lại được.
Hứa hẹn lãi suất không tưởng
Đây thực chất là mô hình vay tiền người vào sau trả cho người vào trước. Đối với mô hình này, các nhà đầu tư được hứa hẹn sẽ có mức lãi suất khủng. Những “khoản đầu tư” thường có vẻ sinh lãi cực lớn lúc ban đầu (vì các khoản thanh toán hằng ngày đang được trả bởi những nhà đầu tư khác), nhà đầu tư sẽ có xu hướng tái đầu tư số tiền họ thu được vào mô hình để kiếm thêm lợi nhuận.
Tuy nhiên, khi nhà đầu tư có ý định rút tiền ra thì đáng tiếc, đây lại chính là thời điểm nhiều vấn đề nảy sinh và số tiền đầu tư “bỗng dưng” biến mất.
Điển hình là vụ lừa đảo đồng ifan giữa năm 2018. Các nhà đầu tư được kêu gọi mua đồng iFan hay Pincoin (được gắn mác là tiền quốc tế) của nhóm sáng lập Công ty Modern Tech. Họ cam kết lợi nhuận thấp nhất là 48%/tháng, thời gian hoàn vốn tối đa 4 tháng; mời thành viên mới vào hệ thống thì được hưởng thêm 8% số tiền người mới tham gia.
Với mức lãi suất quá hấp dẫn, rất nhiều người nhẹ dạ cả tin và bị sập bẫy chiêu trò lừa đảo này. Hậu quả là sau bốn tháng ra đời, iFan đã sụp đổ và không có giá trị giao dịch quốc tế. Nhà đầu tư chỉ còn lại danh mục có giá trị được cho là 15.000 tỷ đồng nhưng không thể rút ra, lãi lùi về 0%. Ước tính số nạn nhân lên đến 32.000 người.
|
Những kẻ lừa đảo thường tìm cách "thổi phồng" các đồng tiền để hút các nhà đầu tư vung tiền |
Nếu bạn muốn đầu tư vào một dịch vụ liên quan tới tiền số hóa, hãy đảm bảo công ty cung cấp dịch vụ được tích hợp đầy đủ và có các chuyên gia uy tín trong ngành điều hành. Thêm vào đó, hãy đảm bảo chiến lược đầu tư họ đề xuất được nêu rõ ràng và mạch lạc. Nhớ rằng ba chữ “chắc chắn lời” hầu như không bao giờ xuất hiện trong thế giới đầu tư, vì vậy hãy cẩn trọng với các công ty đảm bảo quá chắc chắn về việc hoàn tiền.
Lợi nhuận 48%/tháng là chuyện không tưởng
Người huy động vốn đã đánh trúng lòng tham của một bộ phận người dân bằng những lời quảng cáo có cánh như lợi nhuận khủng, lãi suất cao.
Chỉ trong khoảng thời gian từ một hai tháng đầu, “nhà cái” thường trả lãi suất rất cao bằng tiền thật, thực chất là lấy tiền của nhà đầu tư sau trả lãi cho nhà đầu tư trước nhằm tạo niềm tin để họ tiếp tục đầu tư, lôi kéo thêm nhiều nhà đầu tư khác. Từ đó, nhiều người nảy sinh lòng tham, tiếp tục gom tiền đầu tư với mong muốn hưởng lợi nhuận “khủng”.
Khi số lượng nhà đầu tư tăng lên và số tiền trong các tài khoản “ảo” đạt tới đỉnh điểm, “nhà cái” sẽ đánh sập sàn và chiếm quyền đăng nhập tài khoản trên hệ thống máy tính.
Bên cạnh đó, để huy động cao nhất số người tham gia, các tổ chức này thường trích “hoa hồng” cao cho những nhà đầu tư có khả năng tìm kiếm, giới thiệu được nhiều khách hàng cùng tham gia…
“Không thể có mức lợi nhuận đến 48%/tháng nếu như làm ăn chính đáng. Nhà đầu tư đã bị cám dỗ với những mức lợi nhuận khủng được tô vẽ ra mà không tự hỏi tại sao gửi tiền tiết kiệm ở ngân hàng một năm chỉ được hưởng lãi suất khoảng 7-8%. Lòng tham là yếu tố chính khiến người dân mắc bẫy các dự án này” - tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính, cảnh báo.
Tin... người nổi tiếng
Khi ra mắt nhà đầu tư để chào mời tham gia sàn tiền ảo, các công ty liên tục mời những người nổi tiếng làm đại diện thương hiệu, quảng bá sản phẩm nhằm gầy dựng lòng tin với nhà đầu tư. Nhiều nhà đầu tư đã đổ rất nhiều tiền vào sàn tiền ảo, dù chẳng hiểu gì về nó. Họ tham gia vì “thần tượng của mình cũng đầu tư thì mình làm theo thôi. Người nổi tiếng giàu vậy, không lẽ họ lừa mình…”.
Trên các diễn đàn mạng liên tục đăng tải, quảng bá giới thiệu các đồng tiền ảo với lãi suất cao, lan rộng trên phạm vi nhiều tỉnh, thành phố. Mỗi gói đầu tư tiền ảo trị giá đến hàng ngàn USD. Với quảng cáo này, nhiều cá nhân tham gia bằng cách dùng tiền thật để mua các gói tiền ảo, hy vọng trở nên giàu có trong một thời gian ngắn nếu các đồng tiền ảo tăng giá chóng mặt như Bitcoin.
Người chơi được hưởng tiền lãi, không hề biết rằng số tiền gọi là lãi này được trích ra từ tiền của người gửi sau trả cho người gửi trước (tương tự như tham gia mua hàng đa cấp). Với phương thức này, bên bán không có gì để bán mà vẫn thu được những khoản lợi nhuận khổng lồ theo nguyên tắc “lấy mỡ khách hàng trước, rán khách hàng sau” và cứ như vậy cho đến khi còn khách hàng tham gia mua tiền ảo.
Giấc mộng phù hoa
Theo các chuyên gia, những kẻ lừa đảo rất giỏi trong việc tạo niềm tin bằng cách tổ chức các cuộc hội thảo, hội nghị ở những nơi sang trọng, đồng thời, họ cũng có tài hùng biện. Tại các buổi thuyết trình, người nghe được vẽ lên cuộc sống sung túc, đổi đời, đi du lịch khắp nơi trên thế giới, từ “làm giàu” luôn được họ nhắc đi nhắc lại. Người nghe như được đưa vào một mê cung với cuộc sống phong lưu, hào nhoáng.
|
Tiền ảo vẫn còn quá nhiều rủi ro cho các nhà đầu tư |
Các chuyên gia cho rằng người dân cần trang bị kiến thức về kinh tế, tài chính; khi đầu tư lĩnh vực gì phải tìm hiểu kỹ lĩnh vực đó, thậm chí nhờ đến sự tư vấn của chuyên gia về luật pháp, tài chính. Ngoài ra, phải luôn tỉnh táo trước các mức lợi nhuận quá cao mà những người huy động vốn đưa ra.
Hiện nay, Nhà nước chưa có bất kỳ văn bản pháp luật nào đưa ra khái niệm và quy định cụ thể về tiền kỹ thuật số (tiền ảo) và tài sản ảo. Pháp luật cũng chưa có quy định và chế tài xử lý việc đầu tư tiền ảo. Do đó, việc người dân đầu tư vào tiền ảo nhưng không sử dụng tiền ảo làm tiền tệ hoặc phương tiện thanh toán thực tế ngoài xã hội được xem là không vi phạm pháp luật, tuy nhiên cũng không được pháp luật bảo hộ.
Bạn có thể gửi câu hỏi hoặc chia sẻ những kinh nghiệm của bản thân cho chuyên mục thông qua địa chỉ email: tuvantaichinh@baophunu.org.vn