Đầu tư nhiều, vẫn không bớt hỗn loạn giao thông

11/01/2015 - 08:02

PNO - PN - Sau rất nhiều nỗ lực xây dựng cơ sở hạ tầng, điều người dân có thể thấy rõ trước mắt là những cây cầu vượt mới, cao lớn, đồ sộ băng ngang qua những giao lộ, những cây cầu cũ được làm lại, những tuyến đường...

edf40wrjww2tblPage:Content
Dau tu nhieu, van khong bot hon loan giao thong

Dư luận xôn xao việc Sở Giao thông vận tải TP.HCM vừa đề xuất UBND TP các giải pháp hạn chế sở hữu xe cá nhân, cả xe ôtô và xe máy. Trong gói giải pháp này, nhiều chuyện sẽ động đến từng nhà, từng người.

Ví dụ, chuyện mua một cái xe mới sẽ khó khăn hơn vì phí trước bạ phương tiện cá nhân đăng ký mới sẽ tăng. Ngoài việc phải bỏ tiền đóng các loại bảo hiểm, các loại thuế, phí... để có được chiếc xe, thì quyền lưu hành xe cũng đòi hỏi phải nộp một khoản tiền đáng kể, căn cứ vào mức đấu giá và số lượng giấy phép lưu hành xe còn trong hạn ngạch cấp...

Có lẽ, đối với TP.HCM, đây là vấn đề sớm muộn gì cũng phải đối mặt. Thành phố đông dần lên mỗi ngày. Các khu dân cư ngoại thành phát triển nhanh, các khu nội thành cũng thay đổi: người bán nhà chuyển ra ngoại thành sống, người thuê, mua nhà ở khu thị tứ để làm ăn. Người ta thấy cả TP dịch chuyển.

Với một TP như vậy, nhu cầu đi lại là thiết thân, là quan trọng đến mức không thể hạn chế, hay nói cách khác, hạn chế đi lại là hạn chế nhịp sống, hạn chế thu nhập, hạn chế năng lực phấn đấu của người dân. Đây cũng là một phần lý do khiến những chính sách này trước đây không được người dân hưởng ứng - khi cơ sở hạ tầng, đường sá còn kém, người dân còn phải chịu đựng nhiều, chưa đủ tầm nghĩ để đồng cảm với việc hạn chế xe cá nhân.

Cần một giải pháp tách bạch rõ ràng giữa việc hạn chế phương tiện giao thông nhưng vẫn duy trì và tăng cường khả năng giao thông trong TP. Tiếc là những giải pháp cải tiến, nâng cấp hệ thống giao thông công cộng trong đề xuất của Sở Giao thông vận tải TP.HCM vẫn đang ở giai đoạn nghiên cứu.

Người dân TP vẫn e dè khi nghĩ đến xe bus, và các phương tiện khác chưa trở thành mạng lưới giao thông đáp ứng yêu cầu người dân trong thời gian gần. Đây sẽ là chỗ khó khăn khi chính sách này đi vào thực tế.

Nhưng TP chắc vẫn phải tiến hành một số việc theo đề xuất, nhằm điều tiết nhịp phát triển của mình cân đối trên nhiều mặt. Khi TP phát triển mạnh mẽ, những vấn đề của sự tăng trưởng cũng nan giải, cũng đau đầu, cũng đòi hỏi một sự cộng đồng trách nhiệm giữa người dân và chính quyền trong quá trình giải quyết.

Những phương án để hạn chế sở hữu xe cá nhân mà TP đưa ra, cũng bắt nguồn từ học tập của các nước phát triển trong khu vực: lưu thông chẵn lẻ theo ngày, theo bảng số quy định; có chỗ đỗ xe mới được mua xe; hạn chế bằng các đầu phí thu trên phương tiện… đều là những cách mà các nước đã dùng.

Ở Singapore, giấy phép lưu hành phương tiện (COE-Certificate of Entitlement) là loại giấy phép khó khăn và tốn kém nhất cho một chiếc xe hơi. Giấy phép này cũng chỉ có một thời hạn sử dụng - ví dụ 10 năm. Chính phủ kiểm soát chặt chẽ số lượng giấy phép.

Ngay cả hiện tại, với một cuộc hẹn giờ cao điểm trưa hay chiều trong khu trung tâm TP.HCM, nhiều chủ xe hơi đã phải chấp nhận để xe ở một bãi đậu xa, và đi bộ hoặc đi taxi để tới được điểm hẹn. Chỗ đậu xe đã trở thành hiếm và đang càng ngày càng hiếm hơn.

Mấy năm nay, đường sá sửa sang nhiều, những lô cốt dần được gỡ bỏ, lòng đường thông thoáng hơn, nhưng giao thông vẫn không bớt phần hỗn loạn là mấy. Kẹt xe, tai nạn do va quẹt, do các phương tiện không lưu thông đúng làn đường, do ý thức người dân chưa tốt, do chất lượng phương tiện kém, do chất lượng tấm bằng lái có khi cũng còn có vấn đề… hàng loạt lý do.

Lý do nào cũng được nhân lên với số lượng dân cư của TP: đông người quá, đông xe quá, nên tai nạn giao thông có khi đã thành tai nạn liên hoàn, hậu quả không chỉ nặng nề đối với người phạm lỗi, mà còn là tai họa trên trời rơi xuống đối với những người xung quanh. Những vấn nạn ấy trong giao thông TP cần được giải quyết. Không thể chỉ trông chờ vào ý thức, mà không thực hiện những tác động từ cơ chế vật chất, để ý thức được hình thành một cách rõ ràng hơn.

Mỗi một quyết định quản lý xã hội khi đưa vào thực thi đều có những phản ứng thuận và nghịch. TP cũng đang thận trọng trước việc thực hiện chính sách này. Hy vọng, những phản ứng từ dư luận xã hội sẽ khiến việc điều chỉnh chính sách sao cho không ảnh hưởng nhiều đến người nghèo, những người có thu nhập chưa cao, để đây là một chính sách sẽ khiến hệ thống giao thông TP thay đổi tích cực hơn.

LẬP PHƯƠNG

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI