Đầu tư nguồn lực để tạo cơ chế đặc biệt cho vùng Đông Nam bộ

26/11/2023 - 22:35

PNO - Tại Hội nghị hội đồng điều phối vùng Đông Nam bộ lần thứ hai với chủ đề “Quy hoạch vùng Đông Nam bộ thời kỳ 2021 - 2030 tầm nhìn đến năm 2050” chiều 26/11, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi kiến nghị, đối với kinh tế vùng Đông Nam Bộ, cần rà soát lại các thông số, nghiên cứu các điều kiện tiên quyết để tăng trưởng theo kế hoạch đề ra.

Theo ông Phan Văn Mãi, Đông Nam bộ là vùng trọng điểm số một, và có năng lực hội nhập cạnh tranh quốc tế. Từ đây đến năm 2030, quốc gia phải đầu tư 30 - 50% nguồn lực thì đầu tàu mới có sự bứt tốc trong thời gian tới. 

 Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi kiến nghị, đối với kinh tế vùng Đông Nam Bộ
Thủ tướng Phạm Minh Chính điều hành hội nghị

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cho rằng, về phân vùng không gian kinh tế, cần mạnh dạn xác định đây là vùng công nghiệp - dịch vụ, mở rộng không gian kinh tế Đông Nam bộ, với vai trò là đầu tàu khoa học công nghệ, dịch vụ chất lượng cao. Từ đây sẽ lan tỏa các vùng khác và cả nước, là đầu mối để tiếp nhận từ bên ngoài, khu vực và thế giới. 

Về không gian đô thị, nên có sự phân bổ không gian đô thị công nghiệp dịch vụ trên nền tảng đô thị tri thức sáng tạo và đô thị thông minh. 

Về giao thông nội vùng, nên đặt đường sắt kết nối vùng thành một mạng lưới và thậm chí mạng lưới này chi phối cả chuyện phát triển đô thị, phát triển công nghiệp và phát triển hạ tầng logistics, chuyển đổi mô hình quản lý hành chính của vùng.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Tinh thần chung là kiến tạo phát triển và liên kết vùng, quy hoạch phải mở và vận dụng linh hoạt
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị

Phát biểu kết luận tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ đạo, quy hoạch phải trên tinh thần chung là kiến tạo, phát triển và liên kết vùng, vận dụng linh hoạt, không vướng mắc khi có biến động lớn.Trong quá trình xây dựng quy hoạch, cần nhận thức sâu sắc hơn về vị trí, vai trò, tầm quan trọng đặc biệt, làm rõ hơn tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh và cả những khó khăn, thách thức của vùng.

Theo Thủ tướng, hiện nay tiềm năng của vùng lớn nhưng cơ chế, chính sách còn hạn hẹp. Hạ tầng chiến lược chưa tương ứng để phát huy tiềm năng phát triển. Vì vậy, phải  có cách tiếp cận, tư duy đột phá chứ không tịnh tiến, bám sát thực tiễn và dựa trên 3 trụ cột chính: Con người, thiên nhiên và truyền thống văn hóa – lịch sử. 

Vùng Đông Nam bộ gồm TPHCM và 5 tỉnh: Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Phước, Tây Ninh, với diện tích 23.551km2, chiếm 7,1% diện tích cả nước; dân số khoảng 18,8 triệu người, chiếm 18,9% dân số cả nước (năm 2022) và là trung tâm kinh tế lớn nhất của cả nước. 

Năm 2022, GRDP vùng Đông Nam bộ chiếm khoảng 31% cả nước; xuất khẩu đóng góp khoảng 35%, thu ngân sách khoảng 38% cả nước; GRDP bình quân đầu người của vùng Đông Nam bộ gấp 1,64 lần cả nước; tỉ lệ đô thị hóa của vùng là 66,5%, gấp 1,8 lần trung bình cả nước.

Khuê Lâm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI